Trường Đại học Bách khoa, ĐH Đà Nẵng dịch chuyển trong đào tạo cùng cách mạng 4.0

Trường Đại học Bách khoa, ĐH Đà Nẵng dịch chuyển trong đào tạo cùng cách mạng 4.0

Thời gian học tập của các chương trình đào tạo (CTĐT) chất lượng cao (CLC) rút xuống còn 4 năm. Nhà trường cũng triển khai mô hình “Dạy học theo dự án”, tích hợp liên môn, liên ngành giúp SV đáp ứng “Top 10 skills” mà người lao động cần có trong thời đại 4.0

Không chờ đợi tốt nghiệp ĐH mới tạo ra sự khác biệt

Dự án Áo khoác đa năng cho ngư dân (Versatile Overcoat for Fishmen) của nhóm SV trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng là 1 trong 3 ý tưởng được Ban giám khảo cuộc thi EPICS 2019 trao giải nhất, cùng với đề tài của SV trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh và ĐH Cần Thơ.

Trường Đại học Bách khoa, ĐH Đà Nẵng dịch chuyển trong đào tạo cùng cách mạng 4.0 ảnh 1
Nhóm SV trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đang thuyết trình ý tưởng Áo khoác đa năng cho ngư dân tại cuộc thi EPICS 2019

Đây là lần thứ 3 liên tiếp, SV trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng giữ chức vô địch EPICS. Trước đó, tại EPICS 2018, ý tưởng Smart Mattress - nệm thông minh nhằm mục đích giảm bớt sự bất tiện của người cao tuổi và những người có vấn đề về thể chất như viêm xương khớp, phụ nữ sau sinh… khi họ gặp khó khăn trong việc di chuyển đã được BGK đánh giá cao về tính khả thi trong thực tiễn.

EPICS (Engineering Projects in Comminity Services - Các dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng) là một khóa học qua dự án để phục vụ cộng đồng thực hiện bởi Trường ĐH Bang Arizona, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Công ty DOW Chemical tài trợ với 4 trường đại học tham gia trong cả nước, trong đó có trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng. 

EPICS đã mang đến cơ hội để SV được trải nghiệm các kỹ năng như một kỹ sư thực thụ. Thông qua các dự án, SV học được cách làm việc nhóm, cách đưa ra ý tưởng, bảo vệ ý tưởng và sau đó trình bày ý tưởng để thuyết phục các nhà đầu tư tiềm năng. Họ cũng sẽ được rèn luyện về tinh thần doanh nhân, điều sẽ giúp ích cho họ rất nhiều khi làm việc ở thế giới thực sau này.

Trường Đại học Bách khoa, ĐH Đà Nẵng dịch chuyển trong đào tạo cùng cách mạng 4.0 ảnh 2
SV trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng và SV trường Sigapore Polytechnic tham gia Học qua dự án “Nâng cao chất lượng sản phẩm tại làng nghề Mây tre An Khê, Đà Nẵng”

Mô hình tưới tiêu tự động sử dụng nguồn năng lượng sạch, giúp tiết kiệm sức lao động và mái che có thể gấp gọn rất tiện lợi cho nông dân khi lao động trên cánh đồng đã được một nhóm SV trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) và trường Sigapore Polytechnic tặng cho những người nông dân làng rau sạch Túy Loan (Đà Nẵng) sau 2 tuần học tập trải nghiệm tại làng. Làng rau sạch Túy Loan và làng mây tre An Khê là hai địa điểm được chọn để SV khám phá những vấn đề mà cộng đồng người dân ở đây đang gặp phải, qua đó đưa ra những ý tưởng và giải pháp thiết kế dựa trên Tư duy Thiết kế (Design Thinking).

Trường Đại học Bách khoa, ĐH Đà Nẵng dịch chuyển trong đào tạo cùng cách mạng 4.0 ảnh 3
mô hình “Dạy học theo dự án”, tích hợp liên môn, liên ngành mà trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng triển khai giúp SV đáp ứng “Top 10 skills” mà người lao động cần có trong thời đại 4.0

“Tư duy thiết kế - Design Thinking” là mô hình thiết kế theo cách tiếp cận dựa trên giải pháp để giải quyết vấn đề, gồm 5 giai đoạn: Đồng cảm (Empathise), Xác định vấn đề (Define), Tưởng tượng (Ideate), Tạo mẫu (Prototype), Kiểm tra (Test). Để hoàn thành dự án tại làng rau sạch Tuý Loan, nhóm SV đã thực hiện các bước nghiên cứu - khảo sát thông tin thông qua Internet, lưu trú lại (Homestay) 3 ngày 2 đêm tại nhà dân, phỏng vấn dân làng, phân tích dữ liệu để tìm ra khó khăn mà người dân đang mắc phải, cuối cùng là đưa ra giải pháp để khắc phục tình trạng đó. 

Tại An Khê, các bạn chế hẳn ra mô hình của một chiếc ghế đa năng, vừa giúp các bác công nhân có tư thế thoải mái nhất khi làm việc, vừa giúp tăng năng suất và thời gian sản xuất. Buổi trình bày ý tưởng tại làng, không khó để bắt gặp những ánh mắt thán phục, trìu mến mà khấp khởi vui mừng từ các cô bác nông dân. Có lẽ, thứ mà các bạn SV mang đến cho họ không những là những ý tưởng để giải quyết khó khăn, mà còn là tấm lòng từ những người trẻ dành cho những giá trị văn hóa nhân văn từ các làng nghề truyền thống.

Tích hợp đào tạo kiến thức và kỹ năng mềm

PGS.TS Đoàn Quang Vinh - Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Hiện nay, chúng ta đang dạy cho SV các môn học gần như riêng lẻ với nhau, SV hoàn thành nội dung từng môn học và cuối khóa sẽ làm đồ án tốt nghiệp. Đây là một trong những lý do khiến cho SV và cả xã hội có nhận xét là thầy dạy nhiều, vì phải dạy những kiến thức, kỹ năng căn bản nhưng SV vận dụng sau khi ra trường lại không nhiều. Trong khi đó, có nhiều kiến thức khác các em lại không được học trong trường, nhiều kỹ năng ít được tập luyện như tư duy phản biện, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng tự học, tự nghiên cứu…”.

 Dạy học theo dự án (Project-based Learning - PBL) đặt SV vào những vai trò học tập tích cực như: phát hiện vấn đề, điều tra nghiên cứu tổng thể, giải quyết vấn đề, ra quyết định, đề xuất giải pháp, đánh giá hiệu quả của giải pháp, trình bày hay viết báo cáo. SV không chỉ tìm hiểu kiến thức và các yếu tố thuộc chương trình giảng dạy mà còn áp dụng những gì họ biết để giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Các sản phấm do giảng viên và sinh viên trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng chế tạo phục vụ cộng đồng trong phòng, chống dịch Covid - 19 đã được chuyển giao và ứng dụng trong thực tế

Làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt giáo dục ĐH trước những thách thức rất lớn, các trường ĐH không thể dự đoán được những kỹ năng mà thị trường lao động sẽ cần trong tương lai do tốc độ thay đổi công nghệ diễn ra quá nhanh. Điều này đòi hỏi giáo dục ĐH phải thay đổi cả chương trình lẫn phương pháp giảng dạy, đánh giá.

Bắt đầu từ năm học 2018 – 2019, các CTĐT Chất lượng cao (CLC), kể cả các chương trình đã được triển khai trước đây, đều được trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng thiết kế hoặc thiết kế lại với thời gian học tập rút xuống còn 4 năm so với 4,5 năm của chương trình truyền thống. Chương trình thiết kế dựa trên phương pháp tiếp cận CDIO, định hướng theo tiêu chuẩn kiểm định ABET, có tham khảo các CTĐT của các nước tiên tiến trên thế giới . Trong học kỳ đầu tiên SV chủ yếu tập trung học ngoại ngữ, đảm bảo đạt yêu cầu chuẩn đầu ra theo quy định để đáp ứng yêu cầu của chương trình học. Các chương trình CLC được thiết kế theo hướng giảm thời gian học lý thuyết, tăng cường thời lượng học và thực hành ngay tại doanh nghiệp với mục đích thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và môi trường làm việc thực tế.

Ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc FPT Software chi nhánh Đà Nẵng: “Do nhu cầu phát triển trong những năm trở lại đây, lĩnh vực phần mềm của FPT Đà Nẵng luôn đạt được những con số tăng trưởng cao từ 50-60%/năm, đội ngũ kỹ sư phần mềm của FPT Đà Nẵng cũng tăng vọt từ con số 400 người trong năm 2011 đến nay lên hơn 3.000 người và dự kiến lên 10.000 người vào năm 2020. Để chuẩn bị nguồn nhân lực số đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế số, FPT Software chủ động kết nối với các trường ĐH trong đào tạo. Như trong hợp tác với trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng, chúng tôi cố gắng theo SV từ năm thứ nhất để đưa ra những định hướng trong học tập và cùng nhà trường tạo nền tảng kỹ năng nghề, xây dựng được văn hóa doanh ngghiệp ngay từ đầu. Có những chuyên đề chuyên môn do chính FPT Software đề xuất và cử chuyên gia giảng dạy trong trường ĐH.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...