(GD&TĐ) - Chưa đầy 1 tháng nữa hàng triệu học sinh trên khắp mọi miền đất nước sẽ bước vào năm học mới 2013 – 2014. Ở khắp mọi nơi, từ miền xuôi đến miền ngược, từ thành phố đến nông thôn, các trường học đang ráo riết chuẩn bị cơ sở vật chất để phục vụ tốt nhất cho hoạt động dạy và học.
Tu sửa, xây mới trường lớp....
Những phòng học khang trang đã sẵn sàng đón học sinh vào năm học mới Ảnh: Văn Lê |
Đối với Trường Tiểu học Trung Phụng (Quận Đống Đa, Hà Nội), việc tu sửa trường lớp đã được bắt đầu ngay khi học sinh nghỉ hè cuối tháng 6 đầu tháng 7. Cô hiệu trưởng Đặng Thanh Mai cho biết, năm nay, được quận Đống Đa quan tâm, hỗ trợ đầu tư kinh phí nên ban giám hiệu nhà trường quyết tâm tạo ra bộ mặt mới cho trường lớp. Thông qua việc sơn sửa, nâng cấp phòng ốc, lắp đặt thêm nhiều đồ dùng giảng dạy hiện đại... nhà trường hy vọng sẽ mang đến sinh khí mới và phục vụ tốt nhất cho việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Mặt khác, cô Mai cũng chia sẻ: Vấn đề tuyển sinh của trường nhiều năm qua luôn gặp khó khăn. Trường có địa thế bất lợi nằm sâu trong khu dân cư nên nhiều phụ huynh quan niệm đây thuộc diện trường làng... Thế nên để khẳng định tên tuổi, dỡ bỏ những quan ngại thì trường chỉ có cách duy nhất là không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy đi liền với đầu tư cơ sở vật chất. Từ đó, công tác tuyển sinh đầu cấp có tiền đề vững vàng để thu hút nhiều hơn nữa học sinh đúng tuyến đăng ký học tại trường.
Từ Trường vùng biên giới THPT Trần Phú (Móng Cái, Quảng Ninh), thầy Hoàng Minh Thanh – Phó hiệu trưởng - cho biết: Đến thời điểm trước khi bước vào năm học mới một tháng thì nhà trường đã cơ bản hoàn thiện xong mọi điều kiện cơ sở vật chất để đón học sinh trở lại trường. Với thuận lợi là trường chuẩn quốc gia và là một trong những trường đứng đầu về cơ sở vật chất của tỉnh Quảng Ninh nên từ nhiều năm nay, việc tu sửa, nâng cấp cơ sở vật chất của trường diễn ra khá thuận tiện. Để chuẩn bị cho năm học mới 2013 – 2014, nhà trường chỉ tiến hành một số hoạt động nâng cấp nhỏ ở khu phòng học, ốp lát lại nền hệ thống cầu thang, trang bị thêm một số bàn ghế mới cho học sinh, nâng cấp nhà thi đấu thể thao...
Tuy nhiên, để đáp ứng tốt hơn nữa về cơ sở vật chất phục vụ cho việc học tập của học sinh, khi có nguồn kinh phí nhà trường sẽ tiến hành xây dựng mới khu nhà truyền thống, nhà để xe cho giáo viên, học sinh...
Tại Trường Tiểu học Cẩm Bình (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), thầy Nguyễn Viết Sơn – Hiệu trưởng - cũng hồ hởi chia sẻ: Năm học mới này trường đã hoàn thành xong việc xây dựng trường hai tầng theo hệ thống trường chuẩn quốc gia mức độ hai sau 5 năm. Đặc biệt, để triển khai mô hình bán trú, nhà trường cũng chuẩn bị kĩ càng các điều kiện về cơ sở vật chất, hệ thống giường tủ bản ghế (đủ về số lượng chuẩn về chất lượng), bảng, phòng thư viện... đáp ứng tốt nhất cho việc bán trú của học sinh. Khu nhà công vụ dành cho giáo viên vừa xây mới xong nhà trường cũng tiếp tục sửa chữa khang trang với hệ thống phòng khách, phòng ăn... đầy đủ.
Có thể thấy, vấn đề đầu tư cơ sở vật chất cho trường học hàng năm đặc biệt dịp đầu năm học mới ở đâu cũng được quan tâm và coi như yếu tố quan trọng hàng đầu để khẳng định thương hiệu, nâng cao chất lượng giáo dục.
Quan tâm hơn đến đời sống giáo viên
Năm học mới đang đến gần Ảnh: Văn Lê |
Song song với công tác đầu tư cơ sở vật chất cho trường lớp thì nhà công vụ cho giáo viên cũng đang được các trường vùng núi cao, vùng khó vô cùng quan tâm. Bởi có an cư thì người giáo viên mới chuyên tâm tối đa cho công tác giảng dạy.
Trường THPT Hướng Hóa (A Túc, Quảng Trị) là một trong những trường thuộc diện vùng khó khăn nhất của Quảng Trị. Giáo viên phần lớn đều ở dưới xuôi lên dạy học, nhà cách trường cả vài chục cây số. Mỗi năm có từ 20 – 30 giáo viên thường xuyên phải ở lại trong 12 phòng nhà công vụ của trường. Về cơ sở vật chất trường lớp, những năm qua trường đã được đầu tư xây mới khá khang trang.
Tuy nhiên, thầy Phạm Xuân Thảo – Hiệu trưởng - cho biết, đến nay, khó khăn nhất đối với đời sống giáo viên ở đây là vấn đề nước sạch sinh hoạt hàng ngày. Trường vùng núi, mùa khô thường kéo dài từ tháng 12 năm trước đến tháng 6 năm sau nên để có đủ nước dùng cho ăn uống..., giáo viên thường phải mua nước bình với giá khá cao. Với nước để tắm giặt, sinh hoạt hàng ngày thì dùng một phần từ nguồn nước mưa tích trong bể, còn phần lớn dùng nước ở khe núi đá vôi chảy xuống nên không chỉ không đảm bảo về vệ sinh mà chất vôi trong nước còn làm hỏng các thiết bị sử dụng, quần áo nhanh bị chuyển màu... Điều đáng nói, năm nào mùa khô kéo dài bất thường thì ngay cả nước từ núi đá vôi cũng không có để dùng...
Chính vì vậy, để giáo viên ổn định đời sống, yên tâm công tác, Ban giám hiệu Trường THPT Hướng Hóa năm nay đã quyết định đầu tư xây mới thêm bể nước 10 khối. Có thêm bể nước 10 khối đi vào sử dụng, lượng nước mưa được tích trữ nhiều hơn sẽ giúp cho việc sinh hoạt của giáo viên trong những mùa khô kéo dài từ năm học này trở đi bớt khó khăn, cực nhọc.
Từ huyện đảo Cồn Cỏ xa xôi, cô giáo Hoàng Thị Thắm cho biết, huyện đang đầu tư lợp lại mái tôn, quét vôi mới cho lớp mầm non Hoa Phong Ba. Còn vấn đề nan giải là nước sinh hoạt sắp tới sẽ được giải quyết bởi huyện đảo Cồn Cỏ đang đầu tư xây dựng bể nước tập trung và sắp đi vào hoạt động. Hiện tại mọi điều kiện cơ sở vật chất của lớp học đã được quan tâm tối đa dù huyện Cồn Cỏ còn khó khăn. 20/8 này các cô sẽ chính thức đón các cháu trở lại học tập sau 3 tháng nghỉ hè.
Các trường miền núi cao, có đặc thù riêng thì việc đầu tư nhà công vụ cho giáo viên, nâng cao hơn nữa điều kiện sinh hoạt của các thầy cô là việc làm cần thiết và phù hợp. Còn với những trường thành phố, vùng thuận lợi thì vấn đề phòng chuyên môn cho giáo viên lại rất được quan tâm.
Những năm qua, BGH Trường THPT Cầu Giấy Hà Nội đầu tư chú trọng cho trường lớp cơ sở khang trang. Chuẩn bị cho năm học mới này, với sự quan tâm của UBND quận Cầu Giấy, tháng 7 vừa qua trường đã khởi công xây dựng khu phòng làm việc 4 tầng cho các tổ chuyên môn. Khi công trình hoàn thành (dự kiến vào tháng 12/2013), mỗi tổ chuyên môn của trường sẽ có không gian riêng, thuận tiện cho công tác tự nghiên cứu, trao đổi, hội thảo chuyên môn hàng ngày, hàng tuần... Từ đó góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn của giáo viên, góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục chung của toàn trường...
Theo thông báo của nhiều Sở GD&ĐT, cơ sở vật chất của các trường học hiện nay đã đảm bảo cho năm học mới, sẽ không có tình trạng thiếu phòng học. Nhiều tỉnh thành đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, xây mới và sửa chữa nhiều phòng học, các phòng chức năng và các hạng mục phụ trợ (cổng, hàng rào, sân, đường, nhà vệ sinh, nhà xe,...) và bổ sung bàn ghế học sinh với tổng kinh phí lên tới hàng trăm tỷ đồng. |
Sông La