Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh và những thông điệp thời đại

GD&TĐ - Bộ phim 'Bao giờ cho đến tháng Mười' (1984), được CNN bầu chọn là 1 trong 18 bộ phim châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh tại hiện trường làm phim. Ảnh: ITN
Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh tại hiện trường làm phim. Ảnh: ITN

“Bao giờ cho đến tháng Mười

Lúa chín trên cánh đồng giông bão

Ta để lại sau lưng những ngày dài mong đợi

Những mất mát, hy sinh, chịu đựng, khổ đau

Khi trời Thu vẫn xanh mãi trên đầu”.

Những câu thơ trong phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” đã được đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh đọc lên khi nhận Giải thưởng Lớn của Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2023.

Chạm tới những vấn đề của cuộc sống

Năm 2022, bộ phim “Hoa nhài” của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh được chọn chiếu khai mạc Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ 6. Từ rất sớm, phòng chiếu lớn tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đã chật kín khán giả. Ban tổ chức phải mở thêm một phòng chiếu nữa.

Người xem chăm chú dõi theo phim và xúc động khi vị đạo diễn già với cái chân đau tập tễnh cùng đoàn làm phim xuất hiện trên sân khấu. Chi tiết ấy chứng tỏ dù đã lâu không làm phim nhưng tên tuổi của Đặng Nhật Minh vẫn có sức hút mạnh mẽ đối với người yêu điện ảnh trong nước.

“Hoa nhài” cũng được NSND Đặng Nhật Minh chuyển thể từ truyện ngắn của ông, tái hiện cuộc sống của một bộ phận người dân quê lên thành phố sinh sống, lập nghiệp, gắn bó với những công việc mưu sinh thường nhật như bán hàng, đánh giầy, cắt tóc.

Công cuộc đô thị hóa tác động trực tiếp tới họ, xô đẩy họ càng ngày càng phải lùi xa thành phố. Song dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì những thân phận “bên lề” ấy vẫn nhận được sự chia sẻ, đùm bọc, giữ cho mình sự thiện lương trong sáng.

Poster phim 'Hoa nhài'. Ảnh: ITN.

Poster phim 'Hoa nhài'. Ảnh: ITN.

“Hoa nhài” được thực hiện với sự tối giản về kịch bản cũng như kinh phí. Không có xung đột kịch tính. Không có những cảnh quay phức tạp tốn kém.

Dàn diễn viên nhiều người là nghiệp dư. Nhận xét một cách thẳng thắn thì “Hoa nhài” không phải bộ phim xuất sắc. Song đó vẫn là một tác phẩm chuẩn phong cách và tinh thần Đặng Nhật Minh, từ cách kể chuyện, xây dựng nhân vật, những chi tiết giàu dụng ý cùng thông điệp hàm ẩn.

Thông điệp luôn là yếu tố then chốt mà vị đạo diễn kỳ cựu này muốn thể hiện. Một tác phẩm phải chạm tới những vấn đề của cuộc sống, chuyển tải những thông điệp thời đại, gắn với số phận con người, số phận dân tộc.

“Thị xã trong tầm tay” là bộ phim đầu tiên ghi dấu đậm nét cá tính sáng tạo Đặng Nhật Minh với tư duy điện ảnh hiện đại, giàu chất thơ. Phim lấy bối cảnh thị xã Lạng Sơn đổ nát sau cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc.

Nhà báo Vũ (NSƯT Tất Bình) theo chuyến tàu từ Thủ đô lên đây để tìm hiểu tình hình địa phương sau giải phóng. Những kỷ niệm xưa trở về day dứt trong anh, với mối tình đầu trong trẻo, với người con gái mà anh yêu thương.

“Thị xã trong tầm tay” được kể với ngôn ngữ tuyến tính, truyện lồng trong truyện, quá khứ và hiện tại đan xen, tính cách và nội tâm nhân vật được khai thác đa chiều. Cảm giác bất ổn, hụt hẫng, tiếc nuối được thể hiện trọn vẹn với nhiều cung bậc sắc thái.

Vì lo ngại lý lịch của người yêu có thể làm ảnh hưởng đến tương lai sự nghiệp của mình nên Vũ đã lặng lẽ rời bỏ Thanh (NSƯT Quế Hằng). Cuộc sống thành thị cũng làm anh lãng quên cô. Chỉ đến khi lên chuyến tàu trở lại Lạng Sơn, quá khứ trở lại, bắt buộc anh phải đối diện.

Thời điểm năm 1983, khi cảm hứng anh hùng ca, cảm hứng sử thi vẫn đậm nét trong văn học nghệ thuật, với các tác phẩm thiên về phản ánh ngợi ca một chiều, “chủ nghĩa lý lịch” được coi trọng và con người cá nhân bị coi nhẹ thì “Thị xã trong tầm tay” thực sự là tiếng nói mới, tiếng nói khác, giãi bày cái bên trong nhiều bất ổn.

Chỉ khi chúng ta đủ dũng cảm đối diện với bên trong con người mình, nhận diện, mổ xẻ và thay đổi, thì cuộc sống mới phát triển. Trong dáng dấp một câu chuyện tình yêu, “Thị xã trong tầm tay” hàm ẩn những thông điệp lớn, giàu ý nghĩa đến tận bây giờ.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh nhận Giải thưởng Bùi Xuân Phái 2023. Ảnh: ITN.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh nhận Giải thưởng Bùi Xuân Phái 2023. Ảnh: ITN.

Vừa kiên định vừa mềm dẻo

Một năm sau bộ phim này, Đặng Nhật Minh lại có màn trình diễn xuất sắc trong “Bao giờ cho đến tháng Mười” (1984). Sau gần 40 năm, đây vẫn là bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt, được CNN bầu chọn là 1 trong 18 bộ phim châu Á xuất sắc nhất mọi thời đại.

Một bộ phim về chiến tranh và hậu chiến khai thác những bão giông trong lòng người, khát khao về tình yêu - hạnh phúc, nỗi cô đơn thầm lặng đớn đau nơi hậu phương. Tất cả được thể hiện dồn nén, hàm súc và khắc khoải không ngừng.

“Bao giờ cho đến tháng Mười” đã trải qua nhiều lần chỉnh sửa, cắt bỏ theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định, bởi chỗ này chỗ kia bị nhận xét là chưa phù hợp về nội dung cũng như cách thể hiện. Nhưng tinh thần chung của bộ phim không thay đổi.

Nỗi đau của gia đình Duyên (NSƯT Lê Vân đóng) cũng là nỗi đau của hàng triệu gia đình có người thân hy sinh nơi chiến trường. Số phận của Duyên cũng là số phận của hàng triệu phụ nữ Việt Nam luôn nén chịu, hy sinh, coi hạnh phúc của người thân yêu là hạnh phúc của mình.

Thành công của “Bao giờ cho đến tháng Mười” đưa đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh đến Paris. Đại sứ quán Pháp cấp học bổng cho ông sang tu nghiệp tại Pháp một năm. Đây là khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa, tiếp tục mở ra trong ông những miền không gian mới.

Trở về nước, ông bắt tay vào kịch bản “Cô gái trên sông” như một món nợ cần trả cho xứ Huế quê hương. Đặng Nhật Minh viết trong hồi ký: “Cô gái trong kịch bản chính là cô gái trong bài thơ của nhà thơ Tố Hữu: Tiếng hát sông Hương. Cô gái đó tượng trưng cho nhân dân khổ đau hy vọng vào một ngày mai tươi sáng, hết lòng che chở cho cách mạng”.

Và cô gái ấy đã bị chính người của cách mạng - người đàn ông cô yêu thương chờ đợi - phũ phàng gạt bỏ, lãng quên, thậm chí là bội bạc. Đất nước thống nhất, anh trở thành người có địa vị quan trọng của thành phố, có một gia đình sung túc đuề huề, nhưng anh trốn tránh cô, phủ nhận cô, như chưa từng quen biết gắn bó.

Cô gái sông Hương năm xưa bị tước đoạt cả niềm hy vọng mà vì nó cô đã cố gắng để sống, để vượt qua quá khứ khổ đau, quyết tâm làm lại cuộc đời, chờ đợi người mình yêu.

Một cảnh trong phim 'Cô gái trên sông'. Ảnh: ITN.

Một cảnh trong phim 'Cô gái trên sông'. Ảnh: ITN.

“Cô gái trên sông” phần nào tiếp nối thông điệp về lý tưởng, về tình yêu và sự phản bội đã được thể hiện ở “Thị xã trong tầm tay”. Tiếp nối và thể hiện rõ ràng hơn, mạnh mẽ hơn, trong một cốt truyện nhuần nhụy kín đáo. Thời điểm ra rạp, phim đã tạo hiệu ứng lớn.

Theo những người trong cuộc, doanh thu của bộ phim đủ trang trải kinh phí cho Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 8 tổ chức tại Đà Nẵng. Liên hoan phim lần ấy, tác phẩm chỉ được trao Bông sen bạc, nhưng sự mới mẻ về nội dung và hình thức thể hiện là điều mà cả giới làm phim và khán giả nhiều năm sau vẫn không quên.

Bộ phim đánh dấu một trong những tác phẩm khởi đầu của thời kỳ đổi mới văn học nghệ thuật, gợi mở nhiều suy ngẫm về mô-típ nhân vật người anh hùng, lý tưởng và vụ lợi, đạo đức của người cách mạng và sự giả dối, những đồng cam cộng khổ trong kháng chiến và tâm lý hưởng thụ, chạy theo danh lợi thời bình…

Có thể nói, tiếng nói trí thức trong phim Đặng Nhật Minh vừa kiên định vừa mềm dẻo, đồng thời luôn bắt kịp với nhịp thở đời sống của dân tộc trong thế kỷ 20 và những năm đầu bước sang thế kỷ 21. Đất nước thống nhất nhưng súng vẫn nổ nơi biên giới, hậu phương khó khăn kiệt quệ về kinh tế, hàng triệu gia đình “bão thổi chưa ngưng trong những vành tang trắng”*.

Đến khi bước vào thời kỳ đổi mới, mở cửa và hội nhập kinh tế, thì tình thế con người dường như cũng phân chia trăm ngả, nỗi đau cũ chưa nguôi lại phải đối diện với những đổi thay mới. Sự bình yên trong tâm hồn bị phá vỡ. “Thương nhớ đồng quê”, “Trở về”, “Mùa ổi” tiếp tục những trăn trở này.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh bộc bạch: “Nếu phim không có thông điệp thì coi như không có tư tưởng, mà tính tư tưởng rất quan trọng. Nghệ thuật phải có tư tưởng. Không có tính tư tưởng là gay lắm. Tính tư tưởng cũng không phải do mình nghĩ ra được mà phải trải nghiệm, cảm nhận trong đời sống, đúc kết lại, thể hiện qua những hình tượng nghệ thuật”.

Ông kiên định với quan điểm chỉ làm những bộ phim mà ông thực sự tâm huyết, không chạy theo mối quan tâm hay theo yêu cầu của người khác. “Có một dạo tất cả đổ xô vào Nam làm phim về thành phố, nhất là sau khi Sài Gòn được giải phóng, với hy vọng bối cảnh đô thị lạ lẫm xa hoa sẽ hấp dẫn người xem.

Thế thì tôi ngược lên Lạng Sơn, làm phim “Thị xã trong tầm tay”. Khi người ta làm về thành phố tôi lại làm về nông thôn, như phim “Bao giờ cho đến tháng 10”, “Thương nhớ đồng quê”. Khi người ta về nông thôn tôi lại ra thành phố, như “Mùa ổi”, “Trở về”. Tôi không bao giờ lặp lại mình, cũng không a dua theo trào lưu nào cả. Cảm xúc của chính tôi dẫn dắt cho tôi làm phim”.

Làm phim để chuyển tải những thông điệp đời sống. Làm phim để nói tiếng nói của người trí thức trước thời đại. Làm phim để khẳng định cái đẹp, cái thiện, cái nhân văn cao cả. Đó là những giá trị mà đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh luôn hướng đến, trong hành trình nửa thế kỷ gắn bó cùng nghệ thuật thứ 7. Trong hành trình ấy, có không ít khó khăn cần một bản lĩnh và tài năng lớn để vượt qua. Hành trình ấy cũng không ít cô đơn. Song cô đơn cũng là mảnh đất để nảy mầm cho sáng tạo nghệ thuật.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh nhận Huy chương Hiệp sĩ Văn học Nghệ thuật do Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam trao tặng. Ảnh: ITN.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh nhận Huy chương Hiệp sĩ Văn học Nghệ thuật do Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam trao tặng. Ảnh: ITN.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh sinh năm 1938 tại Huế trong một gia đình trí thức lớn, trưởng thành và lập nghiệp tại Hà Nội.

Tên tuổi ông gắn với những bộ phim xuất sắc của điện ảnh nước nhà, như: “Thị xã trong tầm tay”, “Bao giờ cho đến tháng 10”, “Cô gái trên sông”, Thương nhớ đồng quê”, “Mùa ổi”… Các tác phẩm điện ảnh do ông viết kịch bản và đạo diễn luôn có một giọng điệu riêng, tinh tế, hàm súc, chuyển tải những thông điệp thời đại gắn với số phận của dân tộc, của nhân dân.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh nhiều lần được nhận các giải thưởng lớn tại các kỳ liên hoan phim trong nước, giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam, giải thưởng tại một số liên hoan phim quốc tế.

Một tờ báo Mỹ có bài viết về ông với nhan đề “Nhà ngoại giao con thoi của điện ảnh Việt Nam”, bởi qua các tác phẩm của ông, bạn bè thế giới hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam với những vẻ đẹp của lịch sử và chiều sâu văn hóa.

__________

(*) “Bão thổi chưa ngưng trong những vành tang trắng”: Thơ Trần Đăng Khoa .

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.