Tản văn: Khoai mì mẹ trồng

GD&TĐ - Nhà có đám ruộng gò trước thổ (vùng đất cao, đất cát pha, chủ yếu để trồng màu).

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Ruộng làm lúa đành rồi; vậy nhưng cặp bên hông ruộng là cái bờ đất bự chảng. Bờ bỏ hoang, cỏ mọc rậm rịt, mọc lan xuống ruộng nhổ hoài không dứt. Mỗi bận đi làm, mẹ cứ ngắm đi ngắm lại cái bờ cỏ, nhăn trán nghĩ suy. Nghĩ chán chê xong mẹ đột ngột phán: Cuốc trồng mì thôi, để chi sinh cỏ lại còn phí đất…

Nói là làm. Mai, mẹ “điều động” cả nhà tới mỗi người một tay xúm cuốc đất dọn cỏ. Chuột bọ côn trùng trong đám “rừng” cây mắc cỡ lâu năm nghe động bổ ra, nháo nhào, lớp bay, lớp chạy trối chết. Đông người vậy cũng phải mất nguyên ngày mới “vỡ hoang” xong cái bờ đất. Mồ hôi ròng ròng nhưng nhìn thành quả kể cũng đáng công. Ai đi qua cũng dừng bước, tấm tắc: Ui, nhà bà Hai (là mẹ tôi) giỏi dữ. Có thêm đất trồng rồi…

Cái bờ đất rộng rinh sau khi dọn xong mẹ đem trồng mấy hàng mì. Đất mới, mì lên tốt rợp. Ngoảnh lại ngoảnh đi đã được bảy, tám tháng. Sắp vào mùa mưa. Những thân cây mì bắt đầu cằn cỗi, xuống lá. Nhổ thôi, mẹ bảo, không để mưa xuống mì “chạy bột”* hết. Còn hỏi, anh em chúng tôi chỉ chờ có vậy. Tinh mơ, cả nhà khệ nệ mang quang gánh thúng mủng kèm theo mấy cái cuốc. Thu hoạch khoai mì không đào mà nhổ.

Dùng cuốc dạt sơ lớp đất mặt xung quanh gốc cho đến lúc củ mì sắp ló dạng. Xong, ba đứng choãi chân, hai tay bấu chặt thân cây khoai mì ra sức nhún nhún. Ái dà, nặng quá, phải cần anh Hai xúm phụ. Bùng bục bùng bục, đất xung quanh gốc mì trồi lên sụt xuống, từ từ vỡ ra theo nhịp đẩy/ lôi của bốn cánh tay lực lưỡng.

“Rạo” một phát, gốc cây khoai mì cuối cùng cũng bật lên trên. Trời, lúc nhúc củ, củ nào củ nấy mập căng, dài hàng nửa mét! Đất tốt quá, ba quệt mồ hôi ròng ròng cười ngoác miệng. Mẹ đương nhiên mặt mày còn rạng rỡ hơn ba. Còn hỏi, cái dự án “vỡ hoang bờ đất trồng khoai” là do mẹ nghĩ ra mà!

Tranh minh họa Internet.

Tranh minh họa Internet.

Chỉ mỗi cái bờ đất ấy thôi mà nhổ tới mấy gánh khoai mì. Đang thời kinh tế khó khăn, số khoai mì “tăng gia” kia đã giúp gia đình đông miệng ăn như gia đình tôi đỡ biết bao nhiêu tiền gạo. Không lo ngán, bởi khoai mì có thể chế biến ra rất nhiều món. Thông thường nhất là nấu ăn tươi hoặc ghế cơm.

Cũng có thể chế biến thành thức ăn bằng cách đem dạt mỏng nấu canh tép hoặc tôm nêm lá hẹ. Vậy nhưng, “trường kì” ăn lâu ngán nhất vẫn là món bột khoai đem làm bánh, nấu chè; hoặc đơn giản chỉ là nhồi nước, ép thành bánh mỏng cho vào nồi hấp! Chế biến bột khoai mẹ tôi luôn chọn cách đơn giản, ít tốn thời gian lại đỡ “hao” khoai nhất: Khoai mì nhổ về được cạo sạch lớp vỏ nhám ngoài xong đem xắt lát, phơi khô. Khoai khô cho vào cối giã nát; dừng, rây nhiều lần để thu được bột khoai tương đối mịn.

Bột ấy còn sống có màu trắng nhưng đem làm bánh khi hấp chín sẽ ra màu sẫm nâu (do quá trình chế biến không lột bỏ lớp “vỏ lụa” bên ngoài củ khoai). Không sao, nâu đen chút thì vẫn cứ ngon. Bột khoai nhiều. Mẹ hết đem làm bánh yếm lại, chuyển sang bánh tét khoai mì nhân đậu. Bánh bột khoai mì ăn nhiều có hơi khó tiêu, nóng ruột. Nhưng kệ đi, thời gian khó, có món bánh trong nhà để lai rai ăn vặt là mừng rồi…

Lâu không ăn khoai mì. Mẹ tôi giờ đã ra người thiên cổ. Trước lúc mất, cụ còn dặn: Sau này giỗ mẹ không có gì thì các con cứ luộc khoai mì, khoai lang đem cúng… Vậy nhưng đất đồng bằng giờ dường như không ai trồng khoai mì nữa. Khoai mì chỉ còn được trồng nơi các nương rẫy vùng cao. Mà cũng đa phần là giống mì cao sản (còn gọi “mì Ấn Độ”) để bán cho nhà máy chế biến bột khoai. Giống khoai mì này không ăn tươi được vì sẽ bị ngộ độc.

Khoai mì truyền thống hiếm có ai trồng do năng suất thấp, thời gian sinh trưởng kéo dài nên không kinh tế. Khoảnh ruộng trước thổ lẫn bờ đất mẹ trồng mì ngày xưa giờ nằm sâu dưới những ngôi nhà cao tầng mới mọc. Bể dâu chưa hết kiếp người đã diễn ra nhanh quá! Lan man chợt nghĩ: Không biết mẹ giờ còn sống nhìn cảnh ấy mẹ sẽ vui hay buồn???

_________________________________

*Hiện tượng tinh bột trong củ chuyển ngược thành các dưỡng chất nuôi thân lá khi cây khoai già gặp mưa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.