Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động ảnh hưởng bởi Covid-19: Mục tiêu khó đạt vì… khách quan?

GD&TĐ - Hơn 2 tháng là hết hạn nộp hồ sơ hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ người lao động chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ.

Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động có ý nghĩa về mặt kinh tế và xã hội. Ảnh minh họa
Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động có ý nghĩa về mặt kinh tế và xã hội. Ảnh minh họa

Bất cập trong triển khai chính sách

Theo đánh giá, chính sách hỗ trợ đào tạo mới và đào tạo lại nhằm duy trì việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh vừa có ý nghĩa về mặt kinh tế, vừa có ý nghĩa về mặt xã hội. Điều này không chỉ trong thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh, mà còn tác động lâu dài.

Việc hỗ trợ đào tạo giúp doanh nghiệp chủ động về nhân lực trong việc thay đổi công nghệ, phương án sản xuất kinh doanh trước tác động của dịch bệnh, kịp thời thích ứng với sự thay đổi sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất. Đồng thời giảm bớt khó khăn về tài chính để đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng cho người lao động.

Chính sách được triển khai cũng giúp giảm số lao động thất nghiệp, lao động có nguy cơ bị mất việc làm do thay đổi sản xuất, công nghệ. Chủ động nâng cao chất lượng nhân lực trong doanh nghiệp và nhân lực trong nền kinh tế nói chung. Góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh quốc gia, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng chỉ ra những vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách.

Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng cho biết, theo kế hoạch đã đặt ra, đến ngày 30/6/2022 sẽ kết thúc thời gian các doanh nghiệp được nộp hồ sơ và phê duyệt phương án tổ chức đào tạo. Cùng với đó trong năm 2022 phải kết thúc hoạt động đào tạo.

Ông Trương Anh Dũng chỉ ra: “Kết quả cho đến nay chưa đạt được mục tiêu đặt ra. Số lượng hồ sơ các doanh nghiệp, địa phương nộp lên còn ít, chưa tổ chức được nhiều lớp đào tạo, cách mục tiêu rất xa”.

Ông Trương Anh Dũng cho hay, tính đến hết tháng 3/2022, có gần 200 doanh nghiệp yêu cầu hỗ trợ và đề nghị được hướng dẫn về thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho gần 100 nghìn lao động trong cả nước. Kinh phí dự kiến gần 500 tỷ đồng. Trong đó 48 đơn vị đã gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho gần 10 nghìn lao động với tổng số kinh phí dự kiến là gần 70 tỷ đồng.

Sở LĐ-TB&XH của 13 tỉnh, thành phố đã thẩm định, phê duyệt cho 30 đơn vị, hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho trên 3.200 lao động. Kinh phí hỗ trợ trên 13 tỷ đồng.

Bộ LĐ-TB&XH và ngành Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, việc triển khai chính sách còn chậm bởi nhiều nguyên nhân. “Nguyên nhân khách quan lớn nhất là do dịch bệnh. Khi mà doanh nghiệp, trường học đều phải đóng cửa, vận hành online thì không thể tổ chức đào tạo và xây dựng phương án. Bởi vì phương án xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp.

Hơn nữa, thời gian triển khai dự án vào lúc doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đang gặp khó. Do vậy, xảy ra tình trạng các đối tượng thụ hưởng chính sách này chưa thấy được sự cần thiết, hoặc là thấy được lợi ích nhưng vẫn chưa hiểu rõ các điều kiện nên còn lúng túng, không tham gia. Thậm chí, có cả tâm lý lo ngại sợ làm sai, sợ thanh tra, kiểm tra từ phía doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý Nhà nước phụ trách công tác này. Ngoài ra, sự vào cuộc của các bên liên quan chưa thực sự quyết liệt, có những nơi còn “đủng đỉnh” do thấy chưa hết hạn”, ông Trương Anh Dũng cho biết.

Tháo gỡ nút thắt

Để xử lý các vướng mắc khi thực hiện chính sách này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã chỉ đạo, quan trọng nhất là tuyên truyền để những đối tượng thụ hưởng nhận thức được điều kiện, quy định, quy trình của chính sách.

Về việc này, Tổng cục GDNN cũng đã ban hành cẩm nang hướng dẫn đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, được phát hành trên nền tảng trực tuyến để tạo điều kiện tiếp cận cho mọi đối tượng. Cẩm nang này giải thích rõ từng bước trong quy trình, từng đối tượng cần phải làm gì để tham gia chính sách.

Nhằm tháo gỡ các “nút thắt” trong thực hiện chính sách, ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN - cho rằng, đầu tiên, các địa phương cần phải rốt ráo triển khai vì thời gian không còn nhiều. Vậy nên, cần thiết phải thành lập nhóm chuyên trách là người đứng đầu các sở LĐ-TB&XH phải chịu trách nhiệm triển khai.

Nhóm chuyên trách sẽ phải đứng ra tiếp nhận hồ sơ và xử lý các vấn đề phát sinh, thậm chí cần phải tiếp cận với doanh nghiệp để tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các phương án. Nhóm này cần có sự vào cuộc của sở LĐ-TB&XH, Bảo hiểm xã hội, các cơ sở đào tạo nghề…

Tiếp đó, cần phải truyền thông mạnh để doanh nghiệp nắm được chính sách. Bởi thực tế, có những doanh nghiệp đã biết về chính sách, nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp chưa biết, chưa rõ về các điều kiện để được hưởng chính sách. Ở Trung ương đã có nhiều cuộc tập huấn nhưng không tới hết được các doanh nghiệp ở từng địa phương. Do vậy, cần phải làm mạnh công tác tuyên truyền ở địa phương.

Bên cạnh đó, phải rà soát lại cách làm thời gian vừa qua để điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn nếu cần. Cụ thể như về điều kiện để được thụ hưởng chính sách.

Vì trong quá trình tiếp nhận hồ sơ cho tới nay, một số doanh nghiệp, địa phương phản ánh rằng có những điều kiện để được thụ hưởng chính sách đến nay đã không còn phù hợp. Những điều này còn cần phải đánh giá cho phù hợp với tình hình hiện tại.

“Nếu thực sự cần thiết và xuất phát từ nguyên nhân khách quan, chúng ta có thể xin gia hạn chính sách này. Tuy vậy, quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH và Tổng cục GDNN là cần phải đôn đốc triển khai cho tới hạn chót là ngày 30/6/2022, còn việc gia hạn thực hiện chính sách hay không phụ thuộc vào kết quả thực tế”, ông Dũng nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.