Gỡ khó đào tạo nghề cho thanh niên

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trung tâm Dịch vụ Việc làm và Hỗ trợ Thanh thiếu niên Hà Nội cho rằng, nếu không có nguồn vốn nhất định để bảo đảm cho việc thực thi các chương trình, dự án về đào tạo nghề thì chính sách đưa ra cũng chỉ là lý thuyết.

Cần có giáo trình, chương trình, phương pháp, ngành nghề phù hợp cho từng khối đối tượng. Ảnh minh họa
Cần có giáo trình, chương trình, phương pháp, ngành nghề phù hợp cho từng khối đối tượng. Ảnh minh họa

Huy động đầu tư vốn cho các trường

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trước sức ép của số hóa và toàn cầu hóa, cùng với những tác động của đại dịch Covid-19 đang tạo ra những thay đổi mạnh mẽ của thị trường lao động, việc làm. Theo dự báo của các chuyên gia, trong khoảng 5 năm tới, thời gian dành cho các công việc hiện tại của con người và máy móc sẽ bằng nhau. Điều này đòi hỏi giáo dục nghề nghiệp cần có những giải pháp để thích ứng với sự phát triển của khoa học, công nghệ.

Để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách đào tạo nghề, Trung tâm Dịch vụ Việc làm và Hỗ trợ Thanh thiếu niên Hà Nội đề xuất, kiến nghị thực hiện có hiệu quả một số nội dung, biện pháp cơ bản. Trong đó có tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và xã hội về thực hiện chính sách đào tạo nghề. Đây là giải pháp quan trọng và có ý nghĩa hàng đầu để thực hiện chính sách đào tạo nghề cho thanh niên.

Bên cạnh đó, cần ưu tiên đầu tư phát triển dạy và học nghề. Phải coi dạy và học nghề là giải pháp đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đổi mới quản lý Nhà nước trong thực hiện chính sách đào tạo nghề cho thanh niên.

Đồng thời, huy động đầu tư vốn cho các trường, trung tâm hướng nghiệp dạy nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội. Suy cho cùng vốn là nhân tố quyết định đến mọi thành công của công việc cũng như việc thực hiện các chủ trương, chính sách khác. Do vậy, đây là giải pháp mang tính chiến lược ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện có hiệu quả chính sách đào tạo nghề cho thanh niên khu vực ngoại thành Hà Nội.

Nếu không có nguồn vốn nhất định để bảo đảm cho việc thực thi các chương trình, dự án về đào tạo nghề cho thanh niên khu vực ngoại thành Hà Nội thì không thể thành công được và các chính sách đó đưa ra cũng chỉ là lý thuyết. Vì vậy, để thực hiện biện pháp trên cần làm tốt việc xây dựng chính sách thu hút và huy động vốn từ tư nhân trong nước.

Mục đích để đầu tư, tiến hành đào tạo nghề cho thanh niên, phát triển mạnh các loại hình doanh nghiệp. Nhất là doanh nghiệp tư nhân để giải quyết việc làm cho thanh niên…

Cần có chương trình đào tạo phù hợp cho từng nhóm đối tượng

Để thực hiện biện pháp trên, cần làm tốt việc rà soát các chương trình, dự án chiến lược phát triển kinh tế - xã hội gắn với giải quyết việc làm cho thanh niên. Đồng thời, tập trung đầu tư xây dựng những chương trình, dự án có khả năng giải quyết việc làm cho thanh niên một cách lâu dài, bền vững. Có những quyết định đúng đắn phù hợp với năng lực, sở trường bản thân.

Trung tâm Dịch vụ Việc làm và Hỗ trợ Thanh thiếu niên Hà Nội đề xuất, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các địa phương thiết lập các kênh thông tin chính thống, chuyên ngành. Mục đích để cập nhật cho doanh nghiệp, người lao động về chiến lược phát triển kinh tế. Các chính sách hỗ trợ lao động, thu hút lao động, các kế hoạch về xét nghiệm, kiểm soát bệnh dịch của địa phương để họ xây dựng, thực hiện các kế hoạch khôi phục và phát triển sản xuất.

Quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát, đẩy lùi Covid-19, nhất là tại thành phố lớn, các địa phương có nhiều khu công nghiệp. Đồng thời triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động phục hồi sau đại dịch. Xây dựng, thực hiện các chương trình, chính sách khuyến khích người lao động. Đặc biệt là thanh niên tích cực học tập nâng cao trình độ để có các kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh của nền kinh tế...

Đối với việc đào tạo, phát triển giáo dục nghề nghiệp, cần bổ sung thêm chính sách, nguồn lực để đặt hàng đào tạo kỹ năng, tay nghề ngắn hạn cho học sinh, sinh viên, người lao động không thuộc đối tượng đào tạo từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Mục đích nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề của thị trường lao động. Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động dự báo về nhu cầu việc làm, nhu cầu đào tạo trong lĩnh vực ngành, nghề.

Bên cạnh đó, đơn vị quản lý giáo dục nghề nghiệp cần đẩy mạnh công tác tuyển sinh, áp dụng các biện pháp để duy trì, tổ chức tốt các hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Cần đổi mới chương trình, giáo trình giảng dạy, cơ sở vật chất thực hành phù hợp với hiện tại và tương lai.

Bởi cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng là sự phản ánh thực tế giữa khoảng cách trong việc đào tạo và nhu cầu chất lượng của nhân lực khi làm việc tại các doanh nghiệp. Nếu khoảng cách lớn, việc đào tạo không có hiệu quả cao, lãng phí quá trình đào tạo. Nhà nước nên có những chính sách đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc để tránh tình trạng khoảng cách này quá lớn.

Ngoài ra, cần nghiên cứu, đánh giá công tác đào tạo nghề theo 2 khối đối tượng cụ thể là học sinh và sinh viên. Cần có giáo trình, chương trình, phương pháp, ngành nghề phù hợp cho từng khối đối tượng. Không thể áp dụng đào tạo nghề cho học sinh như đối với sinh viên, mà cần phải có phương pháp đào tạo phù hợp, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quy định để khi hoàn thành khóa đào tạo có thể làm ngay cho doanh nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.