Đón đầu xu hướng đào tạo
Thời gian vừa qua, nhiều nước phát triển trên thế giới đã có hợp tác chiến lược với Việt Nam trong ngành công nghiệp chip bán dẫn. Đặc biệt, sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ ngoại giao lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, ngành công nghiệp chip bán dẫn tại Việt Nam đứng trước cơ hội lớn để phát triển.
Để đón đầu xu hướng này, việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao vô cùng quan trọng. Bộ GD&ĐT đã tổ chức khảo sát, tổng hợp, tập hợp số liệu để có được bức tranh ban đầu về khả năng, tiềm năng cũng như sự sẵn sàng của hệ thống giáo dục đào tạo, chuẩn bị cho nguồn nhân lực cần thiết cho ngành công nghiệp này.
Theo số liệu thống kê hiện nay có trên 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn, trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tại Thái Nguyên, năm 2023 tỉnh Thái Nguyên thu hút 58 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư gần 390 triệu USD, trong đó cấp mới 41 dự án với tổng số vốn là 243 triệu USD; quý I/2024 cấp mới bảy dự án FDI với tổng số vốn hơn 470 triệu USD, lũy kế đến nay thu hút 218 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 11,2 tỷ USD, tiếp tục là điểm sáng thu hút đầu tư. Chính vì vậy, nhu cầu về nhân lực chất lượng cao ngày một gia tăng.
Là một trong những trường đại học có kinh nghiệm trong đào tạo về lĩnh vực công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hoá….Năm 2024, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên lần đầu tiên tuyển sinh chương trình đào tạo "công nghệ điện tử bán dẫn vi mạch” nhằm đón đầu xu hướng đào tạo trong giai đoạn mới.
PGS. TS Nguyễn Văn Chí, Trưởng khoa Điện tử, trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) cho biết: Thái Nguyên là một trung tâm thu hút vốn đầu tư FDI lớn, trong đó có nhiều ngành sản xuất, lắp ráp điện tử, sản xuất vi mạch, điện thoại đặc biệt là các khu công nghiệp tại Phú Bình, Phổ Yên…Ngoài ra, Thái Nguyên có hệ thống đường giao thông thuận lợi, liên kết với các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh là thủ phủ sản xuất ngành công nghiệp liên quan đến lĩnh vực này.
Khoa Điện tử đóng vai trò chủ chốt trong đào tạo công nghiệp điện tử, đáp ứng nhu cầu chủ trương của chính phủ thúc đẩy ngành công nghiệp điện tử bán dẫn tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp được sự đồng ý của Đại học Thái Nguyên đã cho phép trường, cụ thể là khoa điện tử mở ngành công nghệ điện tử bán dẫn vi mạch nhằm đón đầu xu hướng đào tạo trong giai đoạn tới.
Giảng viên Khoa Điện tử, trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp tham dự và đặc biệt quan tâm và tìm hiểu các thiết bị đo kiểm và công nghệ mới tại Hội thảo Công nghệ đo kiểm vi mạch bán dẫn, để phục vụ cho ngành Công nghệ điện tử, bán dẫn và vi mạch được tuyển sinh năm 2024. |
Đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Hiện nay, khoa Điện tử, trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp đã xây dựng xong chương trình đào tạo đã được Đại học Thái Nguyên và Bộ Giáo dục và đào tạo phê duyệt. Bắt từ năm 2024, khoa sẽ tiến hành tuyển sinh, với chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến khoảng 60 – 100 sinh viên, có thể số lượng tuyển sinh sẽ thay đổi để phù hợp và đáp ứng nhu cầu của xã hội. Song song với đó để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao, khoa cũng sẽ tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn, cho các sinh viên các ngành khác để sau này khi ra trường các em có thể làm việc tại các lĩnh vực trên.
Đang là sinh viên năm thứ 4 đang theo học tại trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Em Chu Hồng Yên, sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật điện, khoa Công nghệ Cơ điện và điện tử, trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên cho biết:
Trong giai đoạn gần đây, điện tử là một trong những ngành công nghiệp phát triển nhanh chóng ở Việt Nam, ngành học công nghệ kỹ thuật điện liên quan đến việc thiết kế, sản xuất, lắp đặt, bảo trì, sửa chữa các thiết bị điện, điện tử và các hệ thống điện, điện tử trong các lĩnh vực khác nhau như công nghiệp, thông tin, viễn thông, y tế, điều khiển, tự động hóa, v.v.
Quá trình học tập chúng em được cung cấp kiến thức chuyên sâu về các thành phần điện tử cơ bản như transistor, IC, vi mạch, cảm biến, pin, đèn LED, cũng như kiến thức về các loại máy móc và thiết bị điện. Sau khi ra trường chúng em sẽ biết cách lập trình, thiết kế mạch điện tử, xử lý tín hiệu số, lắp đặt, cài đặt phần mềm điều khiển,…
Tuy nhiên, với nhu cầu đòi hỏi nhân lực chất lượng cao tại các doanh nghiệp nước ngoài như hiện nay em nghĩ rằng, ngoài các kiến thức đang học tại trường, chúng em cần tham gia thêm các lớp bồi dưỡng liên quan đến ngành công nghệ điện tử bán dẫn vi mạch để có thể đáp ứng được các yêu cầu của công việc.
Em Phạm Đức Phát, lớp K58 Cơ điện tử, trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp bày tỏ mong muốn sẽ được tham gia các lớp bồi dưỡng ngắn hạn về ngành công nghệ điện tử bán dẫn vi mạch để sau khi ra trường có thể làm việc tại các doanh nghiệp nước ngoài một cách hiệu quả.
Trong giai đoạn tới Việt Nam sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu đào tạo đội ngũ kỹ sư trong nước có khả năng tham gia sâu vào quy trình thiết kế các vi mạch bán dẫn hiện đại, đồng thời tham gia sâu vào công đoạn đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn. Chính vì vậy, các trường đại học cần tiếp tục quan tâm mở ngành công nghiệp bán dẫn và đào tạo có hiệu quả nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho toàn xã hội.