Nhân dịp này, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Tổng cục phòng chống thiên tai, Ban chỉ huy Trung ương về phòng chống thiên tai và cứu nạn (Bộ NN&PTNT) tổ chức các hoạt động giáo dục về thiên tai thông qua các trò chơi dân gian cho thanh thiếu niên và cộng đồng tại Hà Nội.
Sáng kiến kết hợp giáo dục-giải trí sáng tạo này là một phần của chiến dịch "Trường học của Sơn Tinh" mà trẻ em và thanh thiếu niên là đối tượng được hướng đến.
Bà Caitlin Wiesen, Giám đốc quốc gia của UNDP cho biết: Mặc dù các trò chơi truyền thống và dân gian rất phổ biến ở Việt Nam nhưng giáo dục phòng chống thiên tai thông qua các phương pháp này vẫn còn mới.
Các sinh viên, thanh thiếu niên và học sinh sẽ được trang bị kiến thức và kỹ năng có thể cứu sống họ thông qua các trò chơi này.
Thanh thiếu niên và cộng đồng hào hứng với trò chơi và kiến thức thu thập được. |
Thiên tai đang diễn ra ngày một phổ biến và khắc nghiệt trên phạm vi toàn cầu.Theo Chỉ số rủi ro khí hậu trung bình dài hạn từ năm 1996 đến 2015, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia đứng đầu thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất do thiên tai.
Tháng 10 vừa qua, Việt Nam vừa chịu ảnh hưởng lớn từ trận mưa lũ bất thường và khó lường nhất trong nhiều năm qua. Hơn 50 người đã thiệt mạng, hàng chục người bị mất tích và bị thương.
Hàng nghìn ngôi nhà bị hư hỏng và cô lập do bão lũ. Cơn bão Damrey những ngày qua cũng gây thiệt hại nặng nề cho người dân tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định.
Việt Nam cũng là quốc gia từng trải qua các trận động đất mạnh có cường độ 6.7 - 6.8 richter trong quá khứ. Các nhà khoa học thuộc Viện Địa Vật lý đã dự đoán rằng bất kỳ trận động đất nào có cường độ 8,6 độ richter ở biển Đông có thể gây ra sóng thần cao từ 7 đến 10 mét dọc theo khu vực duyên hải Nam Trung bộ của Việt Nam, từ Quảng Nam đến Đà Nẵng.
Do vậy, quảng bá các hoạt động giáo dục cho trẻ em và công chúng trong việc phòng chống thiên tai là cần thiết. Qua các trò chơi dân gian, các em và cộng đồng không chỉ vui chơi mà còn có thể tìm hiểu kiến thức phòng chống thiên tai, Giám đốc quốc gia Live & Learn tại Việt Nam, bà Đỗ Vân Nguyệt chia sẻ.