Thẻ học nghề quá hạn
Thượng tá Trần Viết Năng, Ủy viên BTV Trung ương Đoàn, Trưởng ban Thanh niên Quân đội, cho biết, mỗi năm, cả nước có hàng trăm nghìn thanh niên lên đường nhập ngũ. Trong đó cơ bản mới tốt nghiệp trung học phổ thông, trung học cơ sở chiếm trên 90% chưa được đào tạo nghề.
Tương ứng với số thanh niên lên đường nhập ngũ là số thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đã được học tập nâng cao nhận thức về chính trị, phương pháp tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ. Đồng thời được trang bị kiến thức quân sự, rèn luyện thể lực đủ sức chịu đựng trong môi trường hoạt động cường độ lao động cao, có tính tự giác, kỷ luật, đoàn kết, gương mẫu trong thực hiện các nhiệm vụ được giao. Do vậy, công tác định hướng nghề nghiệp, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho quân nhân xuất ngũ là vấn đề cần được quan tâm của toàn xã hội.
Thượng tá Trần Viết Năng khẳng định, việc duy trì, tổ chức các trường nghề trong Quân đội là chủ trương rất đúng và thực tiễn hoạt động bảo đảm hiệu quả. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, Bộ Quốc phòng đã tổ chức sắp xếp, giải thể các trường đào tạo nghề do Bộ quản lý.
Hiện nay, cơ bản các trung tâm dạy nghề và trường trung cấp nghề trong Quân đội đã giải thể. Do vậy, công tác đào tạo nghề cho thanh niên nói chung, thanh niên là quân nhân xuất ngũ nói riêng gặp trở ngại.
Bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách đào tạo nghề đối với bộ đội xuất ngũ gặp nhiều khó khăn. Nhất là các năm gần đây, do tác động của mặt trái cơ chế thị trường, nguồn ngân sách đảm bảo, quy định về thủ tục thanh quyết toán thẻ học nghề có thay đổi. Vì thế, nhiều cơ sở đào tạo nghề không tiếp nhận quân nhân xuất ngũ học nghề bằng thẻ học nghề.
Đặc biệt, đại dịch Covid-19 bùng phát, thực hiện giãn cách xã hội, các cơ sở đào tạo nghề năm 2021 cơ bản không tiếp nhận học viên vào đào tạo, trong đó có bộ đội xuất ngũ. Trong khi thẻ học nghề chỉ có giá trị sử dụng 1 năm kể từ ngày cấp. Điều này dẫn đến tình trạng bộ đội xuất ngũ năm 2021 tuy được cấp thẻ học nghề nhưng không được học. Bởi thẻ quá thời hạn sử dụng, không còn giá trị thanh toán.
Ngoài ra, việc tư vấn, hướng nghiệp cho quân nhân chuẩn bị xuất ngũ không đồng bộ. Các trường nghề Quân đội không được chủ động tuyển sinh. Nhiều quân nhân xuất ngũ không đăng ký, hoặc bỏ thẻ học nghề dẫn đến lãng phí số lượng lớn thanh niên đã được rèn luyện qua môi trường Quân đội. Mặt khác, hệ thống cơ sở vật chất của nhiều cơ sở đào tạo nghề nghiệp Quân đội được đầu tư rất cơ bản, nhưng đã và đang bị xuống cấp do không được vận hành, ứng dụng...
Giải pháp cho quân nhân xuất ngũ học nghề
Những năm tới, công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề cho thanh niên nói chung, quân nhân xuất ngũ nói riêng là nội dung cần được các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương quan tâm.
Theo Thượng tá Trần Viết Năng, các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục phối hợp với Bộ Quốc phòng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, định hướng nghề nghiệp. Đồng thời đào tạo, tư vấn giới thiệu việc làm cho thanh niên nói chung, quân nhân xuất ngũ nói riêng.
Ngoài ra, cần có cơ chế, chính sách bảo đảm kinh phí hoạt động, bám sát thực tiễn, nắm rõ tâm lý, nhu cầu đào tạo nghề của thanh niên nói chung, thanh niên là quân nhân xuất ngũ nói riêng. Từ đó đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương liên quan nghiên cứu hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm, pháp luật về cơ chế, chính sách hỗ trợ cho quân nhân xuất ngũ được đăng ký thẻ học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng. Đồng thời được đăng ký học nghề và thanh toán thẻ học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cả nước.
Quy hoạch đồng bộ, toàn diện hệ thống các trường, trung tâm đào tạo nghề và giới thiệu việc làm. Có chính sách ưu tiên, đảm bảo tốt nhất việc đào tạo nghề cho thanh niên quân nhân xuất ngũ. Trong khi chờ sửa đổi, bổ sung chính sách đào tạo nghề đối với bộ đội xuất ngũ, đề nghị Chính phủ cho phép kéo dài thời hạn sử dụng của thẻ học nghề thêm 12 tháng đối với các đối tượng quy định đã được cấp thẻ học nghề trong năm 2021.
“Hệ thống các trường nghề của Quân đội là những cơ sở đào tạo thuộc hệ thống các trường dạy nghề của Nhà nước, đã được đầu tư rất cơ bản về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng... Vì vậy, đề nghị các ban, bộ, ngành liên quan phối hợp đề xuất với Chính phủ có cơ chế, chính sách phù hợp để vận hành đồng bộ, hiệu quả. Đồng thời, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc được trong môi trường quốc tế. Tạo môi trường thuận lợi cho thanh niên phát huy khả năng sáng tạo vào công cuộc xây dựng đất nước, hội nhập quốc tế và bảo vệ Tổ quốc”, Thượng tá Trần Viết Năng nói.
Cũng theo Thượng tá Năng, đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm hơn nữa, tăng cường chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các cơ quan chức năng, các cơ sở đào tạo nghề thuộc quyền quản lý, các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn. Bằng nhiều hình thức thích hợp, tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự địa phương. Có cơ chế, chính sách thiết thực, thu hút, tạo điều kiện để ngay sau khi bộ đội xuất ngũ được tham gia học nghề, sớm có việc làm ngay tại địa phương nơi cư trú, có thu nhập ổn định...