Đối tượng áp dụng là nghệ sĩ hoạt động trong đơn vị công lập, nghệ sĩ tự do, không thuộc biên chế Nhà nước.
Không phải quy phạm pháp luật
Nội dung bộ quy tắc bao gồm các quy tắc ứng xử chung, ứng xử trong hoạt động nghề nghiệp, ứng xử đối với đồng nghiệp. Ngoài ra còn có quy tắc ứng xử đối với khán giả, công chúng; ứng xử trong hoạt động xã hội, trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội.
Ở quy tắc ứng xử trong hoạt động xã hội, dự thảo nhấn mạnh, nghệ sĩ phải có trách nhiệm minh bạch trong hoạt động xã hội, từ thiện; yêu cầu nghệ sĩ không tham gia quảng cáo các sản phẩm không đúng hoặc gây nhầm lẫn về công dụng của sản phẩm.
Nghệ sĩ không được thực hành, ủng hộ hoạt động mê tín dị đoan, các hoạt động trái quy định pháp luật.
Dự thảo yêu cầu nghệ sĩ cần nỗ lực tạo ra các sản phẩm có giá trị tư tưởng, thẩm mỹ, bảo vệ những giá trị đạo đức tốt đẹp, đấu tranh chống lại cái xấu. Trong mối quan hệ với đồng nghiệp, nghệ sĩ cần đoàn kết, tương thân, tương ái.
Không bình luận gây mâu thuẫn, công kích hay cạnh tranh không lành mạnh. Đối với công chúng, nghệ sĩ cần tôn trọng, thể hiện thái độ và việc làm đúng mực. Đồng thời, không lợi dụng sự nổi tiếng, danh nghĩa để trục lợi cá nhân.
Dự thảo cũng quy định, nghệ sĩ phải phát ngôn trung thực, không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, trái thuần phong mỹ tục trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội.
Nghệ sĩ cũng không được đăng tải, lan truyền các nội dung vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân hoặc đưa những thông tin chưa được kiểm chứng...
Từ những khung đó, bộ quy tắc từng bước giúp nghệ sĩ nâng cao ý thức trách nhiệm, hình thành chuẩn mực đạo đức trong hành vi ứng xử.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết đã hoàn thiện dự thảo và có văn bản gửi 6 đơn vị trực thuộc gồm Hội Điện ảnh, Hội Mỹ thuật, Hội Nghệ sĩ múa, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Hội Nhạc sĩ. Các đơn vị này có trách nhiệm tham gia góp ý xây dựng cho dự thảo để Bộ sớm ban hành.
Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cho biết, đây là khung về quy tắc ứng xử chứ không phải quy phạm pháp luật. Vì vậy, không có phần xử phạt, cũng không có chuyện cấm sóng các nghệ sĩ. Nhưng đây sẽ là khung để nghệ sĩ làm việc và ứng xử có văn hóa.
Hiện, nhiều người ủng hộ động thái này của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, bộ quy tắc cần thời gian nghiên cứu, áp dụng riêng với từng lĩnh vực. Đồng thời, quy tắc không nên chỉ quy định về đạo đức chung chung, cần có chế tài xử phạt rõ ràng.
Những từ khóa hot chỉ trong nửa năm
Thời gian qua, nhiều sao Việt vướng tai tiếng gây tranh cãi trên các trang mạng xã hội. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh giới nghệ sĩ mà còn phần nào khiến khán giả mất lòng tin.
Nhiều người nổi tiếng, bao gồm cả diễn viên, người mẫu, ca sĩ... xuất hiện trong các quảng cáo trên mạng xã hội. Các sản phẩm được họ quảng cáo thường là mỹ phẩm, thuốc giảm cân, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh...
Nhiều người còn sử dụng sản phẩm ngay khi livestream. Trước đó, vô số lời xin lỗi của các nghệ sĩ khi quảng cáo sản phẩm kém chất lượng như NSND Hồng Vân, Nam Thư, Ốc Thanh Vân, MC Quyền Linh…
Gần đây, hàng loạt nghệ sĩ cũng bị “réo tên” yêu cầu sao kê tài khoản, minh bạch tiền từ thiện. Dường như “sao kê” đã trở thành từ khóa hot nhất chỉ trong nửa năm.
Ồn ào nhất phải kể đến sự việc nghệ sĩ Hoài Linh, MC Trấn Thành, Thuỷ Tiên, Đàm Vĩnh Hưng... bị tố “ăn chặn” tiền từ thiện. Sự việc càng được nhiều người quan tâm hơn khi nhiều nghệ sĩ chậm hoặc không sao kê tài khoản từ ngân hàng.
Đàm Vĩnh Hưng cho rằng không ai có tư cách gì để yêu cầu anh phải làm theo ý mình như kê khai tiền từ thiện, cát-xê, mà theo đó anh sẽ nhờ pháp luật can thiệp. Thủy Tiên – Công Vinh nói sẽ chờ hết thời gian giãn cách để ra tận ngân hàng sao kê toàn bộ số tiền từ thiện. Số sao kê này có thể lên đến mấy thùng giấy…
Ngoài những tranh cãi về các sự việc trên, sao Việt còn dính không ít lùm xùm về cách ứng xử với đồng nghiệp, sử dụng ngôn ngữ phản cảm…
Bên cạnh lời xin lỗi, một số nghệ sĩ bị xử phạt hành chính vì những sai phạm của mình: Đàm Vĩnh Hưng, Cát Phượng, Ngô Thanh Vân bị phạt 10 triệu đồng/người, vì cung cấp nội dung thông tin sai sự thật trên mạng xã hội.
MC Trác Thúy Miêu bị phạt 7,5 triệu đồng vì chia sẻ thông tin trên mạng xã hội có nội dung gây hoang mang trong nhân dân. Ca sĩ Hòa Minzy bị phạt 7,5 triệu đồng vì đưa tin giả về phát ngôn. Nghệ sĩ Đức Hải với phát ngôn thiếu chuẩn mực trên trang cá nhân dẫn đến quyết định miễn nhiệm chức vụ phó hiệu trưởng của một trường cao đẳng.
Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng nghệ sĩ hay bất cứ công dân Việt Nam nào đều phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Nếu nghệ sĩ nào làm sai thì phải bị xử lý. Mọi thứ đã quy định rõ ràng trong luật rồi, cần phải làm nghiêm.
Xử lý thì có hành chính đến hình sự, phạt hoặc buộc bồi thường, cấm hành nghề, tước danh hiệu... Vì vậy, nếu bộ quy tắc đưa ra chưa đủ tính răn đe hoặc phạt nặng, xử nghiêm thì sẽ còn những lùm xùm, ầm ĩ ảnh hưởng lớn đến giới nghệ thuật.
“Dự thảo không áp dụng chế tài đối với các hành vi lệch chuẩn của nghệ sĩ là điều dễ hiểu. Bởi đây chỉ là quy tắc về ứng xử, không phải văn bản pháp luật. Tuy vậy, bộ quy tắc ứng xử còn chung chung, chưa đủ sức mạnh để răn đe.
Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch cần bổ sung mức phạt tiền và thời hạn cấm hoạt động nghề nghiệp, xuất hiện trước công chúng trong thời gian nhất định. Đồng thời gỡ bỏ các sản phẩm của nghệ sĩ trên nền tảng số, có biện pháp chỉnh đốn lối sống, phát ngôn” – một khán giả bình luận.