GS.TS Nguyễn Thị Doan – nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh trong tham luận của mình tại Hội thảo khoa học “Trường ĐH với việc xây dựng và triển khai mô hình “Công dân học tập” tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ tư".
Quy hoạch tổng thể
Theo GS.TS Nguyễn Thị Doan, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo tiêu chí “Công dân học tập” có thể tập trung vào 3 nhóm đối tượng: Lãnh đạo các cấp; trường đại học, cao đẳng và cơ sở đào tạo nghề; người học.
Theo đó, với lãnh đạo các cấp, trên cơ sở đổi mới nhận thức về tính cấp thiết, tầm quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hiện nay mà tập trung đầu tư cho nhóm đối tượng này.
Chính phủ cần có quy hoạch tổng thể, toàn diện về nhu cầu nhân lực chất lượng cao ở các ngành, đặc biệt các ngành mũi nhọn để có thiết kế cho hệ thống giáo dục, tránh tình trạng bất hợp lý về cơ cấu ngành nghề đào tạo nêu trên.
Quy hoạch tổng thể sẽ là chỗ dựa cho các trường và cơ sở đào tạo trong tuyển sinh và thiết kế kế hoạch đào tạo đúng.
Nguyên Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, trước tiên cần thống nhất nhận thức phải phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ nhu cầu nền kinh tế số, phát triển dựa vào tri thức và bằng tri thức theo tiêu chí “Công dân học tập” tiếp cận dần theo tiêu chí “Công dân toàn cầu”.
Đó là các công dân cần có đầy đủ 2 tiêu chí về năng lực và phẩm chất. Đây cũng chính là những năng lực, phẩm chất cần có của “Công dân học tập” thời kỳ cách mạng 4.0 mà mỗi thành viên của nguồn nhân lực chất lượng cao cần có.
Tiếp cận với chuẩn đào tạo quốc tế
GS.TS Nguyễn Thị Doan chia sẻ, từ những năm 90, Chính phủ đã có quyết định sáng suốt trong việc đầu tư một số trung tâm đại học mạnh. Song việc thực hiện quyết định này chưa mạnh dạn, thiếu quyết tâm nên đến nay, tuy một số trường đại học có nhiều thành công, được xếp hạng trong khu vực, song chưa đủ sức bứt phá.
Vẫn có thể nhìn thấy tính lạc hậu trong nội dung và phương pháp giảng dạy ở nhiều trường. Do đó, để có nguồn nhân lực chất lượng cao từ các trường trọng điểm này, Chính phủ cần mạnh dạn đầu tư xây dựng một số trường đại học mạnh làm mũi nhọn, quyết liệt hơn trong đổi mới về nội dung và phương pháp giảng dạy tiếp cận với chuẩn đào tạo quốc tế.
Những trung tâm đại học này phải đi đầu trong thực hiện cho quy hoạch nguồn nhân lực chất lượng cao tổng thể, là trụ cột ngành Giáo dục đại học. Cùng với một số trung tâm đại học, cần đầu tư một số trường đào tạo nghề mạnh với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, chuẩn khu vực và quốc tế để sinh viên không phải học chay hoặc học trên các thiết bị lạc hậu.
Bên cạnh quy hoạch nguồn nhân lực chất lượng cao tổng thể và mạnh dạn đầu tư chiều sâu cho một số trung tâm đại học, trường dạy nghề, Nhà nước cần có chính sách thu hút các nhà khoa học và giáo sư giỏi ở nước ngoài đến Việt Nam và về Việt Nam (nếu là người Việt Nam ở nước ngoài) làm việc; đổi mới hơn nữa chính sách tuyển dụng những học sinh giỏi thực sự, đãi ngộ nhà khoa học, giáo sư và chuyên gia đầu ngành để họ phấn khởi và yên tâm làm việc.
Chính phủ cũng cần có biện pháp quản lý nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua hệ thống các tiêu chí đánh giá và quản lý chặt chẽ. Cần rà soát, điều tra định kỳ để phát hiện kịp thời những yếu kém, sớm khắc phục.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp và tập đoàn lớn đã đầu tư vào lĩnh vực giáo dục đại học nhưng chưa nhiều. Chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm của các doanh nghiệp nói chung với đào tạo ở các trường đại học và các trường nghề. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến cung và cầu chưa gặp nhau.
Cần có hệ thống hoàn chỉnh
Đối với các trường đại học, cao đẳng và các cơ sở đào tạo nghề, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao đổi: Trước tiên, Nhà nước cần xác định, một đất nước muốn phát triển cần có hệ thống đại học và trường nghề hoàn chỉnh, đẳng cấp quốc tế.
Đây là giải pháp tốt nhất để phát triển đất nước mà các nước tiên tiến đã và đang làm. Cũng từ định hướng này, trường đại học cần nhận thức đúng về sứ mệnh, nhiệm vụ nặng nề nhưng vinh quang của mình trước dân tộc, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Điều đó buộc các trường đại học phải thay đổi từ tư duy, nhận thức đến phương pháp và nội dung đào tạo theo mô hình “Công dân học tập”, vì những kiến thức và kỹ năng cần thiết, nhiều bài học, sáng tạo được đúc rút qua các tình huống giảng dạy trong nhà trường.
Những kiến thức, kỹ năng này được vận dụng vào thực tế có thể làm xuất hiện kiến thức, sự sáng tạo mới. Kiến thức, với cách bồi đắp đó, có thể đến từ người thầy, sinh viên. Có thể hiểu học tập, đúc rút và sáng tạo, phát triển tri thức là quá trình liên tục với thời điểm bắt đầu là kiến thức học được từ nhà trường. Để có sự năng động, sáng tạo, để tri thức luôn được bồi đắp và phát triển bắt buộc các trường phải đổi mới phương pháp truyền đạt kiến thức.
Người thầy phải vừa là người truyền đạt, vừa là người khai thác, phát triển sự sáng tạo của sinh viên thông qua các tình huống thực tế, được mô phỏng và thảo luận thông qua làm việc nhóm.
Từ đó giúp sinh viên có phương pháp tư duy tốt, sáng tạo. Thời kỳ tuyển sinh lấy số lượng là chính, đào tạo cho học sinh lấy bằng, chứng chỉ là chính đã qua rồi, vì nó không còn phù hợp với nền kinh tế số hiện nay.
Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đã chỉ rõ hướng đổi mới của ngành GD-ĐT. Các trường đại học, các trường đào tạo nghề cần bám sát nghị quyết để triển khai có hiệu quả.
Để đạt được các năng lực cần có là việc không dễ, không phải chỉ riêng các trường làm được mà phải có sự chuyển biến về nhận thức về GD-ĐT nghề, đại học... của toàn xã hội.
Để trở thành “Công dân học tập thời kỳ cách mạng số” không phải duy nhất là phải học đại học, cao đẳng, mà còn phải học ở thực tế, học suốt đời, học ở các trường nghề, học ở bất cứ đâu bằng các phương pháp học khác nhau: Trực tuyến, bằng điện thoại thông minh (online, M.learning...). Bộ GD&ĐT cần có chương trình cụ thể để phát triển hình thức giáo dục thường xuyên song song với hệ đào tạo chính quy như Luật Giáo dục đã quy định.
Nhận diện khó khăn
Cũng theo GS.TS Nguyễn Thị Doan, việc đầu tư cho trường đại học và trường nghề có đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ của mình còn gặp rất nhiều khó khăn do nguồn lực hạn chế. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo các hình thức tiên tiến, yêu cầu các trường phải được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật với các thiết bị hiện đại mà các trường, nhất là các trường dạy nghề còn quá nghèo, thiết bị dạy và học có khi còn lạc hậu; do đó đòi hỏi Nhà nước phải có kế hoạch đầu tư giống như đầu tư các con đường huyết mạch trong hệ thống giao thông hiện nay và chúng ta sẽ thấy hiệu quả rõ rệt từ cách đầu tư này.
Đối với người học – nhân vật chính của nguồn nhân lực chất lượng cao, nguyên Phó Chủ tịch nước phân tích: Mỗi chúng ta không chỉ khác nhau về tri thức mà còn khác nhau về khả năng học hỏi. Người này có thể nhanh nhạy hơn người kia trong việc bắt kịp với sự đổi mới và áp dụng kịp thời những công nghệ hiện đại vào công việc hiện nay của họ.
Đó là do khả năng học tập, động cơ học tập của mỗi người khác nhau. Nhưng trong bối cảnh này, ai không có động cơ học tập vì sự phát triển bền vững của chính bản thân cũng sẽ bị gạt ra khỏi hệ thống như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Ai cũng phải học, học suốt đời, ai không học là lùi, công việc sẽ gạt mình ra”.
Chính vì vậy, bản thân người học và tất cả chúng ta phải thay đổi chính mình, thành công thuộc về ai có quyết tâm vun đắp nó để nó trở thành thế mạnh của bản thân. Thực tế đã chứng minh sự thành công của một con người dựa vào hơn 70% sức mạnh mềm.
Trong 4 năng lực của “Công dân học tập” có trên 70% là năng lực thuộc sức mạnh mềm - tài nguyên vô giá của mỗi con người. Mọi người hãy phấn đấu trở thành “Công dân học tập” để có đủ điều kiện tham gia vào thị trường lao động khắt khe hiện nay.