Người khơi nguồn đổi mới sáng tạo:

Đào tạo con người mới là gốc

GD&TĐ - Xây dựng chiến lược về đội ngũ nhà giáo mới là gốc của vấn đề...

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NTCC
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NTCC

GS.TS Hoàng Chí Bảo - chuyên gia cao cấp, nguyên ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương - cho rằng, nói đến chất lượng giáo dục là phải đề cập điểm căn bản và huyết mạch là chất lượng đào tạo con người. Phải xây dựng chiến lược về đội ngũ nhà giáo. Đó mới là gốc của vấn đề.

Gốc của vấn đề

- Qua quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, Giáo sư cảm nhận thế nào về triết lý giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh?

- Một trong những luận điểm của Bác Hồ về giáo dục là, Bác rất coi trọng thầy giáo. Theo Bác, không có thầy giáo sẽ không có nhà trường. Không có hoạt động dạy - học của thầy và trò thì không thành giáo dục. Cho nên, rất cần đầu tư để xây dựng nhân lực chất lượng cao. Tức là đội ngũ nhà giáo từ mầm non, tiểu học, trung học đến đại học và sau đại học. Trong cơ cấu hoàn chỉnh đó, vai trò của nhà giáo rất quan trọng. Vì vậy, phải xây dựng chiến lược về đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đó mới là gốc của vấn đề.

Mong muốn của xã hội và cũng là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với ngành Giáo dục là sự phát triển bền vững. Vì thế, chúng ta phải chú trọng đến hệ thống các trường sư phạm. Đây được coi là “máy cái”, là “công nghiệp nặng” của ngành Giáo dục. Chất lượng trường sư phạm không tốt và chất lượng nhà giáo không đảm bảo thì đừng nói gì đến chất lượng giáo dục.

Vì thế, chúng ta không chỉ quan tâm mà phải đầu tư nguồn lực và phải có chính sách, biện pháp, cơ chế để tạo động lực phát triển cho ngành Giáo dục, nhất là đội ngũ các thầy, cô giáo - những người mà Bác gọi là anh hùng vô danh. Nhà giáo là đội ngũ làm việc rất vẻ vang, đem lại cho xã hội nhiều lợi ích, công trạng nhưng nhiều khi cũng hy sinh một cách âm thầm.

Hơn lúc nào hết, ngoài nỗ lực, phấn đấu của đội ngũ nhà giáo, cần cộng đồng trách nhiệm của cả xã hội và sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước thông qua các chính sách, cơ chế tạo động lực phát triển cho giáo dục.

- Triết lý giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh tác động như thế nào đến chủ trương đổi mới giáo dục của Đảng, Nhà nước, thưa Giáo sư?

- Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục gắn liền với đạo đức và phong cách của Người. Trong một chỉnh thể tư tưởng gắn liền với đạo đức, phong cách, Người đặc biệt chú trọng đến yếu tố phương pháp. Vì phương pháp cực kỳ quan trọng khi thực thi các nhiệm vụ giáo dục và hoạt động sư phạm của nhà trường. Chính những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tác động, ảnh hưởng rất sâu sắc đến tiến trình cải cách giáo dục của nước ta.

Chúng ta đều biết, lịch sử giáo dục Việt Nam trải qua nhiều chặng đường cải cách. Đến nay là 4 lần cải cách. Gần và rõ nhất là Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Đầu tiên là vấn đề giáo dục toàn diện. Phải thực hiện cho được một nền giáo dục toàn diện. Tức là giáo dục cả thể chất, trí tuệ, trí lực và tâm lực. Đó là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng này đã ảnh hưởng vào giáo dục, đào tạo con người mới. Trước kia - thời kỳ chống Pháp, Mỹ là đáp ứng nhiệm vụ kháng chiến kiến quốc, còn nay là đáp ứng nhiệm vụ xây dựng bảo vệ Tổ quốc.

Cải cách giáo dục lần này chú trọng vào vấn đề phát triển hoàn thiện nhân cách, dạy chữ, dạy nghề để dạy người. Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hiện đại hóa. Hoàn thiện nhân cách mới là đích đến và mục tiêu của nội dung giáo dục.

GS.TS Hoàng Chí Bảo.

GS.TS Hoàng Chí Bảo.

Chỉ dẫn đổi mới nội dung và phương pháp

- Nếu theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta nên hiểu như thế nào về đổi mới nội dung và phương pháp?

- Chú trọng đổi mới cải cách về nội dung và phương pháp theo đúng chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tức là một nền giáo dục khoa học, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước từ quốc kế dân sinh. Bác có cả chỉ dẫn về từng cấp học, ngành học. Ví dụ, với trẻ mầm non, Bác nói: Thầy, cô giáo phải như mẹ hiền. Đó là luận điểm căn bản của Bác về bảo mẫu, để chỉ dẫn việc xây dựng ngành học mầm non, mà lúc sinh thời Bác gọi là một cấp học.

Đối với cấp tiểu học, Người đặc biệt chú trọng đến vấn đề giáo dục đạo đức. Có thể coi đạo đức là nền tảng của giáo dục tiểu học. Một hệ thống lý thuyết phương pháp hoàn chỉnh về giáo dục tiểu học được Bác dạy thiếu niên, nhi đồng: Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; Học tập tốt, lao động tốt; Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt; Giữ gìn vệ sinh thật tốt; Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.

Bác đưa ra chỉ dẫn đặc biệt tinh tế về giáo dục trung học, đó là phải chọn lọc, không xô bồ, không quá tải mà dạy những kiến thức cơ bản nhưng hiện đại, mới mẻ, để học xong có thể đi làm việc được ngay. Đấy chính là định hướng nghề nghiệp mà bây giờ chúng ta áp dụng vào vấn đề phân luồng, hướng nghiệp.

Chúng ta chú trọng giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp chính là thực hiện tư tưởng của Bác. Học xong kiến thức cơ bản của phổ thông, học sinh phải có khả năng làm thợ, làm công nhân. Quan trọng hơn, Bác căn dặn, tiếp tục học lên, tức là học suốt đời. Chủ tịch Hồ Chí Minh là cha đẻ của lý thuyết giáo dục thường xuyên và mô hình xã hội học tập hiện nay. Học tập thường xuyên, học tập suốt đời để dù có làm thợ thì cũng làm thợ trên trình độ của kỹ sư, kỹ thuật viên cao cấp; làm thợ với tầm vóc trí tuệ của người thầy chứ không chỉ là thợ lao động chân tay cơ bắp giản đơn.

Đối với đại học, Người xác định là đào tạo chuyên gia. Vì vậy phải đào tạo theo phương pháp nghiên cứu. Có thể nói, đó là tư tưởng hiện đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ảnh hưởng vào cả tiến trình cải cách giáo dục của chúng ta. Chúng ta chú trọng cân đối đồng bộ các cấp học, ngành học. Chú trọng từ đầu vào là mầm non, tiểu học và chú trọng sản phẩm đào tạo cao cấp là đại học.

Cải cách, nâng cao chất lượng giáo dục đại học để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam ngang tầm với khu vực và thế giới, đạt đến yêu cầu hiện đại. Qua đó, có một đội ngũ chuyên gia tài năng, đóng góp vào sự phát triển đất nước. Điểm cuối cùng trong tiến trình cải cách giáo dục là thực hiện cho được khát vọng của Người: Giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Học sinh Trường Tiểu học Bắc Hà (TP Hà Tĩnh) hứng thú với tiết học trên lớp. Ảnh: NTCC

Học sinh Trường Tiểu học Bắc Hà (TP Hà Tĩnh) hứng thú với tiết học trên lớp. Ảnh: NTCC

Tạo động lực cho giáo dục phát triển

- Để triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo một cách hiệu quả, thiết thực, theo Giáo sư chúng ta cần chú trọng vào những nội dung nào?

- Cách đây gần 10 năm, Trung ương Đảng đã có Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Khi chấp nhận đi tìm những tình huống, vấn đề nan giải đang đặt ra trong ngành Giáo dục, nghĩa là chúng ta phải tính đến phương pháp làm việc mà Đảng ta đã chỉ dẫn là: Nhìn thẳng, nói rõ, đánh giá đúng sự thật để tìm ra hệ thống giải pháp đồng bộ và sửa chữa để thay đổi căn bản.

Nhìn vào thực trạng giáo dục Việt Nam cho thấy, chúng ta đã cố gắng đảm bảo cho một xã hội học tập. Toàn dân được học tập và có cơ hội được tiếp cận giáo dục; trong đó gồm thế hệ trẻ. Một nước mà có đến hàng chục triệu người học trong một năm học đủ thấy là một nền giáo dục lớn. Đây là điểm rất cố gắng, đáng tự hào nhưng chất lượng thì chưa tương xứng.

Chất lượng giáo dục Việt Nam, nếu so với các nước trong khu vực và trên thế giới thì chúng ta cần nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa. Nói chất lượng giáo dục, phải nói đến điểm căn bản, huyết mạch là chất lượng đào tạo con người. Tức là đạo đức và nhân cách. Phân biệt giữa phương pháp và phương tiện cần được quan tâm trong đội ngũ nhà giáo của chúng ta.

Giáo dục đạo đức, lý tưởng cách mạng, lẽ sống và niềm tin, lấy khoa học lịch sử làm nền tảng… phải là điểm nhấn và cần được quan tâm trong tất cả nhà trường, thầy, cô giáo, nhất là với nhà quản lý giáo dục.

Ngoài ra, cần chú trọng giáo dục kỹ năng thực hành và giáo dục năng lực sáng tạo cho học sinh, sinh viên. Vì sáng tạo chính là thước đo về năng lực và hiệu quả. Sáng tạo ở đây chính là toàn diện cả về trí tuệ, đạo đức, thể chất, thẩm mỹ trong nhà trường, gắn với lao động sản xuất, đời sống thực tiễn để không phải là một nền giáo dục thụ động. Chúng ta phải chú trọng những điều trên, đồng thời tiếp tục xây dựng, phát triển và hoàn thiện một loạt điều kiện, đảm bảo từ đầu tư đến phân bổ nguồn lực, tạo động lực cho phát triển.

Trong đó có câu chuyện về tự quản của hệ thống đại học hay là tạo điều kiện cho hội đồng sư phạm các nhà trường, cấp học phát huy được vai trò chủ thể của mình. Triết lý coi người học là trung tâm thực sự có hiệu quả khi người dạy đóng vai trò chủ đạo. Theo đó, thầy giáo là người tổ chức thực hiện, thiết kế một bài học, chương trình học tập và phải là người dẫn dắt học sinh đi tới bến bờ của trí tuệ sáng tạo. Cũng cần hiểu tường minh rằng, đề cao người học là trung tâm không có nghĩa là xem nhẹ vai trò của người thầy. Đây chính là yêu cầu và đòi hỏi nhà giáo phải thường xuyên nâng cao năng lực và bản lĩnh.

Qua thực tiễn nghề nghiệp, chúng tôi nhận thấy, thầy giáo là kỹ sư tâm hồn. Họ không chỉ là người thầy tài năng, nhà sư phạm tâm huyết, mà còn là người nghệ sĩ tài hoa để dẫn dắt học sinh đi tới khát vọng của sự phát triển; tạo cho học sinh khả năng tự học, tự đào tạo, hoàn thiện nhân cách của chính mình. Qua đó, chúng ta càng nhận rõ thêm trọng trách nặng nề và vẻ vang của ngành Giáo dục đối với sự phát triển đất nước.

- Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Giáo sư có nhắn nhủ điều gì với đội ngũ thầy, cô giáo trên cả nước?

- Đó là ngày tôn vinh nghề nghiệp, tôn vinh thầy, cô giáo – những người tham gia đào tạo con người Việt Nam. Tôi muốn nhắc lại, một trong những học trò xuất sắc của Bác mà cũng là người có tư tưởng lớn về giáo dục là cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ông rất thân thiết với nhà trường và đội ngũ nhà giáo của chúng ta.

Cố Thủ tướng nói, dạy học là nghề cao quý nhất giữa những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất giữa những nghề sáng tạo. Vì thế, nhà trường phải là mẫu mực về văn hóa, kỷ cương, nền nếp; thầy ra thầy, trò ra trò, trường ra trường, lớp ra lớp. Riêng đội ngũ giáo viên dạy các môn khoa học xã hội - nhân văn, nhất là Văn học, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng căn dặn, dạy Văn là một quá trình rèn luyện toàn diện. Mấy chục năm qua, tư tưởng ấy còn nguyên tính thời sự.

Năm nay, kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam là tôn vinh nghề dạy học. Qua đây, để xã hội quý trọng, biết ơn các thầy, cô giáo đã dạy dỗ con em mình và cũng để xã hội quan tâm đặc biệt đến giáo dục. Trong cuộc đua khắc nghiệt của thời đại toàn cầu hóa, thành hay bại xét đến cùng là từ giáo dục.

- Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Đội ngũ nhà giáo đã ý thức được trọng trách, sứ mệnh vẻ vang của mình để làm tốt nhất sự nghiệp cao quý trồng người. Càng yêu người bao nhiêu càng yêu nghề bấy nhiêu như Đảng ta đã từng mong muốn. Một nhà tư tưởng lớn của lịch sử thế giới từng nói, sau thực phẩm thì thức ăn tinh thần hàng đầu của mỗi dân tộc chính là giáo dục. - GS.TS Hoàng Chí Bảo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đao phủ là nghề phải có nhưng hiếm người nhận làm. Ảnh: Ancient-origins.net

Phúc - họa nghề đao phủ

GD&TĐ - Trên phương diện pháp luật, đao phủ là người thực thi công lý nhưng trên phương diện lương tâm, họ là những kẻ tước đoạt mạng sống một cách tàn bạo.

Kích thích miễn dịch cây giống như việc tiêm vắc-xin cho cây trồng.

'Tiêm vắc-xin' cho cây trồng

GD&TĐ - Trong một thế giới đang phát triển và thay đổi nhanh chóng, nhu cầu sản xuất đủ lương thực cho mọi người đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Minh họa/INT

Viêm khớp cấp tính

GD&TĐ - Các nguyên nhân gây viêm khớp cấp tính thường gặp là do nhiễm virus, vi khuẩn, viêm tủy xương, ung thư xương...