Đào tạo nghề theo nhu cầu – hướng ‘xóa nghèo’ ở biên giới Nậm Pồ

GD&TĐ - Đào tạo nghề theo nhu cầu đang được huyện biên giới Nậm Pồ xem là giải pháp quan trọng góp phần giảm nghèo bền vững cho đồng bào các địa phương.

Các lớp dạy nghề theo nhu cầu được xem là hướng "xóa nghèo" cho nhiều nông dân ở biên giới Nậm Pồ.
Các lớp dạy nghề theo nhu cầu được xem là hướng "xóa nghèo" cho nhiều nông dân ở biên giới Nậm Pồ.

“Cung” theo “cầu”

Đầu tháng 8 vừa qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN – GDTX) huyện Nậm Pồ khai giảng lớp đào tạo trình độ sơ cấp kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu, bò tại bản Chăn Nuôi, xã Phìn Hồ. Đây là lớp đào tạo nghề thứ 2 cho bà con trong bản, với 35 học viên tham gia.

Ông Cháng A Chư, Trưởng bản Phìn Hồ chia sẻ: “Trước khi mở lớp thì cán bộ chuyên môn của huyện đã về rà soát và cho bà con đăng ký nhu cầu. Ở đây có đất rộng, rất phù hợp để chăn thả gia súc. Nhưng vì thiếu kiến thức, nên lâu nay trâu, bò nuôi thường hay bị bệnh, ốm, còi cọc… Vì thế khi nghe có lớp dạy nghề thì bà con thống nhất cao đăng ký học chăn nuôi”.

Cũng theo ông Chư, lớp học kéo dài trong 3 tháng. Song sau một thời gian tham gia thì nhiều bà con đã biết cách phát hiện, phòng và trị các loại bệnh thông thường xảy ra trên gia súc, gia cầm. Ngoài ra, người dân còn nắm bắt được kỹ thuật chọn con giống, thiết kế xây dựng chuồng nuôi phù hợp.

Lớp đào tạo trình độ sơ cấp kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu, bò tại bản Chăn Nuôi, xã Phìn Hồ.

Lớp đào tạo trình độ sơ cấp kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu, bò tại bản Chăn Nuôi, xã Phìn Hồ.

Ông Khổng Văn Trọng, Giám đốc Trung tâm cho hay: Trong năm, đơn vị thường xuyên phối hợp với UBND các xã rà soát, định hướng nhu cầu học nghề cho lao động nông thôn. Trên cơ sở nhu cầu đăng ký của bà con để đơn vị xây dựng kế hoạch mở lớp. Đây là lớp thứ 11 đơn vị triển khai được từ đầu năm đến nay tại 5 xã, với 240 học viên (đạt 64% kế hoạch huyện và 119% kế hoạch tỉnh giao).

“Việc đào tạo được chúng tôi thực hiện theo hình thức cầm tay chỉ việc, phù hợp với tập quán canh tác và khả năng nhận thức lao động địa phương. Cũng trong quá trình này, đơn vị kết hợp trang bị, bổ sung nhiều kiến thức tổng hợp để người lao động từng bước cải tiến phương thức sản xuất, thay đổi cơ cấu ngành Nông nghiệp địa phương”, ông Trọng chia sẻ.

Tham gia khóa đào tạo nghề về kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho trâu, bò trước đó, anh Mùa Chớ Sùng, bản Pá Kha, xã Nà Bủng đã tích lũy được nhiều kiến thức bổ ích. Từ đó, anh mạnh dạn vay vốn, đầu tư xây chuồng trại và mua con giống để làm mô hình chăn nuôi gia súc.

Hiện nay, anh Sùng là chủ sở hữu của 65 con trâu, 30 con bò. Từ kiến thức tiếp thu tại khóa đào tạo, anh Sùng không chỉ biết cách chăm sóc, phòng bệnh cho gia súc mà còn trồng 6ha cỏ chủ động nguồn thức chăn nuôi.

“Với mô hình kinh tế này, tôi không chỉ thoát nghèo mà còn tạo việc làm cho 15 lao động khác theo mùa vụ, mức thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, tôi còn hỗ trợ bà con trong bản về giống, vật nuôi không tính lãi... khi có nhu cầu”, anh Sùng chia sẻ.

Các lớp nghề được mở dựa trên đăng ký nguyện vọng của người dân.

Các lớp nghề được mở dựa trên đăng ký nguyện vọng của người dân.

Gỡ vướng để đào tạo đa dạng nghề

Trong năm 2022, huyện Nậm Pồ được giao đào tạo nghề cho 500 lao động nông thôn và tạo việc làm mới cho 500 người (trong đó xuất khẩu lao động 5 người). Từ đầu năm, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định 7 lớp nghề, cho 247 học viên và thẩm định bổ sung 57 người.

Riêng Trung tâm GDNN - GDTX huyện đã phối hợp với Ủy ban nhân dân 15 xã trên địa bàn tuyên truyền, rà soát, tuyển sinh lao động nông thôn trong độ tuổi. Trong đó, có 245 người đăng ký học nghề. Tuy nhiên, do là địa bàn biên giới thuộc diện nghèo nhất, khó khăn nhất của tỉnh nên quá trình triển khai gặp nhiều hạn chế.

Theo thống kê từ cơ quan chuyên môn, hiện nay, trên địa bàn hiện chỉ tồn tại được một số nghề cơ bản: Chăn nuôi gà, lợn, trâu, bò, phòng chống dịch bệnh... còn những nghề khác gần như chưa phát triển được.

Đa phần các lớp nghề tại Nậm Pồ hiện nay là đào tạo kỹ thuật chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh.

Đa phần các lớp nghề tại Nậm Pồ hiện nay là đào tạo kỹ thuật chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh.

Còn theo ông Trọng, hiện tại Trung tâm đang tiếp tục phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã rà soát, tổng hợp danh sách lao động nông thôn đăng ký học nghề để tổ chức mở các lớp đào tạo đợt 3. Việc triển khai gặp nhiều khó khăn, nhất là việc không đăng ký được nghề liên kết đào tạo với các cơ quan theo nhu cầu của người dân.

Đơn cử như người lao động xã Nà Bủng đề xuất nghề cắt may. Tuy nhiên không mở được lớp là do không có đủ học viên. Sau khi đào tạo, sản phẩm làm ra chỉ phục vụ nhu cầu tại chỗ chưa thành hàng hóa, bán ra thị trường nên chưa tạo ra thu nhập cho người dân.

“Mỗi khóa học, mỗi lớp đào tạo nghề, trung tâm cố gắng mở tại địa bàn người lao động sinh sống để hạn chế việc đi lại, người dân có thể vừa học vừa tham gia lao động sản xuất bình thường. Song do địa bàn rộng, các bản cách xa nhau nên khi đi khảo sát thì có nơi không đủ số học viên để mở lớp. Không những vậy, trang thiết bị đào tạo chưa được đầu tư; thiếu giáo viên cơ hữu… nên nghề đạo tạo còn hạn chế và chưa đa dạng”, ông Trọng cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ