Đào tạo nhân lực ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn: Tạo thế 'chân kiềng'

GD&TĐ - Thành công của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn không chỉ góp phần vào sự phát triển công nghiệp điện tử, mà còn tác động sâu rộng đến nền kinh tế.

Giờ thực hành thiết kế vi mạch của sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: NTCC
Giờ thực hành thiết kế vi mạch của sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: NTCC

Các định hướng quyết liệt của Chính phủ đã mở ra cơ hội mới cho sự phát triển của ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, việc thiếu hụt nhân lực trình độ cao vẫn là bài toán phải tháo gỡ.

Ông Lê Hoàng Phúc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DASC): Đà Nẵng đã có sự chuẩn bị dài hơi

Ông Lê Hoàng Phúc.

Ông Lê Hoàng Phúc.

Song hành với nỗ lực thu hút các doanh nghiệp ở lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn đến đầu tư, Đà Nẵng xây dựng chính sách hỗ trợ cho cơ sở giáo dục đại học đào tạo nhân lực vi mạch. Các doanh nghiệp thường yêu cầu chắc chắn về số và chất lượng nguồn nhân lực khi họ đến đầu tư ở địa phương.

Vì vậy, thành phố Đà Nẵng đã chọn đầu tư vào nguồn nhân lực, hỗ trợ các trường đại học để đào tạo. Cùng các chính sách ưu đãi, nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng cũng là yếu tố tạo nên sức hấp dẫn môi trường đầu tư.

Đà Nẵng đã có sự chuẩn bị dài hơi trong đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn từ sớm. Việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo (DSAC) là cam kết cho việc hiện thực hóa mục tiêu này.

Liên minh 5 trường đại học thông qua đầu mối DSAC cũng được thành lập gồm Trường Đại học Bách khoa, Sư phạm Kỹ thuật, Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (Đại học Đà Nẵng); Trường Đại học FPT và Trường Đại học Duy Tân. Sắp tới sẽ mở rộng ra những chuyên ngành khác.

Khoảng quý III năm 2024, tại Công viên phần mềm số 2 của Đà Nẵng sẽ ra đời 3 phòng Lab dùng chung phục vụ nghiên cứu thiết kế vi mạch. Hội đồng nhân dân thành phố sắp tới cũng xem xét để có chính sách học bổng đặc thù cho sinh viên chuyên ngành vi mạch.

Đà Nẵng đã làm việc với một số tập đoàn, công ty công nghệ lớn nước ngoài để trao đổi, nắm bắt nhu cầu nguồn lực. Thành phố đang tập trung thu hút đầu tư để các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp vi mạch, bán dẫn đầu tư tại Đà Nẵng, đảm bảo đầu ra cho các trường đại học.

Ông Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc Công ty Synopsys khu vực Nam Á: Miền Trung có lực lượng sinh viên phù hợp

Ông Trịnh Thanh Lâm.

Ông Trịnh Thanh Lâm.

Ngày 10/10/2023, chúng ta bắt đầu đề cập đến đào tạo nguồn nhân lực để có thể tham gia chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp bán dẫn trên toàn cầu. Với lượng thời gian ngắn ngủi chỉ vài tháng, Đà Nẵng đã có những bước đi vững chắc.

Chúng tôi tham gia tư vấn cho nhiều địa phương cũng như Chính phủ Việt Nam làm thế nào để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu khi 40% nội dung tuyên bố chung của Mỹ và Việt Nam sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ liên quan đến công nghiệp bán dẫn.

Trong đó, tôi nhận thấy lãnh đạo Đà Nẵng đã có tầm nhìn dài hạn cùng những “bước đi” cụ thể nhất. Minh chứng là địa phương có 2 chuyến công tác cùng lãnh đạo cao nhất của thành phố Đà Nẵng đến công ty hàng đầu trên thế giới của Mỹ, Đài Loan để cảm nhận thực sự về sự phát triển cùng những yêu cầu của ngành công nghiệp bán dẫn và kêu gọi đầu tư vào Đà Nẵng.

Không một quốc gia nào tuyên bố có thể tự chủ từ A-Z trong ngành công nghiệp bán dẫn, từ nguyên vật liệu đầu vào, công nghệ sản xuất phần mềm, phần cứng, thiết kế, đóng gói, tạo ra sản phẩm hay tự chủ trong cung cấp về nhân lực…

Trong liên minh khép kín phát triển về công nghiệp bán dẫn gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đều thiếu hụt nguồn nhân lực. Theo dự đoán đến năm 2030, thị trường công nghiệp chip bán dẫn sẽ tăng trưởng lên đến 1 nghìn tỷ USD so với 300 tỷ như hiện nay và thiếu 900 nghìn nhân lực công nghệ cao.

Việt Nam, đặc biệt miền Trung có lực lượng sinh viên được minh chứng phù hợp với yêu cầu đặc thù của ngành công nghiệp chip bán dẫn. Hiện có đến 50% nhân lực tại các công ty bán dẫn ở Việt Nam là con em miền Trung. Cơ hội tham gia của Đà Nẵng vào cung cấp nhân lực cho chuỗi cung ứng ngành công nghiệp bán dẫn hoàn toàn có thể.

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cùng ĐH Đà Nẵng và các doanh nghiệp, viện, trường khởi động chương trình đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn. Ảnh: NTCC

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cùng ĐH Đà Nẵng và các doanh nghiệp, viện, trường khởi động chương trình đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn. Ảnh: NTCC

Ngoài chính sách thu hút đầu tư đầy hấp dẫn thì Đà Nẵng nỗ lực cao trong cam kết về chất lượng nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn. Việc khai giảng khóa bồi dưỡng ngắn hạn cho giảng viên nguồn và chuyên ngành gần là minh chứng.

Sau khóa đào tạo này, chúng tôi sẽ kết nối để có những lớp đào tạo nâng cao tiếp theo với đối tác ở Hà Nội, Đài Loan. Chúng tôi hy vọng giảng viên theo học các khóa học này là những “máy cái” không chỉ tham gia công tác đào tạo còn đóng vai trò dẫn dắt cho việc nghiên cứu trong lĩnh vực bán dẫn.

Chúng tôi mong Đà Nẵng tổ chức những khóa học tiếp theo để chọn được 20 giảng viên có khả năng, đam mê lĩnh vực này tham gia lớp đào tạo cao hơn ở Hà Nội. Đà Nẵng hiện có đối tác là một trường đại học ngoài công lập ở Hà Nội được trang bị cơ sở vật chất hiện đại để thực hành thiết kế chip ở cả phần cứng và mềm. Xa hơn nữa, những giảng viên có thể được gửi đi đào tạo tại Đài Loan vào tháng 4/2024 để ít nhất 3 tháng sau có thể làm chủ công nghệ, đưa vào các bài giảng.

Những thiết bị, công nghệ và giáo trình mà Synopsys cung cấp cho khóa học bồi dưỡng ngắn hạn với giảng viên nguồn, sinh viên các chuyên ngành gần đều theo chuẩn quốc tế. Khi hoàn thành chương trình, giảng viên có thể xây dựng giáo trình giảng dạy thiết kế vi mạch hướng tới cung cấp nguồn nhân lực đạt chuẩn quốc tế.

Ông Nguyễn Bảo Anh, Giám đốc kỹ thuật, Trưởng văn phòng Công ty Synopsys Việt Nam tại Đà Nẵng: Kỹ sư phải vững kiến thức và có tinh thần học hỏi

Ông Nguyễn Bảo Anh.

Ông Nguyễn Bảo Anh.

Mảng thiết kế vi mạch khá đặc thù, không đứng lại một chỗ bởi nhu cầu chip tăng nhanh theo từng năm và công nghệ thay đổi liên tục. Khi đưa ra sản phẩm mới thì khách hàng cũng đưa ra mong muốn cho sản phẩm tiếp theo.

Do đó, kỹ sư tham gia ngành này phải có trình độ nhất định với tinh thần học hỏi cao mới theo kịp, nếu không sẽ bị tụt lại. Ngoài ra, đây là ngành công nghệ đòi hỏi nhiều kinh nghiệm thực tiễn vì cái giá phải trả cho sai sót rất lớn. Ví dụ với ngành IT, khi một phần mềm gặp lỗi có thể sửa và vá nhanh chóng. Nhưng thiết kế chip, lỗi phải trả giá bằng nhiều triệu USD và thời gian khắc phục tính bằng đơn vị năm.

Chúng ta cứ hình dung cả một nhóm thiết kế cho ra sản phẩm; thiết kế đó được đưa qua nhà sản xuất, đóng gói. Sau khi ra thành phẩm, con chip đó lại quay trở lại đội ngũ thiết kế để kiểm tra chạy tốt không mới chuyển đến khách hàng để kiểm thử rồi cho sản xuất hàng loạt. Giai đoạn thiết kế mất khoảng 1 năm tùy dự án, dự án khó đến 2 năm.

Với công nghệ nano thì việc sản xuất con chip chi phí lên đến hàng triệu USD, quy trình sản xuất khoảng 3 - 4 tháng rồi mới quay lại chỗ thiết kế, mất thêm 1 năm. Bởi chỉ kiểm tra trong phòng thí nghiệm mới biết sản phẩm đó đạt yêu cầu về chức năng và hiệu năng hay không. Như vậy, nếu có bất kỳ sai sót nào phải chỉnh sửa thì chi phí từ thiết kế đến sản xuất khá tốn kém.

Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) phối hợp với các công ty trong ngành vi mạch - bán dẫn tổ chức toạ đàm về yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực. Ảnh: NTCC

Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) phối hợp với các công ty trong ngành vi mạch - bán dẫn tổ chức toạ đàm về yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực. Ảnh: NTCC

Nhưng khó khăn này cũng là lợi thế với kỹ sư vi mạch. Người theo nghề vi mạch càng có nhiều kinh nghiệm thì giá trị định vị bản thân càng cao. Vì chỉ khi đi vào môi trường thực tiễn, trải nghiệm trên các sản phẩm chip mới tích lũy được kinh nghiệm; trong khi ngành IT, kỹ sư phần mềm chỉ cần laptop là có thể viết mã hoặc tự học ngôn ngữ lập trình để bổ sung kiến thức cho nên độ cạnh tranh lớn hơn nhiều so với ngành vi mạch.

Kỹ sư vi mạch phải am tường quy trình thiết kế, vững kiến thức về MOSFET - tức phần lõi của mạch tích hợp (IC). Ngành Vi mạch - Bán dẫn thay đổi công nghệ rất nhanh, người làm việc trong ngành phải thường xuyên tự học, học hỏi không ngừng, tự nghiên cứu để theo kịp xu thế. Vấn đề là cách học, kỹ năng tự học để có thể nâng cao được kiến thức.

Ngoài kiến thức chuyên môn thì tiếng Anh là yêu cầu đầu tiên và cao nhất của các tiêu chuẩn đối với một kỹ sư vi mạch. Hầu hết tài liệu chuyên ngành này là tiếng Anh, quá trình làm việc giao tiếp với chuyên gia, cũng sử dụng tiếng Anh.

Tiếng Anh có đủ số lượng từ chuyên ngành vi mạch - bán dẫn, nhiều từ không thể diễn đạt bằng tiếng Việt. Đó là lý do phải học, thực hành ngôn ngữ và luôn trau dồi vốn từ chuyên môn. Tiếng Anh chính là từ khóa của lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

“Để đào tạo thành công nguồn nhân lực chất lượng làm việc trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, nhà trường và doanh nghiệp càng phải gắn kết để góp phần tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững. Nếu sinh viên được nhà trường đào tạo căn bản, vững vàng kiến thức chuyên môn, Marvell sẽ tiếp tục bổ sung và đào tạo thêm kỹ năng lãnh đạo cho các kỹ sư trẻ.

Môi trường làm việc của Marvell rất chú trọng làm việc nhóm, do vậy, cần có những lãnh đạo nhóm giỏi. Không chỉ làm việc trong nhóm, với thiết kế vi mạch, nhóm này phải làm việc với nhóm khác để cùng hoàn thành dự án chung”. - Ông Lê Quang Đạm - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Marvell

“Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) hiện có 5 phòng thí nghiệm và 1 xưởng điện tử, cùng các bản quyền phần mềm phục vụ môn học lĩnh vực vi điện tử - thiết kế vi mạch. Nhà trường đã trang bị 1 phòng máy tính, phục vụ đào tạo lĩnh vực này, được khánh thành đưa vào sử dụng từ tháng 2/2024. Nhà trường có mối liên hệ chặt chẽ với các công ty thiết kế vi mạch đặt văn phòng đặt tại miền Trung như Renesas, Synopsys, Synapse (Quest), Uniqify, Savarti… Hằng năm, trường phối hợp với các công ty đồng hướng dẫn đồ án tốt nghiệp dưới dạng dự án dài hạn”. - PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ