Nâng chất lượng giáo dục mầm non từ đầu tư nguồn lực

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Với sự quan tâm, nỗ lực đầu tư nguồn lực của các địa phương, nhà trường công tác phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi đã đạt kết quả đáng ghi nhận.

Công tác phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi đạt kết quả đáng ghi nhận.
Công tác phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi đạt kết quả đáng ghi nhận.

Nỗ lực từ địa phương, nhà trường

Nằm trên địa bàn thị trấn nên Trường Mầm non thị trấn Bắc Hà (huyện Bắc Hà) có điều kiện thuận lợi trong việc triển khai phổ cập mầm non 5 tuổi. Cô Nguyễn Thị Lệ Hằng, Hiệu trưởng thông tin: Cơ sở vật chất thuận tiện khi được đầu tư xây mới, phòng học phòng chức năng đã đáp ứng thông tư 13 của Bộ GD&ĐT; Nhiều trang thiết bị dạy học hiện đại nhất cũng được đưa vào sử dụng phục vụ hiệu quả cao nhất cho việc nuôi dạy trẻ…

Mặt khác, trường đã đã bố trí giáo viên có năng lực dạy 5 tuổi. Đội ngũ đảm bảo tỉ lệ 2,0 giáo viên/lớp và gần 100% giáo viên dạy lớp 5 tuổi có trình độ trên chuẩn. “Việc triển khai phổ cập giáo dục trẻ mầm non 5 tuổi không phải là nỗi lo của trường khi các điều kiện chung từ nhân lực tới vật lực đã vượt mức yêu cầu…”, cô Hằng khẳng định.

Trường Mầm non xã Thanh Vân (Quản Bạ, Hà Giang) công tác phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi những năm qua luôn có nhiều cố gắng nên đã thu về những “trái ngọt”. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp đạt tỷ lệ gần 100%.

Nhiều năm kinh nghiệm đứng lớp, phụ trách lớp mẫu giáo 5 tuổi và quản lý nhà trường, cô Nguyễn Thị Huyền, Hiệu trưởng cho biết trước thềm năm học mới, nhà trường luôn quan tâm tân trang, tu sửa hệ thống cơ sở vật chất; tăng cường trang thiết bị dạy học và đồ chơi cho trẻ bằng điều kiện có thể.

Với những đồ dùng, thiết bị dạy học còn thiếu trường tích cực huy động giáo viên tự làm từ những nguyên vật liệu gần gũi, dễ kiếm mà vẫn đảm bảo yêu cầu phát triển trẻ. Công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh nên các điểm trường đã dần được bê tông hóa. Đến nay dù là trường vùng núi, khó khăn nhưng cơ sở vật chất đã tương đối đảm bảo cho dạy và học.

Cũng theo cô Huyền, để huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đảm bảo tỉ lệ cao nhất, đầu năm học, ban giám hiệu đã phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng cán bộ, giáo viên vận động, tuyên truyền cho phụ huynh. Bên cạnh đó, huy động cả địa phương cùng vào cuộc trong công tác tuyên truyền, vận động phụ huynh đưa trẻ ra lớp đúng tuổi.

Có thể nói, với sự vào cuộc mạnh mẽ trong công tác tuyên truyền đưa trẻ ra lớp, đến nay cơ bản phụ huynh đã hiểu và quan tâm đến việc cho trẻ đi học mẫu giáo, đặc biệt với trẻ mẫu giáo 5 tuổi đang chuẩn bị bước vào cấp học mới. Vì vậy, trẻ ra lớp luôn đạt tỉ lệ cao. Công tác phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi duy trì thuận lợi.

Trẻ mầm non 5 tuổi được chuẩn bị kĩ càng tâm thế bước vào lớp 1

Trẻ mầm non 5 tuổi được chuẩn bị kĩ càng tâm thế bước vào lớp 1

Từ thực tế cũng cho thấy, công tác nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi đã và đang được các nhà trường, địa phương đẩy mạnh theo chiều sâu.

Tại trường Mầm non Thanh Thủy (Thanh Hà, Hải Dương) cán bộ giáo viên hầu hết năng động, nhiệt huyết trong công việc; tích cực tham gia tập huấn trau dồi, nâng cao phương pháp giảng dạy. Đơn cử, trong giai đoạn dịch Covid-19, giáo viên nhà trường đã tích cực lên ý tưởng, quay, cắt dựng video về các chủ đề học tập, chăm sóc sức khoẻ cá nhân, vui chơi hay phòng chống dịch Covid-19.

Riêng với trẻ mẫu giáo 5 tuổi, các thầy cô quay video hướng dẫn các em tập tô chữ viết, chữ số; nhận dạng mặt chữ, mặt số. Giáo viên lớp mẫu giáo 5 tuổi thường xuyên liên hệ, hướng dẫn gia đình, phụ huynh qua điện thoại di động để hỗ trợ phụ huynh chăm sóc trẻ tại nhà trong thời gian dịch bệnh trẻ phải nghỉ học…

Bà Nguyễn Thị Thơm, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD&ĐT Lào Cai) cho biết, ngành đã chỉ đạo, thực hiện xây dựng chương trình giáo dục nhà trường; đẩy mạnh đổi mới hình thức tổ chức chăm sóc, giáo dục lấy trẻ em làm trung tâm, ứng dụng phương pháp giáo dục tiên tiến như: Montessori, STEAM, STEM, Reggio Emilia, thực hiện tốt các mô hình trường học gắn với thực tiễn, như: “trồng một cây, nuôi một con”, “trường học du lịch”, “trường học bản sắc văn hóa dân tộc”... để thúc đẩy, cải tạo, nâng cấp cảnh quan trường lớp, góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Đến nay, trẻ em được tổ chức ăn bán trú và học 2 buổi/ngày đạt 100%. Số trẻ suy dinh dưỡng các thể thấp còi, nhẹ cân giảm dần qua các năm từ 0,5% - 1%. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thấp cân trong trường chỉ ở mức dưới 20%.

Các nhà trường còn tập trung tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em 5 tuổi được chuẩn bị tốt tâm thế vào lớp 1, các kỹ năng giúp trẻ tự tin, hứng thú, tìm hiểu, khám phá và từng bước thích nghi với môi trường học tập tiểu học.

Tăng cường điều kiện cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non 5 tuổi.

Tăng cường điều kiện cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non 5 tuổi.

Duy trì và nâng cao chất lượng

UBND tỉnh Lào Cai đã có kế hoạch nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; thí điểm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi với mục tiêu là duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi ở 100% số xã, phường, thị trấn và 9 huyện, thị xã, thành phố.

Để đảm bảo kế hoạch, tỉnh đã đặt ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Trước hết đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức; Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; đổi mới công tác quản lý. Mặt khác, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện mạng lưới, quy hoạch không gian, phát triển quy mô trường, lớp học.

Việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cũng được đặt ra bên cạnh đối mới nội dung chương trình, phương pháp, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục toàn diện; Tỉnh cũng sẽ thực hiện chương trình giáo dục mầm non sau sửa đổi. Đẩy mạnh công tác XHH giáo dục và xây dựng cơ chế chính sách. Chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế...

Với Hưng Yên, ông Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, Sở đã tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán trực tiếp tham dự các đợt tập huấn do Bộ GD&ĐT tổ chức; đồng thời tổ chức tập huấn tại tỉnh. Trong đó, tập huấn hướng dẫn thực hiện một số nội dung sửa đổi, bổ sung của Chương trình giáo dục mầm non đối với 100 % cán bộ quản lý và giáo viên mầm non. Tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non đảm bảo chất lượng giáo dục mầm non.

Tỉnh và ngành Giáo dục đã dành nguồn lực đầu tư cho giáo dục mầm non; nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non thông qua việc triển khai hiệu quả chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Sự đầu tư và quan tâm tích cực đối với giáo dục mầm non đã góp phần giúp tỉnh đạt mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

Đội ngũ giáo viên được không ngừng nâng cao chuyên môn đáp ứng tốt nhất đòi hỏi công việc.

Đội ngũ giáo viên được không ngừng nâng cao chuyên môn đáp ứng tốt nhất đòi hỏi công việc.

"Toàn quốc đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi vào năm 2017. Hàng năm, các địa phương tiếp tục duy trì kết quả đạt chuẩn và bổ sung các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất để đảm bảo tính bền vững. Việc thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi đã tạo cơ chế, động lực để phát triển giáo dục mầm non.

Các địa phương cần tiếp tục quan tâm đến nguồn lực góp phần nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non. Đồng thời, các địa phương cần chú trọng công tác quy hoạch, phát triển mạng lưới trường lớp; đầu tư cơ sở vật chất để đảm bảo các điều kiện duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo…", ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD&ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.