Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh: Thích ứng với nhiều đề tài

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh: Thích ứng với nhiều đề tài

(GD&TĐ) - Tên tuổi đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh đã quá quen thuộc với người xem phim Việt Nam suốt mấy chục năm qua, và đã vượt ra khỏi phạm vi những bộ phim đơn thuần, trở thành gương mặt tiêu biểu của một phong cách nghệ thuật không dễ lẫn.

Một trong những điều làm nên các bộ phim đặc sắc của điện ảnh Việt Nam những năm 80 - 90 của thế kỷ trước là chất liệu văn học từ những truyện ngắn do chính Đặng Nhật Minh viết. Đây là những truyện ngắn được ông viết ra vào những thời kỳ khác nhau xen kẽ với công việc chính là đạo diễn phim. Nhiều truyện ngắn trong các tập truyện đã xuất bản khi có cơ hội được chính ông chuyển thể thành phim. Đối với ông, không có một sự tách biệt giữa sáng tác điện ảnh hay viết văn. Mỗi truyện ngắn viết ra, ông quan niệm đó là những bộ phim trên giấy. Bởi vậy, độc giả có thể nhận thấy nhiều yếu tố điện ảnh trong các truyện ngắn vốn giàu hình ảnh và sức gợi của ông.

Những câu chuyện của Đặng Nhật Minh là sự đan xen xung đột giữa  vị kỷ và bao dung, giữa di sản của quá khứ và trách nhiệm của hiện tại. Ông có khả năng thích ứng với đủ đề tài từ nông thôn, truyền thống (Bao giờ cho đến tháng Mười) cho đến thành thị (Ngôi nhà xưa, Tin đồn); từ chiến tranh, lịch sử (Gặp gỡ ở cửa rừng, Thị xã trong tầm tay); cho đến đời sống đương đại (Trở về, Nước mắt khô)...

Điều đặc biệt là các sáng tác của Đặng Nhật Minh vẫn nằm trong cảm hứng trữ tình có màu sắc sử thi nhưng vẫn ánh lên những nét bàng bạc tinh tế, để khi lên màn ảnh, vẫn đứng lại được với công chúng. Chất trữ tình của Đặng Nhật Minh dẫn dắt người đọc ở những hình tượng giàu chất điện ảnh, được "tắm" trong cảm xúc nhân hậu, để cho họ đồng cảm với số phận những người phụ nữ Việt Nam đầy thiệt thòi, hay những người trí thức lạc thời mãi ngẩn ngơ giữa cuộc sống ầm ào.

Nhiều câu chuyện được viết bằng một giọng văn có phần cổ điển, mộc mạc nhưng có những cái tứ ám ảnh về sự hi sinh chịu đựng, về cái xấu không lộ mặt... Cho đến cái hèn trong những nhân vật trí thức không dám đối diện với hậu quả mình gây ra. Cuộc diễu hành chầm chậm của những điều gai góc khiến người đọc phải nhập cuộc.

Với vốn văn hoá được thừa hưởng từ truyền thống gia đình (cha là GS.BS - Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ), biết nhiều ngoại ngữ, khả năng nhạy bén với nghệ thuật, lại sống trong giai đoạn sôi động của điện ảnh nước nhà một thời, nên dù không được đào tạo điện ảnh chính quy, ông vẫn chinh phục được nghệ thuật thứ bảy một cách ấn tượng.

Những truyện ngắn và kịch bản văn học của Đặng Nhật Minh đã nhận được nhiều đánh giá cao: Giải Ba cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ 1980 (Thị xã trong tầm tay), kịch bản xuất sắc nhất (Bao giờ cho đến tháng Mười).

Đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh sinh năm 1938 ở Huế. Ông học tại trường Thiếu nhi Việt Nam ở Trung Quốc, sau đó được cử sang Liên Xô học tiếng Nga. Trở về nước ông làm phiên dịch Nga văn tại Phát hành phim Trung ương, chuyên dịch lời thoại trong các phim của Liên Xô. Năm 1969 ông chuyển sang làm đạo diễn phim tài liệu, sau đó là phim truyện. Ông được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Giải thưởng phim: “Thị xã trong tầm tay” giành giải Bông sen Vàng tại LHP VN lần thứ VI, năm 1983; “Bao giờ cho đến tháng Mười” giành nhiều giải thưởng lớn: Bông sen Vàng LHP VN lần thứ VII, năm 1985 và giải đạo diễn xuất sắc cho Đặng Nhật Minh; Giải thưởng đặc biệt của BGK tại Liên hoan phim Quốc tế Hawaii năm 1985; là 1 trong 18 phim châu Á hay nhất mọi thời đại do kênh truyền hình CNN bầu chọn năm 2008...

Đài Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ