Đánh thức ký ức đẹp nhất về nghề giáo

GD&TĐ - Câu chuyện về các thầy cô giáo vùng cao luôn là hiện thân của những hình ảnh trong sáng, đẹp đẽ nhất của nghề dạy học.

Nhà báo Thái Bá Dũng tác nghiệp tại vùng lũ Nam Giang – Quảng Nam dịp bão số 9 vừa qua. Ảnh: NVCC
Nhà báo Thái Bá Dũng tác nghiệp tại vùng lũ Nam Giang – Quảng Nam dịp bão số 9 vừa qua. Ảnh: NVCC

Tắk Pổ và hai cô giáo nơi đỉnh Ngọc Linh trong tác phẩm của nhà báo Thái Bá Dũng cũng xuất hiện đầy dung dị, lung linh và thanh khiết. Loạt bài viết “Cuộc cách mạng giáo dục ở Kỳ Sơn” cho thấy nỗ lực của ngành cũng như đội ngũ nhà giáo trong việc nâng cao chất lượng GD.

Xúc cảm từ một lễ khai giảng đặc biệt

Trải lòng về câu chuyện tác nghiệp của phóng viên Giáo dục, tác giả Thái Bá Dũng, Báo Tuổi Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, chủ nhân tác phẩm “Lễ khai giảng xúc động trên đỉnh Ngọc Linh” cho biết: Tôi may mắn vì có 12 năm làm phóng viên thường trú ở Tây Nguyên và hiện về làm việc tại TP Đà Nẵng. Những bản làng vùng xa luôn là kho đề tài, đầy ắp những câu chuyện sống động. Câu chuyện của người trẻ, xuất hiện ở điểm khó khăn hoang vu nhất cho thấy từng ngày, từng giờ có những ngọn lửa đang được thắp sáng lên để đưa sứ mệnh trồng người, dạy chữ đến với mọi miền đất nước.

Nhà báo Thái Bá Dũng kể: “Đầu năm học, tôi vẫn hay đưa con đi dự Lễ khai giảng. Không phải vì quá chu toàn cho con cái mà muốn được thấy ngành Giáo dục, thầy cô giáo đang nỗ lực và chăm chút cho thế hệ tương lai, con cháu mình như thế nào. Cũng trong buổi sáng khai giảng 5/9/2019, khi mở điện thoại lên tôi đã “sởn gai ốc” khi thấy một đám trẻ tóc khét nắng, ngồi chồm hổm trên nền đất nhão nhoẹt. Chúng ngước mắt lên một cách hồn nhiên để theo dõi “thần tượng” của mình là một cô giáo trẻ đang cầm tờ giấy đọc Thư chúc mừng khai giảng năm học mới của Chủ tịch nước. Bức ảnh ấy thật đẹp, không phải nằm ở bố cục mà những gì có trong đó: Học trò lem luốc, hồn nhiên, cô giáo trẻ trong bộ áo dài xinh xắn, sân khấu được trang trí đầy đủ hoa rừng, ảnh Bác Hồ, bảng chào đón năm học mới… Đó thực sự là một lễ khai giảng, nhưng tôi tin chắc rằng lũ trẻ ngồi ở đó chúng chỉ quan tâm tới cô giáo đang cố hết sức tổ chức cho mình một buổi lễ thật ấm cúng. Chừng đó thôi với người làm báo như tôi cũng đủ gợi lên bao tình yêu thương, cảm xúc và tôi đã quyết tâm chuyển tải nguyên bản như những gì có ở buổi khai giảng đó tới bạn đọc.

Tôi run run những ngón tay khi cố gõ bản tin và đính kèm những tấm ảnh về lễ khai giảng đó. Liệu xúc cảm của mình có sai không khi quá mong chờ sẽ có đông đảo bạn đọc cùng run lên khi thấy buổi lễ khai giảng này như tôi? Nhưng mọi chuyện vượt quá những gì tôi nghĩ. Khi bản tin về lễ khai giảng được đăng, buổi lễ đó giống hệt những gì có trong các bài hát về lễ khai giảng như “ngày đầu tiên đi học”, “trường của em be bé, nằm lặng giữa rừng cây”. Những gì có ở Tắk Pổ thậm chí còn đẹp và trong trẻo hơn cả mọi diễn đạt bằng ngôn từ đã có.

Tôi vui một phần vì câu chuyện của mình, rất gọn ghẽ về lễ khai giảng được bạn đọc cả nước đón nhận, cộng đồng mạng như lên cơn sốt với bộ ảnh và lễ khai giảng đó. Nhưng là người yêu giáo dục và thương quý các thầy giáo như chính người thân của mình, tôi cảm thấy hạnh phúc vì đâu đó trong mỗi con người chúng ta, tình yêu và lòng tôn sùng, kính ngưỡng nghề giáo dường như vẫn vẹn nguyên. 

Phóng viên Trịnh Chí Hải đang tác nghiệp.
Phóng viên Trịnh Chí Hải đang tác nghiệp.  

Cuộc thi giúp chúng tôi trăn trở hơn với nghề

Loạt bài viết “Cuộc cách mạng giáo dục ở Kỳ Sơn” lọt vào danh sách tác phẩm đoạt giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam 2020” là niềm vui lớn đối với nhóm tác giả của Báo Nghệ An.

Phóng viên Hoàng Mỹ Hà đại diện nhóm tác giả cho biết: Xuất phát từ thực tế Phòng GD&ĐT Kỳ Sơn (huyện Kỳ Sơn) triển khai bồi dưỡng đại trà cho giáo viên tiểu học, THCS. Mặc dù xét về bằng cấp, giáo viên của Kỳ Sơn (Nghệ An) đều đạt chuẩn và trên chuẩn. Nhưng trình độ giáo viên trên thực tế chưa tương xứng với bằng cấp, không đáp ứng kịp yêu cầu đổi mới giáo dục. Vì vậy, ngành Giáo dục huyện đã rà soát lại chất lượng giáo viên tổ chức bồi dưỡng kiến thức phổ thông cấp học cho những người chưa đạt yêu cầu.

Việc bồi dưỡng lại kiến thức thường được tổ chức tập trung vào thứ 7, Chủ nhật và  dịp hè. Ngoài ra, phòng GD&ĐT cũng gửi đề cương cho giáo viên tự bồi dưỡng và viết bài thu hoạch. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp một số ý kiến cho rằng, việc làm của Phòng GD&ĐT Kỳ Sơn gây áp lực cho giáo viên.

Phóng viên Hoàng Mỹ Hà cùng 2 đồng nghiệp là Nguyễn Thành Chung và Nguyễn Kỷ Đức Anh đã thực hiện chuyến công tác tại Kỳ Sơn để tìm hiểu rõ thực tế. Nhóm tác giả chia sẻ: Trong quá trình thực hiện bài viết đã trực tiếp gặp nhiều nhân vật là giáo viên dạy học, cắm bản nhiều năm. Có người thừa nhận áp lực, không đáp ứng được việc bồi dưỡng. Nhưng cũng có người nhờ bồi dưỡng trở nên tự tin hơn, năng lực chuyên môn tốt, thậm chí còn được giao bồi dưỡng học sinh giỏi sau đó.

Nhóm cũng phỏng vấn lãnh đạo huyện và Phòng GD&ĐT Kỳ Sơn. Theo đó, dù biết có áp lực, khó khăn cho một số giáo viên, nhưng huyện vẫn quyết tâm thực hiện bồi dưỡng đại trà như một cuộc cách mạng. Huyện cũng đưa ra những giải pháp để giải quyết vướng mắc, bất cập cho giáo viên khi triển khai bồi dưỡng. Loạt bài cũng có ý nghĩa tuyên truyền, giúp giáo viên trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, Nghệ An hiểu rõ chủ trương của huyện và ngành Giáo dục. Mục tiêu lớn nhất là cải thiện chất lượng đội ngũ giáo viên, qua đó nâng cao chất lượng dạy học tại huyện miền núi này.

Đây là chuyên đề được thực hiện công phu với sự tham gia của cả 3 phóng viên nhiều năm theo dõi lĩnh vực giáo dục – văn hóa của Báo Nghệ An. Vì vậy, nhóm quyết định gửi dự giải báo chí “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2020.

Phóng viên Hoàng Mỹ Hà chia sẻ: “Giáo dục cũng là lĩnh vực được nhiều cơ quan báo chí quan tâm, theo dõi, có không ít bài viết hay, xuất sắc. Vì vậy, khi nhận tin tác phẩm “Cuộc cách mạng giáo dục ở Kỳ Sơn” đoạt giải, tôi và đồng nghiệp cảm thấy rất vui và đáng trân trọng. Chúng tôi thấy tiếng nói của mình được ghi nhận, và có sự lan tỏa. Giải báo chí giúp chúng tôi thêm tự hào với nghề báo, tạo động lực để tiếp tục trăn trở, có thêm nhiều tác phẩm có ý nghĩa cho xã hội nói chung và sự phát triển của ngành Giáo dục nói riêng”.

Tâm huyết với GD vùng khó

Phóng viên Trịnh Chí Hải công tác tại Phòng Thời sự - Chuyên đề (Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Cà Mau), đến nay đã tròn 10 năm. Với anh, Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” là một diễn đàn lớn. Mỗi phóng viên theo dõi mảng Giáo dục sẽ được thử sức mình khi chọn những tác phẩm ưng ý nhất tham gia.

Là một người con của vùng đất mũi Cà Mau nơi có hệ thống kênh ngòi dày đặc, cũng từng có một tuổi thơ phải lụy đò, phóng viên Trịnh Chí Hải hiểu hơn những khó khăn của các em học sinh, khi mạng lưới giao thông đường bộ vẫn chưa về đến được nhiều địa bàn. Vùng cửa biển Giá Lồng Đèn xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) đặc biệt khó khăn khi không chỉ thiếu cầu, đường mà các em còn thiếu một chuyến đò an toàn, một nguồn chi phí ổn định để đi đò đến trường.

Chia sẻ về tác phẩm “Chuyến đò chở những ước mơ”, phóng viên Trịnh Chí Hải không giấu được niềm xúc động: Vào năm học 2017 - 2018, trong một dịp đi khánh thành điểm trường tại ấp Thuận Tạo (xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi) tôi phỏng vấn một học sinh sống ở vùng cửa biển và được biết lý do anh chị em phải bỏ học. Hỏi ra tại nơi em sống không có học sinh nào học qua lớp 5. Sau đó tôi nghĩ mình cần có trách nhiệm hơn với câu chuyện mà mình tình cờ phát hiện. Từ đó đến nay đã qua 4 năm, tôi luôn dõi theo các em đến trường. Vào mỗi đầu năm học mới, tôi đều vận động giúp trẻ em cửa biển trang trải 50% tiền đò thông qua chương trình “Chuyến đò an toàn cho học sinh cửa biển”. Đến nay tổng số hỗ trợ cho các em đã hơn 70 triệu đồng.

Qua những năm gắn bó, đồng cảm với các em học sinh, phóng viên Chí Hải quyết định chọn đề tài về những chuyến đò dự thi, đồng thời muốn thông qua diễn đàn của Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” để chia sẻ câu chuyện của học sinh vùng cửa biển. “Vì biết đâu đó sẽ có thêm những sự giúp đỡ đến với các em trong hành trình đến trường cho những năm học sau này”, phóng viên Trịnh Chí Hải chia sẻ.

Chỉ một lễ khai giảng đơn sơ nhưng hình ảnh của hai cô giáo trẻ tuổi mới đôi mươi tổ chức lễ khai giảng chu tất cho lũ trẻ vùng cao đã thật sự đánh thức bao ký ức đẹp đẽ, nguyên vẹn về nghề dạy học. Đó là sự dấn thân cao cả, tình yêu trong sáng, không bon chen nghĩ suy khi để mình đi vào những nơi xa xôi nhất để dạy chữ cho học trò. - Nhà báo Thái Bá Dũng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.