Café chủ nhật:

Đánh thức bình minh

GD&TĐ - Tôi hay ngồi nhâm nhi ly cà phê mỗi buổi sáng bên ô cửa sổ, nơi đối diện nhà bên có cây nhãn với những dây leo tầm gửi chằng chịt.

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Chỉ còn chút xanh của lá nhãn, còn lại là màu vàng hủy diệt của tầm gửi dường như lấn át. Tôi se lòng khi bắt gặp những chiếc lá cuối cùng lìa cành sau mỗi trận gió ác. Cây nhãn ngày càng tiều tụy, còn tầm gửi thì mặc sức lộng hành! Những cành lá nhãn vàng úa, phơ phất thật đáng thương sao!

Chiều muộn, chủ nhà mới trở về trên chiếc xe tải chở hàng uể oải. Hai vợ chồng đi chợ xa buôn bán rau củ từ sáng sớm, hôm nào cũng tới tầm này mới về. Mấy đứa con ở nhà đi học hay đi đâu, ăn uống sinh hoạt thế nào, bố mẹ không hề hay biết. Họ chỉ quan tâm tới việc làm sao kiếm được thật nhiều tiền “để lo cho con ăn học”. Nhưng sự đời nhiều khi lại không đơn giản như người ta nghĩ...

Đứa con gái lớn mới học lớp 8 mà đã đua đòi trưng diện, học hành chểnh mảng. Thằng con trai học lớp 6 thì bò bướng nghịch ngợm hạng nhất nhì trong lớp, thầy cô nhiều phen phải đau đầu. Mấy lần, cô chủ nhiệm đã tới tận nhà để gặp bố mẹ nó nhưng thật khó, họ đã đi chợ từ sớm và hiếm khi có thời gian ở nhà…

Sáng ra, hai chị em chúng đi học kiểu “tùy nghi di tản” vội vàng có khi quên cả đóng cổng. Cô chị đi xe đạp điện còn thằng em đạp xe đạp. Nhiều lần, hai chị em tranh nhau cái xe điện, chúng cãi nhau om sòm inh tai nhức óc hàng xóm, ai đi qua cũng phải lắc đầu, chép miệng. Chiều nay, cũng như mọi chiều, bố mẹ chúng đã đi chợ về mà vẫn chưa thấy hai đứa con đâu. Nhưng vì mệt nên họ cũng chẳng để ý đi tìm. Một lát thằng em trở về mặt mày tướt tát, chắc lại mới gây gổ với ai đó trong đám bạn bè. Nó chạy xồng xộc vào nhà vênh váo, đã chẳng chào bố mẹ thì thôi lại còn hạch sách này nọ…

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Mãi tối thui, con chị mới về đầu tóc xõa xượi, mặt mũi bơ phờ... Nghe đâu mấy hôm trước ở trường có vụ bạo hành tập thể. Một tốp học sinh nữ rủ nhau ra phía bờ sông vắng xô xát mà nguyên nhân sự việc chỉ xoay quanh mấy vấn đề muôn thuở của lũ học trò lười nhác hư hỏng là yêu lăng nhăng, ganh ghét, cãi lộn rồi đánh nhau…

Tôi não lòng khi lại phải nghe tiếng rên rẩm của bà mẹ, tiếng cãi cọ của những đứa con. Rồi bỗng “choang” một tiếng, ông bố đập vỡ một cái gì đó và quát tháo...

- Bà dạy dỗ con bà thế hả, có đứa nào ra gì không? Lũ mất dạy!

Bà mẹ khóc nức nở vì nói mãi hai đứa con không nghe lời, lại còn bị chồng la mắng thậm tệ. Cơm vẫn chưa ai nấu, hai đứa con còn mải cãi nhau không phân thắng bại…

Ông bố đùng đùng chạy vào định lôi thằng em ra đánh một trận cho hả dạ nhưng nó đã nhanh chân chạy mất. Thấy con chị đang gào lên bên đống rau, nồi niêu xoong chảo, ông bố điên tiết tát cho nó một cái đánh “bốp”. Con bé lăn ra kêu khóc rầm trời…

Tôi lặng lẽ đi vào nhà trong để khỏi phải chứng kiến thêm cảnh tượng đau lòng đó. Nhưng không hiểu sao tâm trí không yên, tôi luôn bị ám ảnh bởi hình ảnh những dây leo tầm gửi với màu vàng hủy diệt của nó trên cây nhãn chấp chới đang mất dần đi sự sống. Tôi nghĩ về những đứa trẻ hỗn hào kia mà lòng bâng khuâng. Chúng không phải dây leo tầm gửi khi chúng vẫn còn là những đứa trẻ con.

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Đúng là chúng rất hỗn hào, lêu lổng nhưng vì đâu nên nỗi? Chúng đáng thương nhiều hơn đáng trách bởi lẽ ra chúng phải nhận được sự chăm sóc, giáo dục của cha mẹ hằng ngày hằng giờ nơi gia đình, tổ ấm. Nhưng, những đứa trẻ ấy có khi nào được bố mẹ chăm sóc hướng dẫn, chỉ bảo những điều hơn lẽ thiệt? Cuộc sống đầy rẫy những cạm bẫy và muôn vàn những điều phức tạp mà sự thật, những đứa trẻ ấy, chúng gần như hoàn toàn tự lập, tự bươn chải đường đời. Những bất trắc, rủi ro bởi cạm bẫy xã hội như bao cơn gió lạnh có thể ập tới bất cứ lúc nào.

Tôi đang nghĩ về những bậc làm cha, làm mẹ... lẽ ra họ phải là ánh sáng, giống như những ngọn đèn, “ngọn nến” rực rỡ, ấm áp trong tổ ấm gia đình với vô ngần tình yêu thương và trách nhiệm, để có thể chỉ bảo, giáo dục, động viên con trong mỗi công việc thường nhật, trong mỗi bước đường đời… Thực tế thì vẫn còn không ít những ông bố, bà mẹ chỉ vì lo kiếm tiền mà sao nhãng việc nuôi dạy con cái để dẫn đến hậu quả những đứa trẻ mất phương hướng, mất niềm tin vào cuộc sống, sống chỉ muốn hưởng thụ, vô trách nhiệm với gia đình và ngay chính bản thân mình.

Tôi day dứt khi chưa làm được điều gì giúp gia đình họ. Tôi nghĩ sẽ có lúc, tôi có thể giúp họ hiểu ra và nhìn lại chính mình về động cơ kiếm tiền, để những đồng tiền kiếm ra được sử dụng đúng mục đích, có ý nghĩa thiết thực. Và hơn thế nữa là phải dành nhiều thời gian cho con để không chỉ “nuôi” mà quan trọng là “dạy” chúng từ những điều nhỏ nhất trong cuộc sống, phải đánh thức bình minh trong đôi mắt chúng…

Ngoài kia, thời tiết đang giao mùa. Vừa hôm trước trời oi nồng hôm nay đã rét ngọt nàng Bân. Nhưng chắc chắn ngày mai, Mặt trời lại mọc, bình minh lên sẽ xua tan tăm tối mù sương. Con người cũng vậy, có thể thay đổi nếu giúp họ nhìn ra phương hướng và quy luật cuộc sống...

Tôi sẽ cùng mọi người xung quanh giúp họ gỡ những dây tầm gửi xuống để cây nhãn lại trở lại xanh tươi ra hoa kết trái. Những đứa trẻ đáng thương kia sẽ được cả gia đình, nhà trường và xã hội chung tay chăm sóc. Nhưng động cơ và trách nhiệm chính thuộc về những người cha người mẹ. Họ phải là những nguồn sáng dẫn đường cho bước chân thơ ngây, vụng dại của con cái!

Tôi đang nung nấu một kế hoạch... Và tôi đang nghĩ về những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với gia đình họ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.