Ồn ào xoay quanh câu chuyện làm từ thiện của nghệ sĩ
Thời gian gần đây, những ồn ào liên quan đến hoạt động từ thiện của giới nghệ sĩ thu sút sự quan tâm lớn của dư luận.
Sự việc Nghệ sĩ Hoài Linh chậm trễ giải ngân số tiền từ thiện hơn 13 tỷ đồng và phải “đăng đàn” xin lỗi hồi đầu tháng 6/2021 còn chưa lắng xuống thì những ngày qua, liên tiếp nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của showbiz Việt lại được nhắc tên xoay quanh vấn đề từ thiện.
Trong thời gian qua, ngoài thông tin về dịch bệnh Covid-19 thì từ thiện cùng những buổi livestream của một nữ doanh nhân liên quan đến vấn đề này nhận được sự quan tâm lớn của dư luận và “sao kê”, “từ thiện”…cũng theo đó bỗng dưng trở thành những từ khóa hot trong năm 2021.
Trong những buổi livestream của mình, ngoài việc nhắc tên, điểm mặt, nữ doanh nhân cũng chưa đưa ra được bất cứ bằng chứng cụ thể nào về việc gian lận trong hoạt động từ thiện của những nghệ sĩ được bà nhắc đến.
Tuy nhiên, “chín người, mười ý”, những người quan tâm đến chủ đề này đều sẽ có cho mình một suy nghĩ riêng liên quan đến những thông tin được nữ doanh nhân phát đi trong những buổi livestream.
Bên cạnh những ý kiến ủng hộ việc làm từ thiện của các nghệ sĩ, nhiều ý kiến lại tỏ thái độ hoài nghi về tính minh bạch liên quan đến các hoạt động từ thiện của các nghệ sĩ. Không những thế, nhiều người còn cho rằng cơ quan chức năng nên vào cuộc điều tra để làm rõ nội dung sự việc.
Bộ Tài chính đang hoàn thiện quy định
Liên quan đến những ồn ào xoay quanh câu chuyện làm từ thiện, mới đây, theo thông tin từ Bộ Tài chính cho biết Bộ này đã có Tờ trình gửi Chính phủ ban hành Nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo (thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14.5.2008 của Chính phủ).
Sau đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã giao Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo Nghị định theo hướng khuyến khích tổ chức, cá nhân và toàn xã hội tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện. Chính phủ nhấn mạnh cần có quy định cụ thể để triển khai thực hiện chặt chẽ, có hiệu quả, đáp ứng mục đích, ý nghĩa và yêu cầu quản lý nhà nước.
Hiện Bộ Tài chính đang hoàn thiện hồ sơ xây dựng Nghị định để trình Chính phủ ban hành theo hướng bổ sung đối tượng áp dụng là các tổ chức có tư cách pháp nhân (doanh nghiệp, hợp tác xã, hội,...) tham gia vận động, tiếp nhận và phân phối nguồn đóng góp tự nguyện.
“Minh bạch tiền quyên góp từ thiện không khó”
Trao đổi với báo chí bên lề cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 6/9, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho rằng pháp luật quy định, nghiêm cấm sử dụng hoạt động cứu trợ, thiện nguyện để vụ lợi hay gian lận, báo cáo sai sự thật để chiếm đoạt tiền, hàng do các cá nhân, tổ chức quyên góp.
Ông Xô cũng khẳng định với những trường hợp nào có dấu hiệu của việc chiếm đoạt tài sản là tiền, hàng từ hoạt động quyên góp ủng hộ, cơ quan chức năng sẽ xem xét, xử lý với tội danh là Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Liên quan đến các thông tin dư luận gần đây về việc một số nghệ sĩ, người nổi tiếng quyên góp tiền từ thiện nhưng lại có nghi vấn sử dụng không đúng mục đích, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, hiện các cục nghiệp vụ của Bộ Công an chưa nhận được tố cáo, công an địa phương chưa có báo cáo, tổng hợp.
Ông Xô nhấn mạnh, "nếu ai có chứng cứ, tài liệu gửi cho cơ quan điều tra tại địa phương hoặc các cục nghiệp vụ của Bộ Công an thì chúng tôi sẽ vào cuộc để đảm bảo đúng quy định".
Người phát ngôn của Bộ Công an cũng khẳng định, dù chưa có thông tin tố giác nhưng công an luôn chủ động nắm thông tin, để đảm bảo an ninh trật tự xã hội, trường hợp có dấu hiệu gây bất ổn xã hội thì sẽ điều tra, xử lý theo đúng quy định.
Đưa sự việc ra pháp luật để cơ quan điều tra vào cuộc
Chia sẻ về những ồn ào xoay quanh câu chuyện từ thiện, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, các nghệ sĩ được nhắc tên qua các buổi livestream của nữ doanh nhân nên công khai tất cả các thông tin sao kê tài khoản từ thiện cũng như các khoản chi phí một cách chi tiết, có giải trình đầy đủ những câu hỏi thắc mắc của dư luận.
Ông Cường cho rằng, nên đưa sự việc ra pháp luật để cơ quan điều tra vào cuộc xác minh làm rõ và có kết luận đúng sai. Việc chậm công khai thông tin sao kê, chậm giải thích về các nghi ngờ của dư luận và không đưa sự việc ra pháp luật thì càng mất uy tín và khiến cho nhiều người càng tin vào những thông tin mà nữ doanh nhân đã đưa ra.
"Đối với hoạt động từ thiện có gian lận, có chiếm đoạt tài sản hay không thì cần phải làm rõ nội dung kêu gọi quyên góp ủng hộ, thời hạn quyên góp ủng hộ; tài khoản sử dụng để tiếp nhận tiền ủng hộ; thời điểm mở tài khoản và thời điểm đóng tài khoản; Tổng số tiền nhận được và số tiền đã chuyển khoản hoặc rút ra.
Việc sao kê ngân hàng thì sẽ cung cấp được thông tin số tiền chuyển vào là bao nhiêu; thời gian nào và cụ thể từng lần chuyển khoản, qua đó sẽ biết được tổng số tiền thu về.
Sao kê ngân hàng cũng sẽ xác định được tổng số tiền rút ra hoặc chuyển đi từ tài khoản đó là bao nhiêu tiền. Nếu số tiền rút ra ít hơn số tiền chuyển đến hoặc có việc chuyển khoản cho bên thứ ba mà không phải là người được hưởng tiền từ thiện thì hành vi đó có dấu hiệu của tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 (BLHS 2015)", Luật sư Cường nói.
Luật sư Cường cũng cho rằng, hiện hoạt động kêu gọi, vận động, tiếp nhận từ thiện của cá nhân vẫn là tự phát, không có sự giám sát của bên thứ ba và thiếu quy định điều chỉnh của pháp luật.
Hoạt động từ thiện này hoàn toàn phụ thuộc vào niềm tin giữa những người gửi tiền và người nhận tiền. Niềm tin này cũng có thể thay đổi nếu như có những thông tin trái chiều hoặc tình cảm các bên thay đổi nên mâu thuẫn vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
“Thực tế cho thấy nhiều người từ thiện bằng tiền của người khác, kêu gọi người khác đóng góp ủng hộ nhưng lại thường xuyên chia sẻ trên mạng xã hội, trên báo chí một cách rầm rộ để đánh bóng tên tuổi. Thậm chí, vì lòng tham mà họ có thể chiếm đoạt số tiền mà các mạnh thường quân gửi gắm để làm từ thiện.
Nếu để sự việc kéo dài thì những vấn đề này có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến đạo đức xã hội, đang có nguy cơ gây ra mất đoàn kết, xung đột giữa các hội nhóm và làm giảm lòng tin của người dân đối với lòng tốt và sự tử tế.
Là con người thì ai cũng có lúc đúng, lúc sai, thậm chí có lúc vi phạm pháp luật. Bởi vậy mọi việc đều có thể xảy ra. Để kết luận đúng sai thì cần phải có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, phải tiến hành kiểm tra xác minh, thu thập chứng cứ thì mới có thể kết luận chính xác về sự việc", luật sư Cường chia sẻ.