Đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn để xoá nghèo

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Đào tạo nghề nông nghiệp cho thanh niên nông thôn là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác xoá đói giảm nghèo.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm góp phần xoá đói giảm nghèo. Ảnh: Trần Hiệp.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm góp phần xoá đói giảm nghèo. Ảnh: Trần Hiệp.

Ý thức nâng cao trình độ để thoát nghèo

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay, dân số trong độ tuổi thanh niên (từ 16 đến 30 tuổi) là 22.737.423 người, chiếm 24,8% dân số cả nước. Trong đó, thanh niên ở nông thôn chiếm 68,8%. Đây là lực lượng quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế.

Điểm nổi bật của đại đa số thanh niên là có sức khỏe, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn tham gia chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Đây cũng là lực lượng xung kích, đi đầu ủng hộ và thực hiện có hiệu quả những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Nhiều thanh niên đã bứt ra khỏi lối tư duy cũ kỹ, tư tưởng bao cấp, ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, mạnh dạn đầu tư vốn, sức lực, chất xám để sản xuất, kinh doanh. Đồng thời tích cực tiếp thu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển các nghề truyền thống, ngành nghề dịch vụ.

Bên cạnh đó, nhiều thanh niên đã tự học hỏi, trang bị kiến thức, đi đầu trong việc đưa giống mới, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Đã xuất hiện nhiều thanh niên nông thôn trở thành nông dân giỏi, thành đạt trong lao động, sản xuất, trong kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp, làng nghề truyền thống, trở thành triệu phú, tỷ phú trẻ.

Nhiều thanh niên nông thôn hiện nay có tinh thần xung phong, tình nguyện, xung kích, tích cực tham gia các hoạt động do Đoàn, Hội phát động, tính tích cực chính trị xã hội được phát huy.

Có thể thấy, trong thanh niên nông thôn hiện nay, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên thoát nghèo và làm giàu ngày càng được khẳng định. Nhờ đó, họ không ngừng vươn lên nâng cao trình độ học vấn, chính trị, rèn luyện tư cách, phẩm chất để đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.

Nhìn chung, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật của thanh niên nông thôn còn thấp. Trình độ cao đẳng, đại học trở lên của thanh niên nông thôn thấp hơn 6 lần so với thanh niên thành thị.

Trình độ học vấn của thanh niên nông thôn cũng có sự khác biệt lớn giữa các nhóm ngành. Những người có trình độ học vấn thấp thường tập trung ở nhóm ngành nông - lâm - thuỷ sản. Những người có trình độ cao hơn thường tập trung ở nhóm ngành công nghiệp và dịch vụ; tình trạng thiếu việc làm ở thanh niên nông thôn còn cao và cao hơn tỷ lệ chung.

Phần lớn thanh niên nông thôn thiếu kiến thức và kinh nghiệm làm ăn, thiếu vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt ở các địa bàn miền núi, biên giới và hải đảo; sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa theo kinh nghiệm, hoặc kiến thức tại các lớp tập huấn ngắn ngày cho từng loại cây, con.

So với các đối tượng thanh niên khác, thanh niên nông thôn ít có điều kiện tiếp cận với thông tin thị trường, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới. Bên cạnh đó họ ít có điều kiện được học nghề và đào tạo nghề, học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Điều kiện để tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, sinh hoạt văn hoá tinh thần ở nông thôn cũng hết sức khó khăn, thiếu thốn do thiếu địa điểm, trang thiết bị cho sinh hoạt, vui chơi.

Không học nghề vì…nghèo

Theo báo cáo, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, trong đó có lực lượng thanh niên nông thôn đã được quan tâm và tập trung chỉ đạo. Giai đoạn 2010-2020 đã đào tạo được trên 2,8 triệu lao động nông nghiệp theo Đề án 1956 và trung bình mỗi năm đào tạo cho trên 300.000 thanh niên học nghề nông nghiệp ở cấp trình độ trung cấp trở lên. Từ đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của ngành nông nghiệp lên trên 24%.

Có thể thấy, thanh niên nông thôn được đào tạo nghề sẽ góp phần xoá đói giảm nghèo. Bên cạnh đó là tạo công ăn việc làm, thu nhập cho nhiều lao động khác tại địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được trong công tác đào tạo nghề cho thanh niên còn bộc lộ một số tồn tại.

Đó là đào tạo nghề còn có một số hạn chế về nhận thức của xã hội. Công tác thông tin tuyên truyền dạy nghề, giải quyết việc làm chưa được sâu rộng. Do đó thanh niên chưa thật mặn mà với việc học nghề, chưa có khái niệm đúng về việc làm. Có nhiều lý do như vì quá nghèo, không có tiền đi học nghề, mang nặng tư tưởng đi làm thuê sẽ có "tiền ngay"; kén chọn nghề để học...

Phần đông thanh niên nông thôn là lao động phổ thông chưa qua đào tạo. Việc thay đổi nhận thức để dạy nghề cho thanh niên nông thôn là bài toán không hề đơn giản. Họ ra thành phố làm việc và chỉ tìm được những công việc đơn giản làm theo mùa vụ, với mức thu nhập thấp.

Số ở lại địa phương làm kinh tế nhỏ lẻ, chưa áp dụng được các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nên năng suất thu được không cao. Do có sự chuyển dịch về lao động tới các vùng miền, lực lượng thanh niên đi làm ăn xa chiếm tỉ lệ lớn. Vì vậy gặp rất nhiều khó khăn trong công tác nắm bắt tình hình, nhu cầu việc làm của thanh niên cũng như công tác đào tạo nghề, tư vấn việc làm cho họ.

Khi đã tham gia học nghề, số lượng học viên tại các lớp dạy nghề lao động nông thôn nói chung và thanh niên nông thôn nói riêng chưa được duy trì thường xuyên do ảnh hưởng của thời vụ sản xuất nông nghiệp.

Chưa kể đến, chương trình, chất lượng, quy mô đào tạo cũng như chất lượng giáo viên và trang thiết bị chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Kinh phí dành cho dạy nghề còn hạn chế, dạy nghề chưa gắn với việc làm thực tế. Cơ sở vật chất ở các trung tâm dạy nghề quy mô nhỏ, yếu kém, máy móc, phương tiện, dụng cụ phục vụ cho việc học và thực hành của học viên lạc hậu, chậm đổi mới.

Việc mua sắm phương tiện, dụng cụ, nguyên liệu phục vụ đào tạo của một số nghề chưa hợp lý. Quá trình dạy nghề ở các trường dạy nghề còn nặng về lý thuyết, dành ít thời gian cho thực hành tại xưởng và thực tập ở các doanh nghiệp nên thiếu tính thực tế.

Ngoài ra, chất lượng học nghề chưa cao. Người học có trình độ văn hóa thấp. Năng lực của một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý, dạy nghề còn hạn chế. Hầu hết các trung tâm dạy nghề ở các địa phương còn thiếu đội ngũ giáo viên. Đội ngũ giáo viên hiện có phần lớn đều được ký hợp đồng thời vụ. Thời gian đào tạo nghề, chuyển đổi ngành nghề cho thanh niên nông thôn còn ngắn dẫn tới chất lượng dạy nghề chưa cao.

Hoạt động của đa số các cơ sở dạy nghề còn trông chờ, ỷ lại, dựa vào chỉ tiêu ngân sách nhà nước cấp, thiếu chủ động đổi mới để đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động.

Đồng thời, việc đào tạo chưa thật sự gắn với giải quyết việc làm cho thanh niên. Tỷ lệ thanh niên sau đào tạo nghề được giải quyết việc làm còn thấp, cơ hội, khả năng tìm được việc làm của họ chưa cao.

Nhiều học viên sau khi đào tạo không tìm được việc làm phù hợp với nhu cầu cũng như đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp tại địa phương. Công tác nắm bắt thị trường lao động, dự báo nhu cầu lao động chưa được quan tâm đúng mức nên việc định hướng nghề nghiệp chưa làm được tốt, nhiều lao động học xong không có việc làm.

Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy thoái như hiện nay, nhu cầu tuyển dụng lao động có sự suy giảm đáng kể. Cùng với đó là chế độ tiền lương và các chế độ phúc lợi khác dành cho người lao động không được đảm bảo, thậm chí thấp, dẫn đến khó khăn trong việc giới thiệu lao động đúng theo yêu cầu của doanh nghiệp cũng như không có sự thống nhất giữa các bên nên lao động có việc làm ngày một giảm.

Bên cạnh đó, nguồn vốn cho thanh niên vay để đầu tư phát triển kinh tế còn hạn chế, vì vậy khó khăn cho việc đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh đối với các dự án của thanh niên... Chưa có chính sách hấp dẫn thu hút thanh niên nông thôn ở lại làm việc, cống hiến phát triển kinh tế trên chính quê hương mình.

(Còn nữa)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.