“Đào tạo nghề phối hợp” - Mô hình nâng cao chất lượng lao động

GD&TĐ - Hiện nay, sinh viên các trường nghề, trường ĐH, CĐ tại Việt Nam, nếu được doanh nghiệp tuyển dụng đều phải trải qua quá trình đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung để phù hợp với môi trường làm việc thực tế và doanh nghiệp có thể nâng cao chất lượng từ chính nguồn lực của mình. 

“Đào tạo nghề phối hợp” - Mô hình nâng cao chất lượng lao động

Vì vậy, mô hình “Đào tạo nghề phối hợp” thuộc “Chương trình đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam” do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức đang từng bước được triển khai, với kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng lao động.

Đưa các bộ tiêu chuẩn nghề vào giảng dạy

Chương trình được thực hiện bởi GIZ hợp tác với Bộ LĐ-TB&XH. Hỗ trợ điển hình chính là sự hợp tác với Trường CĐ nghề Lilama 2 trong việc đưa các bộ tiêu chuẩn nghề vào trong giảng dạy nhằm tạo ra đội ngũ lao động lành nghề cho Việt Nam. Phần thực hành nghề sẽ được đào tạo chủ yếu tại các xưởng lắp ráp, chế tạo và dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp theo phương pháp đào tạo tại nơi làm việc.

Trong khi phần lý thuyết được đào tạo tại nhà trường, đồng thời với “chức năng kép” của mình, nhà trường cũng triển khai đào tạo một phần kỹ năng thực hành tại các xưởng thực hành hiện đại được trang bị máy móc, thiết bị với công nghệ tiên tiến nhất. Đội ngũ giảng viên của trường được các chuyên gia Đức đào tạo nâng cao về chuyên môn và phương pháp giảng dạy định hướng thực hành.

Song hành với chương trình, doanh nghiệp có thể bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao từ chính nguồn lực của mình bằng cách đầu tư vào Đào tạo phối hợp - đây là khuyến nghị của ông Peter Wunch - Cố vấn kỹ thuật cấp cao của GIZ. Khuyến nghị này cũng đã nhận được sự đồng thuận của nhiều doanh nghiệp đang đầu tư và hoạt động tại Khu Công nghệ cao Sài Gòn.

Được biết, hiện nay tổng số doanh nghiệp đầu tư và đang hoạt động tại Khu Công nghệ cao là 97 doanh nghiệp. Với lĩnh vực hoạt động là các ngành công nghiệp công nghệ cao, nhu cầu về nguồn lao động lành nghề và phù hợp với doanh nghiệp là một trong những nhu cầu cần thiết nhất hiện nay.

Cách tiếp cận mới

Đại diện của bộ phận nhân sự Công ty Samsung chia sẻ: Hàng năm, chúng tôi phải gửi một số lượng đáng kể nhân viên đi đào tạo lại và đào tạo nâng cao tại Hàn Quốc, đó là một khoản đầu tư rất lớn. Hôm nay chúng tôi đã biết đến Trường CĐ nghề Liama 2 và năng lực đào tạo của nhà trường, chúng tôi muốn tiếp tục thảo luận về sự hợp tác trong buổi làm việc tiếp theo.

Công ty Nidec, một doanh nghiệp lớn từ Nhật Bản cho rằng, đây là một cách tiếp cận mới về đào tạo nghề theo định hướng nhu cầu doanh nghiệp để tập trung nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng công việc, đồng thời tránh được vấn đề phải đào tạo lại lực lượng lao động kỹ thuật tại công ty sau khi tuyển dụng do thiếu các kỹ năng và năng lực cần thiết trong công việc. Trong khuôn khổ mô hình Đào tạo phối hợp, các trường đào tạo nghề và các công ty cùng nhau chia sẻ trách nhiệm trong việc thiết kế chương trình, tham gia đào tạo và đánh giá chất lượng của quá trình Đào tạo phối hợp.

Theo ông Dương Minh Tâm, Phó Chủ tịch Ban quản trị Khu Công nghệ cao Sài Gòn, chỉ có 29% trên tổng số 32.000 lao động hiện có tại khu công nghệ là đã qua đào tạo về nghề nghiệp và kỹ thuật, còn lại là lao động phổ thông. Trong khi đó con số lao động qua đào tạo của một khu công nghệ cao phải đạt ít nhất gấp đôi con số trên. Đây là một nhu cầu rất lớn để có thể khai thác, cung cấp các khóa đào tạo ban đầu và nâng cao cho các doanh nghiệp tại khu công nghệ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...