Nói không với hướng nghiệp đại trà

GD&TĐ - Tại trường THPT Phan Đăng Lưu (xã Phú Dương, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) có cách hướng nghiệp không đại trà, học sinh chọn ngành trước.

Trường THPT Phan Đăng Lưu (TP Huế) "đặt hàng" các chuyên gia về trao đổi, nói chuyện cùng học sinh từng nhóm ngành chứ không đưa các đơn vị về định hướng nghề đại trà.
Trường THPT Phan Đăng Lưu (TP Huế) "đặt hàng" các chuyên gia về trao đổi, nói chuyện cùng học sinh từng nhóm ngành chứ không đưa các đơn vị về định hướng nghề đại trà.

Đó là quan điểm chung của Trường THPT Phan Đăng Lưu (xã Phú Dương, TP Huế) khi định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Thầy Trần Thanh Dũng – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh đã được nhà trường thực hiện trong suốt 10 năm vừa qua.

Lấy phiếu khảo sát nghề từ đầu năm lớp 10

Ngay từ khi các em bước vào lớp 10, trường đã thực hiện phát phiếu khảo sát tìm hiểu thông tin về mục tiêu nghề nghiệp của các em và những khối môn học lựa chọn, từ đó nhà trường sẽ tập hợp thông tin và tiến hành phân loại theo nhóm môn học để có cơ sở định hướng ngành nghề cho học sinh. Ví dụ các em học sinh có nguyện vọng học khối A (Toán, Lý, Hóa) hay khối B (Toán, Hóa, Sinh) sẽ được nhà trường phân thành từng nhóm riêng và sẽ tư vấn cho từng nhóm thích hợp. Không chỉ riêng lớp 10, bắt đầu vào năm học lớp 11 và lớp 12, nhà trường cũng sẽ đều tiến hành khảo sát lại một lần nữa về khối chọn học, nguyện vọng, ngành học để có phương án tốt nhất định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Chia sẻ về việc phát phiếu khảo sát lựa chọn ngành nghề cho học sinh, thầy Dũng cho biết, trong phiếu khảo sát sẽ có 4 mục để các em lựa chọn bao gồm: “chọn ngành nghề theo ước mơ”; “chọn ngành nghề theo nguyện vọng gia đình”; “chọn ngành nghề theo bạn bè” và “chọn ngành nghề theo sự phát triển của xã hội”. Đối với trường hợp em nào lựa chọn ngành nghề theo bạn bè thì nhà trường sẽ tiến hành tập hợp lại riêng và trao đổi cụ thể vấn đề này với học sinh để chia sẻ, trao đổi nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp một lần nữa phù hợp với các em, tránh việc chạy theo sở thích bạn bè mà quên đi sở thích cá nhân sẽ rất nguy hại sau này.

Việc định hướng nghề cho học sinh từ lấy phiếu chọn ngành nghề năm học đầu tiên cấp 3 được nhà trường chú trọng thực hiện.
Việc định hướng nghề cho học sinh từ lấy phiếu chọn ngành nghề năm học đầu tiên cấp 3 được nhà trường chú trọng thực hiện.

“Nhà trường luôn tìm hiểu liên tục tâm tư, nguyện vọng của các em để nắm thông tin quan trọng, từ đó phân loại nhóm môn học rồi thầy cô có thể định hướng chuyên sâu ngành nghề cho các em. Trong 1 lớp học sẽ có nhiều em học sinh lựa chọn các khối thi khác nhau, vì vậy giáo viên sẽ nắm thông tin và phân loại nhóm học ngay tại lớp, tiếp theo là phân loại đề kiểm tra, đề thi thích hợp cho từng tổ hợp khối để tạo điều kiện cho các em có thể học chuyên sâu tốt về khối mà các em lựa chọn”, thầy Dũng chia sẻ.

Khi đã nắm được danh sách thông tin cơ bản học sinh như tiếp tục theo học đại học sau khi tốt nghiệp THPT; hay đi du học nước ngoài… thì trường sẽ tiến hành phân nhóm cụ thể và tiến hành tư vấn cho từng nhóm riêng. Một số em học chưa được tốt, nhà trường sẽ tập hợp lại thành 1 nhóm, trao đổi với phụ huynh và các em về vấn đề học tập, qua đó trường sẽ hỗ trợ miễn phí việc bồi dưỡng thêm kiến thức cho các em nhằm giúp học sinh trước hết phải đậu được tốt nghiệp THPT và sau đó là định hướng nghề nghiệp tương lai.

"Đặt hàng" chuyên gia về tư vấn từng nhóm nghề cho học sinh

Điều đặc biệt tại THPT Phan Đăng Lưu, đó là trường sẽ không tiến hành tư vấn đại trà như cho nhiều trường đại học, cao đẳng hay các doanh nghiệp về trường quảng bá hình ảnh, tuyển sinh. Trường sẽ có sự chọn lọc về đối tượng tư vấn, cụ thể với những nhóm ngành học sinh có nguyện vọng được khảo sát, phân loại theo nhóm trước đó như Công nghệ thông tin, Tài chính – Kế toán, Kỹ thuật, Công nghệ thực phẩm,… từ đó trường sẽ lựa chọn và mời các chuyên gia, các thầy cô giáo ở các trường đại học, tận dụng tối đa sự giúp đỡ của các cựu học sinh, các doanh nhân thành đạt trong nhiều lĩnh vực khác nhau về tư vấn trực tiếp cho học sinh ở từng nhóm nghề. Đây được xem là sự “đặt hàng” trong việc lựa chọn đối tượng tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Những buổi học nghề nghiệp thực tế với các tiết mục văn nghệ vui nhộn.
Những buổi học nghề nghiệp thực tế với các tiết mục văn nghệ vui nhộn.
Nhiều hoạt động ngoại khóa, thực tế được Trường THPT Phan Đăng Lưu chú trọng giúp cho học sinh tăng cường kỹ năng và tình yêu nghề nghiệp.
Nhiều hoạt động ngoại khóa, thực tế được Trường THPT Phan Đăng Lưu chú trọng giúp cho học sinh tăng cường kỹ năng và tình yêu nghề nghiệp.

Bên cạnh việc đó, trường còn tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm thực tế về nghề tại các làng nghề, cơ sở sản xuất, các trung tâm thực hành tại các trường đại học như Đại học Bách khoa (Đà Nẵng), trường Đại học Khoa học, Đại học Huế… để các em có cái nhìn sâu sắc, chân thực hơn về ngành nghề mà mình lựa chọn.

Với việc định hướng tốt cho học sinh như trên, Trường THPT Phan Đăng Lưu đã đạt được nhiều thành tích cao trong việc hướng nghiệp, lựa chọn ngành nghề cho học sinh. Tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT các năm gần đây luôn đạt trên 98%; tỷ lệ học sinh đậu theo nhóm ngành mà nhà trường tư vấn đạt từ 80-90%, trong đó số điểm xét đại học, cao đẳng phổ biến từ 23 đến 25 điểm; nhiều học sinh đạt các giải cao trong các kỳ thi của tỉnh Thừa Thiên – Huế được tuyển thẳng và trao học bổng 4 năm học đại học.

“Chúng tôi luôn nhắn nhủ với học sinh rằng: chọn nghề rồi mới chọn trường. Chọn nghề thì theo nguyện vọng, chọn trường thì theo khả năng. Quá trình chọn nghề, chọn trường các em phải "tỉnh táo" để có quyết định phù hợp với bản thân. Việc này đã giúp cho rất nhiều em có được định hướng và lựa chọn được ngành nghề phù hợp.

Nhà trường làm tất cả với tinh thần không ngừng đổi mới, sáng tạo trong công tác giáo dục hướng nghiệp. Khi được hướng nghiệp hiệu quả, các em sẽ có ý thức trau dồi tìm hiểu nghề, hứng thú và có mục tiêu học tập từng ngày. Ngay trong tâm trí mỗi em đã mở rõ vùng quan tâm để tích lũy kiến thức và vốn sống thực tế. Như vậy, việc học tập mới thực sự đi cùng với nhu cầu phát triển năng lực. Đó là những gì mà gia đình, xã hội đặt lên hàng đầu và mong chờ ở thế hệ trẻ”, thầy Trần Thanh Dũng tâm huyết.

Nhiều cựu học sinh thành đạt đã về lại Trường THPT Phan Đăng Lưu giúp đỡ các thế hệ học sinh.
Nhiều cựu học sinh thành đạt đã về lại Trường THPT Phan Đăng Lưu giúp đỡ các thế hệ học sinh.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện nay mô hình định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT đang được triển khai trên hầu hết các trường cấp 3 trên địa bàn tỉnh. Việc định hướng nghề nghiệp giúp cho các em có cái nhìn tổng quan về nhiều ngành nghề phù hợp với năng lực của bản thân. Các trường đã và đang tích cực triển khai việc hướng nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế từ địa phương và có nhiều cách làm phù hợp với thực tế thị trường lao động giúp học sinh ý thức về khả năng bản thân, chọn nghề phù hợp sau này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ