Đào tạo nghề để hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp nêu rõ mục tiêu cho 1,5 triệu người. Trong đó, trên  300.000 người vùng ĐBDTTS và MN nhằm giảm nghèo bền vững.

Đào tạo nghề nông nghiệp tại một số địa phương giúp lao động thoát nghèo, vươn lên làm giàu cho quê hương. Ảnh: Trần Hiệp.
Đào tạo nghề nông nghiệp tại một số địa phương giúp lao động thoát nghèo, vươn lên làm giàu cho quê hương. Ảnh: Trần Hiệp.

Bài 1: Đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn để xoá nghèo

Hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục cơ cấu lại theo 3 trục sản phẩm là quốc gia, cấp tỉnh và địa phương và theo lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp.

Cùng với đó là tăng cường chế biến, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới tổ chức thể chế của hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, hiệp hội, hội.

Ngành nông nghiệp sẽ chuyển mạnh từ xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng. Ưu tiên hoàn chỉnh chuỗi giá trị cho các ngành hàng chủ lực của các địa phương.

Từ các vùng chuyên canh hàng hóa quy mô lớn của các nông sản chủ lực phát triển hợp tác xã, giảm các khâu trung gian, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp chế biến, thương mại lớn để hình thành chuỗi giá trị.

Để đảm bảo đầu ra cho nông sản thì thị trường trong nước sẽ cần đổi mới hệ thống phân phối nông sản. Kết nối hệ thống chế biến, phân phối và bán lẻ hiện đại, truyền thống với các chuỗi cung ứng nông sản và gắn với các vùng chuyên canh. Hình thành hệ thống chợ đầu mối gắn với chuỗi logistics ở các vùng trọng điểm sản xuất nông sản.

Với quan điểm đào tạo nghề để hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, để họ trở thành lực lượng chính trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng lực lượng lao động nông thôn có kiến thức, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội mới.

Bên cạnh đó, đào tạo nghề nông nghiệp tại một số địa phương còn giúp lao động thoát nghèo, vươn lên làm giàu cho quê hương.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định cần đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp phục vụ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ, chế biến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chứng nhận an toàn. Cùng với đó là quản trị trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã và các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp;

Đào tạo nhằm nâng cao giá trị cho các nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, nhóm sản phẩm chủ lực địa phương, “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) gắn thực hiện quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Gắn kết công tác đào tạo nghề nông nghiệp với việc thực hiện các chương trình, đề án và mục tiêu phát triển.

Hơn nữa, với mục tiêu giảm nghèo, đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần cần tập trung vào đội ngũ lao động trẻ, lao động có tay nghề để tham gia sản xuất, phát triển kinh tế trên địa bàn.

Đổi mới phương thức đào tạo

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, mục tiêu giai đoạn 2021-2025, đào tạo nghề nông nghiệp cho trên 1,5 triệu lao động nông thôn. Trong đó tập trung đào tạo để nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ.

Cụ thể, đào tạo khoảng 100.000 người nhằm nâng cao năng lực cho các hợp tác xã nông nghiệp; đào tạo cho trên 800.000 lao động trong các vùng nguyên liệu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; đào tạo ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mới, phát triển nông nghiệp thông minh, cơ giới hóa đồng bộ, chuyển đổi số trong nông nghiệp, tích hợp các giá trị văn hóa, xã hội vào sản phẩm;

Đào tạo các quy trình nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, kinh tế tuần hoàn và các quy trình canh tác thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; đào tạo 300.000 người vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trên 300.000 người nhằm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

Nâng cao tỷ lệ lao động nông nghiệp được đánh giá, công nhận, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia và đến năm 2030 xây dựng, ban hành trên 50 tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia.

Giai đoạn tới cần đào tạo cho trên 20% thanh niên nông thôn được nghề nông nghiệp (hiện nay có 9,2 triệu thanh niên nông thôn). Tập trung vào đào tạo cho nhóm các ngành hàng chủ lực của các địa phương.

Đó là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, phát triển các sản phẩm Ocop, chuyển đổi số trong nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp nông thôn, dịch vụ du lịch và ưu tiên đào tạo nghề giám đốc HTX nông nghiệp. Mục đích để đẩy mạnh, nâng cao năng lực, phát triển cho trên 25.000 HTX nông nghiệp trong thời gian tới.

Tiếp tục đưa bộ trẻ có trình độ về làm việc cho HTX nông nghiệp và tổ chức đào tạo nghề nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ trẻ trong khu vực HTX nông nghiệp này.

Nội dung đào tạo cần được đổi mới và nâng cao. Ngoài kiến thức về kỹ thuật thì cần đào tạo cho thanh niên các kỹ năng về quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, quản trị Marketing, tài chính. Đồng thời xây dựng các phương án sản xuất đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Về đầu ra sản phẩm có truy suất nguồn gốc, chứng nhận an toàn, cấp mã vùng trồng, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, mô hình kinh tế tuần hoàn sử dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp.

Phát triển quản lý chuỗi cung ứng nông sản từ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đổi mới phương thức đào tạo, khuyến khích đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến, ứng dụng các công nghệ thông tin, công nghệ số vào dạy và học.

Ưu tiên đào tạo cho thanh niên thuộc lực lượng lao động di cư từ thành phố, khu công nghiệp về làm việc ở nông thôn do dịch chuyển bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Cùng với đó là thanh niên vùng có đất giải toả làm khu công nghiệp, thanh niên dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ, thanh niên xung phong, thanh niên vi phạm pháp luật sau khi cải tạo trở về địa phương, thanh niên cai nghiện ma tuý...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.