Dự án Luật Thư viện sẽ thúc đẩy văn hóa đọc?

GD&TĐ - Cho ý kiến về dự án Luật Thư viện, sáng nay (13/3), các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận sôi nổi về văn hóa đọc.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Luật cần quy định rõ về thư viện trong hệ thống trường học

Khẳng định cần thiết phải ban hành Luật Thư viện để thúc đẩy văn hóa đọc, Đại biểu Trần Văn Túy - Trưởng Ban công tác đại biểu dẫn giải: Theo báo cáo, văn hóa đọc đang suy giảm.

"Chúng tôi rất quan tâm đến việc trang bị sách này ở xã ai đọc. Nhiều khi tủ sách pháp luật của Bộ Tư pháp trang bị để trong phòng Chủ tịch hoặc văn phòng Ủy ban xã, dân không tiếp cận được" - đại biểu Trần Văn Túy nêu thực trạng, đồng thời đề nghị:

Trong Luật cần quy định rõ về thư viện trong hệ thống trường học, viện nghiên cứu, trường đại học, trường phổ thông. Đây là những đối tượng rất quan trọng. Đồng thời cần số hóa các sách và tài liệu.

Tôi tán thành xây dựng dự án Luật Thư viện, Đại biểu Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội bày tỏ tâm đắc với mục đích xây dựng Luật. Qua đó, để người dân có nhiều cơ hội dễ dàng tiếp cận thông tin và đặc biệt là số người đọc sách tăng, góp phần xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.

Thư viện truyền thống vẫn phải tồn tại

Đại biểu Nguyễn Thúy Anh dẫn giải, nhìn ra thế giới thì thấy, trong một số báo cáo về việc đọc sách, người ta cũng nói số người đọc sách thư viện có xu thế giảm. Đọc qua thư viện số, đặc biệt qua google các trang sách đã được scan thì số lượng tăng, thời gian họ đọc lâu hơn.

Họ đặt ra vấn đề phải chăng đây là dấu hiệu của sự suy giảm hay khởi đầu mới cho các thư viện, vai trò của thư viện trong thu thập và phổ biến thông tin.

Hiện nay, có một thách thức với thư viện là số lượng người đọc giảm, còn tăng số người sử dụng thư viện số. Thực trạng này cần có đánh giá, định hướng trong xây dựng Luật Thư viện này.

"Dù không có số liệu thống kê ở đây nhưng qua thực tiễn quan sát tôi thấy, thư viện cộng đồng đang phát triển, nó đáp ứng nhu cầu của người dân gần cộng đồng đó hơn.

Trong này chúng tôi thấy cần đề cập đến thư viện cộng đồng và cần phát triển trong tương lai, nhất là khi Bộ Văn hóa thể thao và du lịch cũng nhận trách nhiệm xây dựng hướng dẫn, triển khai mô hình thư viện, phát triển văn hóa đọc, phục vụ học tập suốt đời" - đại biểu Nguyễn Thúy Anh trao đổi.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, dù cuộc cách mạng công nghệ 4.0 có phát triển đến đâu thì thư viện vẫn phải tồn tại, đó là nơi đọc sách, tra cứu thông tin, nơi nghiên cứu những tài liệu phục vụ học tập, nghiên cứu và nâng cao tri thức. Do đó, nhu cầu văn hóa đọc cần phải tiếp tục, phải có trách nhiệm để làm sao cho dân Việt Nam nâng cao văn hóa đọc của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ