35 năm miệt mài chở những con đò trí tuệ với lớp lớp học trò trưởng thành dưới mái trường THCS Bình Đức, cô giáo Nguyễn Thị Tốt luôn cố gắng mang đến cái hay, cái đẹp và tính nhân văn của bộ môn Văn học đến với học sinh. Đam mê môn Văn và nghề dạy học từ nhỏ, cô tâm huyết dạy và truyền tri thức cho các thế hệ học sinh. Cảm xúc của nghề luôn đong đầy, là nguồn cảm hứng để cô viết ra các tác phẩm dự thi các cuộc thi viết của trường, của ngành.
Cô tâm sự: Tôi thường viết ra những cảm xúc thực từ nghề dạy học của mình chứ không đơn thuần là viết để dự thi. Vì vậy, đạt giải thưởng với tôi là một bất ngờ và kỷ niệm đẹp trong cuộc đời dạy học.
Cảm xúc ấy được cô gửi gắm vào tác phẩm “Cô giáo Văn”. Cô cho biết: Tác phẩm có hình bóng của tôi, của những học trò mà tôi từng dạy. Các em ở lứa tuổi mới lớn, đang muốn khẳng định bản thân, đôi khi còn chưa hiểu hết giá trị của việc học, của môn Văn nên có những cách cư xử chưa đúng mực. Điều này đòi hỏi người giáo viên phải có sự thấu cảm, chia sẻ và định hướng cho các em, để các em hiểu rằng học Văn không chỉ là máy móc vận dụng lý thuyết mà cần có niềm đam mê, sự sáng tạo và tìm tòi vốn sống. Thế thì bài Văn mới có xúc cảm, mang dấu ấn bản thân chứ không phải là bài viết sáo rỗng, tẻ nhạt…
Và khi cô trò gặp nhau ở một cảm xúc chung, một niềm đam mê mà gạt đi những “sự cố” trong quá trình dạy và học, thì đấy là những kỷ niệm sẽ khó quên với mỗi người.
Vẹn nguyên niềm đam mê với nghề dạy học, với môn Văn nên dù đã về nghỉ chế độ, cô giáo Nguyễn Thị Tốt vẫn tham gia dạy thỉnh giảng cho trường THCS Bình Đức. Cô chia sẻ: Thù lao không nhiều nhưng do nhu cầu của nhà trường và hơn nữa là do tình yêu nghề vẫn luôn “cháy” trong tôi nên tôi sẽ vẫn mang những vốn tri thức mình tích lũy được từ cả quãng đời dạy học để truyền lại cho các em học sinh, với mong muốn các em sẽ yêu môn Văn cũng như yêu cuộc sống tươi đẹp này…