Đánh thức cảm xúc học trò

GD&TĐ - Cô Lê Thị Na Sa, Trường Tiểu học Nghĩa Dũng (quận Ba Đình, Hà Nội) đã “đánh thức” trí tuệ cảm xúc qua trò chơi...

Học sinh trong tiết hoạt động trải nghiệm với bài “Có bạn thật vui” của cô Sa.
Học sinh trong tiết hoạt động trải nghiệm với bài “Có bạn thật vui” của cô Sa.

Giúp trò nói ra điều khó chịu

Hơn 10 năm công tác tại Trường Tiểu học Nghĩa Dũng, bên cạnh việc ươm mầm tri thức, cô Sa luôn ấp ủ mong muốn phát triển trí tuệ cảm xúc (EQ) để giúp học sinh có khả năng giao tiếp tốt, tự tin xử lý các vấn đề trong cuộc sống.

Theo cô Sa, trong xã hội ngày nay, trẻ em nhất là học sinh tiểu học thường gặp nhiều vấn đề về cảm xúc như quá nhút nhát, tự ti, dễ cáu giận hay đổ lỗi cho người khác. Khi trạng thái cảm xúc không tốt, trẻ không thể phát huy được hết năng lực của mình khiến kết quả học tập bị hạn chế. Từ đó, cô trăn trở tìm cách học hỏi và lập kế hoạch rèn chỉ số EQ cho học sinh ngay từ khi nhận lớp.

Cô Sa đồng thời xây dựng 4 biện pháp giúp học sinh phát triển chỉ số EQ. Cụ thể: Tạo cảm xúc tích cực cho học sinh trong mỗi giờ học; đánh thức trí tuệ cảm xúc của học sinh qua 8 tiêu chí ( tự tin tỏa sáng, nhận ra giá trị của gia đình, biết ơn và cảm ơn, lịch thiệp trong giao tiếp, chấp nhận sự khác biệt, tạm biệt cảm xúc khó chịu, xuyên qua nỗi sợ, nhận diện tình bạn đích thực); kết hợp với phụ huynh để phát triển trí tuệ cảm xúc cho trẻ; đánh giá, ghi nhận kết quả học sinh đạt được trong quá trình rèn luyện EQ.

Ở mỗi biện pháp, cô Sa đều tổ chức các trò chơi nhằm khơi gợi cảm xúc cho học trò. Đơn cử, tổ chức trò chơi vẽ tranh, giải ô chữ, bắt cơn tức giận, mình biết ơn… giúp học sinh có kỹ năng làm chủ cảm xúc, biết tự giải quyết vấn đề. Hay hoạt động thiết kế phiếu chia sẻ, phiếu bày tỏ, phiếu khảo sát giúp trẻ tự đánh giá bản thân và bày tỏ thái độ… Dần dần, học sinh trở nên tự tin, mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ, biết lắng nghe và chia sẻ với người khác.

Học sinh hào hứng trong tiết học sáng tạo của cô giáo Lê Thị Na Sa.

Học sinh hào hứng trong tiết học sáng tạo của cô giáo Lê Thị Na Sa.

Sáng tạo trong từng bài giảng

Để khơi nguồn cảm hứng học tập cho học trò, cô Lê Thị Na Sa thường xuyên thức đêm soạn giáo án, tìm phương pháp dạy học mới, đưa lời giảng dí dỏm vào bài dạy, tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm...

Cụ thể, cô đã lồng ghép phần mềm học tập như Quizizz, Kahoot, Blooket… vào bài giảng để học sinh “học mà chơi, chơi mà học”. Qua đó, giúp trò tiếp thu kiến thức nhanh hơn, tạo không khí học tập vui vẻ, kết quả học tập nâng lên từng ngày. Nhiều học sinh của cô Sa đoạt giải cao trong các cuộc thi: 3 giải Đấu trường Toán học; 18 giải Trạng nguyên Tiếng Việt cấp quận, thành phố...

Với Phương pháp dạy học sáng tạo, cô Sa trở thành một trong những giáo viên cốt cán của Phòng GD&ĐT quận Ba Đình. Đặc biệt, năm 2022, cô vinh dự dạy 1 tiết chuyên đề môn Tiếng Việt lớp 2. Với những sáng tạo đổi mới trong công tác, mới đây, cô Lê Thị Na Sa vinh dự là 1 trong 3 giáo viên được Phòng GD&ĐT quận Ba Đình đánh giá Xuất sắc với Giải thưởng “Nhà giáo Ba Đình tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 7 (năm học 2022 - 2023).

Cô Lê Thị Na Sa.

Cô Lê Thị Na Sa.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, cô Trương Thị Hiền Hoà - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Dũng cho biết, năm học 2022 - 2023, những lớp trong trường áp dụng phương pháp phát triển chỉ số EQ của cô giáo Lê Thị Na Sa bước đầu đã có kết quả đáng mừng.

“Nhờ phương pháp phát triển chỉ số EQ của cô Sa, học sinh trong trường có sự thay đổi rõ rệt. Các em hào hứng, tự tin, mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ, biết lắng nghe, chia sẻ với người khác, biết kiểm soát các cảm xúc tiêu cực. Đặc biệt, một số học sinh nhút nhát, tự ti đã mạnh dạn hơn, biết hỏi những điều mình còn băn khoăn, chưa hiểu. Một số em nóng tính, hay có thái độ thô lỗ với bạn đã biết điều chỉnh cảm xúc của bản thân, hòa đồng cùng các bạn trong các hoạt động chung” cô Hoà chia sẻ.

Bật mí về dự định sắp tới, cô Lê Thị Na Sa chia sẻ sẽ tiếp tục trau dồi, phấn đấu để có nhiều đổi mới và sáng tạo trong quá trình dạy học. “Tôi mong có thể giúp học sinh phát huy hơn nữa phẩm chất, năng lực của mình để trường học thực sự là ngôi nhà thứ hai của các em”, cô Sa tâm sự.

Mỗi khi nhận lớp mới, việc đầu tiên tôi làm không phải là kiểm tra trình độ mà là tìm hiểu hoàn cảnh của từng em để hiểu và có biện pháp giáo dục, giúp đỡ phù hợp. Tôi làm tất cả những gì có thể để giúp học sinh, từ việc tặng quyển vở, cái bút đến bảo hiểm y tế và vận động phụ huynh trong lớp ủng hộ các em…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ