Gần đây, tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã tôn vinh nhà thơ Đặng Vương Hưng với tác phẩm “Lục bát mỗi ngày” là tập thơ lục bát được giải thưởng văn học (cuốn sách sáng tác duy nhất (không có văn xuôi) được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải tác phẩm hay năm 2021), có số trang nhiều nhất!
Vì sao Đặng Vương Hưng có được vinh dự ấy? Cho dù anh từng tự nói về mình rằng đường học hành của anh chẳng đến nơi đến chốn, nhưng tôi lại nhận thấy, ngay từ khi còn rất trẻ, anh đã có ý thức trở thành một nhà thơ chuyên nghiệp.
Ngoài việc học hành không biết mệt mỏi, anh dấn thân hết mình cho cuộc sống; anh như một cái “ăng ten” có tần số cao thu bắt được mọi cung bậc, âm vực của cuộc sống. Hầu như bất cứ điều gì cái “ăng ten” Đặng Vương Hưng cũng thu được tín hiệu, cũng có thể sáng tạo thành thơ.
Cho nên thơ anh rất giàu chất liệu thiên nhiên, chất liệu của cuộc sống con người - từ nhà cửa, ao chuôm, sông ngòi, ruộng vườn đến biển cả, núi rừng; từ chăn tằm, thả cá, cấy hái, làm cỏ, trồng rau đến đi hội đi hè, hát xướng, đình đám.
Từ tình đất tình sông đến tình bạn, tình đồng đội, tình yêu… và tình yêu thì muôn màu muôn vẻ. Chất liệu đời sống đầy ứ, phẩm chất nghệ sĩ với năng lượng sáng tạo dồi dào nên thơ anh không bị vay mượn, gượng gạo theo cách “cố ghép vần”, trái lại, nó tự nhiên, tươi tắn như tự cuộc sống cất thành lời thơ.
Đặng Vương Hưng bắt đầu đăng thơ từ tuổi hai mươi, khi còn là một người lính cầm súng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, đã có những câu thơ găm vào trí nhớ của bạn đọc: “Ở nơi đầu núi đầu sông/Lá thư đến bọn anh mong đứng ngồi/Ở nơi cuối đất, cuối trời/Cái thương cái nhớ hóa lời tình ca…” (Viết cho em từ biên giới); “Bởi vì người ở người đi/Mới thành nỗi nhớ có gì lạ đâu/Ngày chúng mình chia tay nhau/Anh mang nỗi nhớ lên tàu rời ga”… (Nỗi nhớ).
Sau này, Đặng Vương Hưng về Hà Nội chuyển sang làm báo An ninh Thế giới, làm biên tập ở nhà xuất bản Công an nhân dân, công việc quản lý khá bận rộn, nhưng không vì thế mà anh coi thơ như công việc phụ, công việc của “tay trái”.
Mà trái lại, bản năng nghệ sĩ, phẩm chất của một nhà thơ chuyên nghiệp càng được dung dưỡng nhiều hơn, sâu hơn, càng viết càng hay. Và đây mới là điều thiết cốt nhất, mệnh hệ nhất với một nghệ sĩ sáng tác: Đặng Vương Hưng đã dần dần tạo nên cho mình một phong cách riêng khó lẫn với bất cứ tác giả nào.
Ngày nào anh cũng viết, không ít thì nhiều, bài nào thành công thì gửi đăng, bài chưa hài lòng thì cứ để trong sổ tay như một kỷ niệm. Vậy nên tập thơ đồ sộ của anh mới mang cái tên “Lục bát mỗi ngày”.
Anh viết bằng giọng văn tự trào, nhún mình một cách khiêm cung, cứ như đùa. Cái nhẽ thông thường trong lời tỏ tình với cô X, cô Y nào đó, tác giả phải tỏ ra “ta đây” một tí như con công đực xòe cái đuôi rực rỡ cuốn hút con công mái, đằng này Đặng Vương Hưng làm ngược lại, công khai bêu xấu mình, tự gọi mình là “hắn”: “Không còn trẻ cũng chưa già/Người ta bảo hắn đang là… đàn ông/Người hắn yêu đã lấy chồng/Còn người yêu hắn sống cùng có con/Mộng mơ ngày tháng mỏi mòn/Chưa vuông nhà cửa, chưa tròn công danh…/Bỏ làng xóm ra thị thành/Từ rừng về phố vẫn anh quê mùa/ Kệ cho trời nắng với mưa!/Hắn đâu chịu hiểu mình chưa biết gì/Dại, không, hay, dở… thôi thì…/Hắn vẫn là… hắn – có gì khác đâu!/Dẫu chưa bạc tóc, dài râu/Hắn đã tưởng tượng… kiếp sau đời mình/Rằng yêu thì thật đa tình/Và khi giận dữ lặng thinh cửa nhà…/Hắn như vậy đó em à!/Đừng quen biết hắn mẹ cha buồn rầu…”.
Chuyện tỏ tình với cô X cô Y nào đó đã khiêm tốn thật thà như thế, nhưng nói về vợ thì nhà thơ họ Đặng càng khiêm nhường thật thà hơn trong bài “Vợ tôi”: “Một nửa tỉnh, một nửa quê/Không xinh đẹp cũng chẳng hề cao sang/Theo chồng đành bỏ xóm làng/Lên thành phố cố học làm thị dân/Dẫu đã buôn bán xa gần/Cũng là mưa nắng tảo tần đấy thôi/Vì con nhường nhịn suốt đời/Vì chồng chờ đợi cả thời xuân xanh/Tôi đi qua cuộc chiến tranh/Từ rừng về phố hóa thành ngu ngơ/Đời thường không thể mộng mơ/Chẳng bon chen được đành khờ dại thôi/Cho nên thương lắm vợ tôi…”.
Bài thơ “Tự họa” đủ biết thi sĩ họ Đặng đã có lúc chênh chao trước một bóng hồng không phải vợ mình, nhưng khi đọc đến bài “Vợ tôi” thì thấy cho dù vợ anh quê một cục như thế, ra thị thành thì khờ khạo thế, nhưng bằng những gì họ đã dành cho nhau, đã cùng nhau nếm trải vui buồn thì làm sao họ có thể chia xa được!
Cho dù cái nơi họ sống dành cho những người có đẳng cấp thấp trong xã hội: “Nhà tôi ở cạnh xóm liều/Người thân ngại đến bạn yêu ngại về/Láng giềng nửa phố nửa quê/Chuyện trò văng tục, chửi thề… đã quen/Nhà tôi không số không tên/Ngõ ngoặt, hẻm nhỏ khó tìm đường vô/ Nếu thương xin hãy làm ngơ/Đừng hỏi địa chỉ bây giờ… nhà tôi/Lo thơ buồn chẳng dám mời/ Sợ lũ mất ngủ cuốn trôi cầu Kiều…” (Nhà tôi).
Tập thơ “Lục bát mỗi ngày” của nhà thơ Đặng Vương Hưng. Ảnh: NXB Văn học. |
Không hiểu sao đọc những bài thơ có khẩu khí khiêm nhường, tự trào của Đặng Vương Hưng tôi lại liên tưởng đến một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết David Copperfield của văn hào Charles Dickens. Anh ta bị ngọng nên mỗi khi có ai khen y điều gì đó, y lại nói “Uoem quoém cuải loắm” (Em kém cỏi lắm), nhưng thực ra hắn không hề kém cỏi một chút nào. Đặng Vương Hưng tự giễu cợt mình thế, ngu ngơ thế, chẳng qua là một cách để anh tìm đến trái tim bạn đọc một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất mà thôi.
Cánh văn sĩ, thi sĩ chúng ta có trái tim thường dễ tan chảy trước một vẻ đẹp của người khác giới, có khi lúc ấy quên cả sự chênh lệch về tuổi tác, vẫn buông lời tán tỉnh như trong bài “Đàn ông đã cũ”: “Đàn ông đã cũ như ta/Làm sao yêu nổi đàn bà mới nguyên/ Hết thời trong sáng hồn nhiên/Chỉ còn gàn dở với phiền phức thôi/Cái cây sắp héo khô rồi/Làm sao nảy lộc đâm chồi mà mơ/Cuộc tình chỉ có trong thơ/Đàn ông đã cũ giả vờ đáng yêu…”.
Cứ như cái giọng thật thà tự giễu của bài này thì cô gái trẻ kia sẽ chẳng màng tới cái ông thi sĩ già nua kia thật, cho dù ông nổi danh đến đâu. Nhưng liền sau đó, trong bài “Anh về ở với em không?” ông thi sĩ đứng tuổi họ Đặng lại khéo léo mượn lời một cô gái trẻ để giãi bày tình ý thì thật là cao thủ: “Anh về ở với em không?/Cho dù qua tuổi má hồng, tóc xanh/Ngượng ngùng gì “chú” với “anh”/Chỉ yêu là đủ để thành núi sông/Anh về ở với em không?/Mùa xuân chưa đến, mùa đông còn dài/Ngày đừng thắp thỏm đợi ai…”, “tán” như thế, hóa ra cái ông thi sĩ già kia chưa phải đã cằn khô, mùa xuân của tình yêu vẫn còn chờ đợi ở phía trước, vậy thì cái đôi chênh lệch này còn chờ đợi gì nữa mà không đến với nhau!
Cái cách tự hạ thấp mình ở đây hóa ra không mất đi chút gì mà còn được được hưởng lợi, lợi cho tình yêu và lợi cả cho thi ca.
Nhiều khi Đặng Vương Hưng khiêm nhường, tỏ ra ngu ngơ đến mức không dám khẳng định một mệnh đề gì; anh cứ ỡm ờ “hình như”, và vì thế cuối mỗi khổ thơ, câu thơ mang một nội dung thường có một dấu hỏi: “Hình như thu đã già rồi/Yếm nâu hóng gió hay ngồi đợi ai?” (Yếm nâu); “Hình như mình cũng đáng yêu?/Đắm say mê mải định liều mấy phen/Cám ơn em chẳng đánh ghen/ Cám ơn đời cũng đã quen nhân từ/ Bây giờ ai bảo… à ừ/Quên quên, nhớ nhớ… hình như sắp già?” (Hình như mình cũng…);
“Hình như khế chẳng còn chua/ Mía không còn ngọt, đền chùa bớt thiêng/Hình như chưa tới tháng Giêng/Hoa xoan đã rụng, láng giềng xa nhau…/Hình như đã quá mùa cau/Mà sao cứ tiếc lá trầu không vôi/Hình như người hiểu nhầm thôi/Chứ làm sao nỡ mồ côi cuộc tình/Bỗng nhiên nhìn lại giật mình/Ai đang bảo có mà hình như không?” (Có và không);
“Hình như tiếng chó cắn ma/Làng bên bà lão sắp xa cõi trần?/Hình như trẻ khóc mấy lần/Vẳng nghe chim lơn lúc gần lúc xa…” (Đêm buồn)…
Cái ngu ngơ ở đây đâu phải là cái ngu ngơ ngốc nghếch trẻ con – nó là cái ngu ngơ do cả một quá trình lao động sáng tạo mà đúc rút ra được thành “cái tinh hoa ngu ngơ” góp phần làm nên phong cách ấn tượng của nhà thơ.
Những năm gần đây, khi mà cơ chế thị trường đẩy nền kinh tế phát triển mạnh đưa xã hội Việt Nam hòa nhập dần với các nền kinh tế phát triển, nhịp sống hiện đại có vẻ như phù hợp với các thể loại thơ tự do hơn, nhất là thơ hậu hiện đại thiên về ý tưởng hơn là nhạc tính, vần điệu.
Ở chỗ này chỗ kia đã có những lời khuyến cáo “thơ lục bát đang chết và sẽ chết”. Lời khuyến cáo không phải không có những cơ sở. Nhưng với Đặng Vương Hưng thì cứ bình chân như vại, bởi anh tin vào lời cổ nhân “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn.
Tiếng ta còn, nước ta còn”. “Truyện Kiều” với 3.254 câu lục bát, từ khi ra đời đến nay vẫn là niềm tự hào của người Việt. Hơn nữa thơ lục bát trải qua dằng dặc thời gian nó còn dùng để phát triển thành ca từ của các làn điệu dân ca như chèo, cải lương, quan họ, chầu văn, trống quân, hát xẩm, ví dặm… Ngược lại, khi những làn điệu dân ca đã là máu thịt của người Việt thì nó sẽ tác động trở lại làm phong phú thêm cho thơ lục bát.
Vậy thì chỉ khi nào các làn điệu dân ca kia bị xóa xổ trong tâm hồn người Việt thì lục bát mới “chết” được. Tuy vậy, văn chương Việt hôm nay không thể núp bóng, ăn theo kiệt tác “Truyện Kiều” và thi hào Nguyễn Du mãi được. Trách nhiệm sẽ đặt lên vai các nhà thơ hôm nay.
Thơ lục bát dễ viết, hầu như ai cầm bút làm thơ cũng đều viết được lục bát, nhưng viết cho hay thì lại rất khó. Muốn hay cần rất nhiều yếu tố, biến hóa muôn màu muôn vẻ. Nó cần một tay nghề tài hoa, lịch lãm, sử dụng từ ngữ một cách linh hoạt, biến ảo, tài tình, như một vị phù thủy điều khiển âm binh vậy.
Đặng Vương Hưng đã tự tìm ra cái chìa khóa ấy trong tiến trình “hiện đại hóa” lục bát. Làm cho lục bát vẫn giữ được vần điệu 6/8 muôn thuở nhưng chuyên chở hơi thở của thời đại. Nói về khả năng này, Đặng Vương Hưng đã chứng tỏ thành công của mình.
Bằng chứng là con người thuộc các thế hệ khác nhau đều yêu thích thơ lúc bát của anh, bởi lục bát của anh vẫn viết về những gì thân thuộc với con người Việt Nam nhưng âm hưởng thơ, ý tưởng thơ thì đã mang một hơi thở rất mới mẻ.
Chúng ta thấy khuynh hướng này của anh càng rõ hơn khi ngồi trên máy bay - một phương tiện chuyên chở hành khách tối tân hiện đại nhất ngày nay - Đặng Vương Hưng vẫn sáng tác được thơ lục bát: “Ta ngồi trên chín tầng mây/Để thơ lục bát cùng bay theo người/Câu vui lơ lửng giữa trời/Câu buồn rải khắp cõi đời nhân gian/ Dưới kia khuất đất mây ngàn/Bão dông, lũ lụt… từng đàn trôi qua/Chú Cuội chắt đổ cây đa/Đàn cò sã cánh quê nhà ở đâu/ Một đời cắt cỏ chăn trâu/Thơ còn lấm láp dãi dầu nắng mưa/Một thời gồng gánh ước mơ/Thơ còn khao khát bao giờ bay lên/Lục bát chưa kịp đặt tên/ Máy bay đã hạ cánh miền ca dao…”.