Lê Khánh Đồng - nhà tiền trạm phong trào Thơ mới

GD&TĐ - Tác giả xuất hiện sớm nhất, giữ vai trò người đi tiền trạm, thế hệ khơi nguồn Thơ mới là Lê Khánh Đồng (1905-1976), quê xã Sơn An, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Những tác phẩm được tổng hợp trong phong trào Thơ mới giai đoạn 1932-1945.
Những tác phẩm được tổng hợp trong phong trào Thơ mới giai đoạn 1932-1945.

Vào giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, Hà Tĩnh chưa phải là vùng quê phát triển, đất không rộng, người chưa đông, chưa định hình những phố thị sầm uất, vậy mà đã đóng góp cho phong trào Thơ mới 1932-1945 những tác giả đỉnh cao, tiêu biểu và độc đáo như Lê Khánh Đồng, Thái Can, Xuân Diệu, Quỳnh Dao, Huy Cận, Cẩm Lai…

Tác giả xuất hiện sớm nhất, giữ vai trò người đi tiền trạm, thế hệ khơi nguồn Thơ mới là Lê Khánh Đồng (1905-1976), quê xã Sơn An, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ông học giỏi, thành thạo tiếng Pháp, Trung, Nhật, yêu thích sáng tác thơ văn và nhạc. Năm 1931, ông tốt nghiệp Trường Y khoa Đông Dương (Hà Nội), là bác sĩ, từng biệt phái sang Bệnh viện Xavanakhet (Lào) rồi về nước làm việc ở các Bệnh viện Nam Định, Hà Nội.

Sau cách mạng tháng Tám 1945, ông tham gia Cách mạng, từng làm Giám đốc Bệnh viện Vinh và Giám đốc Sở Y tế Nghệ An (1953-1957), góp phần sáng lập khoa Y học cổ truyền của Trường Đại học Y khoa Hà Nội và Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương (1957), được tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hạng Nhất…

Tiếp nhận ảnh hưởng văn học Pháp và phương Tây nên khi còn là sinh viên, ông đã sớm sáng tác, dịch thơ và góp phần khởi động, mở đường phong trào Thơ mới. Những bài thơ ban đầu này được tập hợp lại trong tập Thơ buông (Tập thơ in chung gồm có Gia huấn ca (tr.1-9) của Lê Kinh Hạp và Thơ buông (tr.9-55) của Lê Khánh Đồng. Imprimerie Chân Phương, Hà Nội, 1928, 56 trang) cùng những bài thơ in báo Phụ nữ tân văn (Sài Gòn, 1928-1933) cho thấy rõ tín hiệu “mới”, mới từ nhan đề tập thơ đến hình thức và nội dung các bài thơ. Có thể hình dung Lê Khánh Đồng như một người đi tiền trạm, xong việc rồi trở về, không đồng hành cùng đoàn quân Thơ mới nữa.

Mở đầu phần Thơ buông của Lê Khánh Đồng có lời dẫn nhấn mạnh quan niệm mới về hình thức nghệ thuật câu thơ: “Chữ Thơ đây nghĩa là tính tình thơ, cho nên bất cứ văn xuôi và văn vần tả tính tình thơ đều là Thơ. Buông nghĩa là buông trôi, buông thả, tự do vậy” (Sđd, tr.9). Việc xếp đặt các tác phẩm thiếu nhất quán, không theo thứ tự, đan xen sáng tác với dịch, thơ và kịch, thơ ca và văn xuôi.

Phần thơ dịch và lược dịch có các bài La Rosse (Hoa hường) của Ronsard (sau in lại trên báo Phụ nữ tân văn, có vi chỉnh, 1932); Ode à Hélène (Lúc em đã già) của Ronsard; Chuột phố với chuột đồng của La Fontaine; Britannicus - Tuồng Britannicus (Hồi thứ năm) của Racine, Le Cid - Tuồng Lô Địch của Corneille; dịch in song ngữ Pháp - Việt Vài tư tưởng của nhà đại thi sĩ Ấn Độ Rabinđranath Tagore…

Phần thơ sáng tác tiếng Việt chủ yếu có các thể lục bát, song thất lục bát, yết hậu, tự do (bài dài nhất 52 câu và ngắn nhất 3 câu, câu thơ dài nhất 12 chữ, ngắn nhất chỉ có một chữ): Hoa tàn, Thương ai, Lời từ giã cây cối và nhà cửa, Câu hát nhà quê, Đêm thu mé biển (In lại trên báo Phụ nữ tân văn với sự chỉnh sửa nhiều chữ và thêm vào tám câu thơ, 1930), Chợt tin nhà đã bán rồi, Hồn vợ nói với chồng (In lại trên Phụ nữ tân văn, có vi chỉnh và bổ sung hai câu thơ, 1932), Hồ Tây…

Mở rộng sang bộ phận văn xuôi đoản thiên có truyện tự thuật Ông bà viết năm 16 tuổi; có lối văn ghi chép, du ký Ba bữa tết ở Hà Nội (1925-1926) và Văn tế ông ngoại; cuối cùng là mục Thơ vui gồm nhiều bài có số câu dài ngắn khác nhau: Ong đút (Châm), Trách vợ, Sư hoang, Đám mây, Đậu Còm - măn - te, Ông Lý, Tú tài đập cử nhân, Chào Tết, Tìm Giời…

Đúng tinh thần trong lời dẫn, Lê Khánh Đồng chủ ý sáng tạo, thử nghiệm, phá cách, mở ra những lối thơ mới, hình thức mới, tạo nên nét tân kỳ, khác lạ, hấp dẫn. Đơn cử bài Hồ Tây với 23 câu thơ, số chữ mỗi câu tăng dần từ 1 đến 12 rồi lại giảm dần theo chiều ngược lại, tạo thành kiểu thơ hình quả trám, thể hiện một lối thưởng thơ, chơi thơ, “thả lá thơ chơi”, thiên về hình thức vị nghệ thuật:

Hồ

Tây Hồ,

Sóng nhấp nhô.

Chung quanh lặng lẽ,

Mấy hàng cây điểm tô.

Trên mặt nước bao nhiêu vẻ,

Mặt trời ánh chói, bóng giăng loè.

Giọt nước long lay, vàng xanh đẹp đẽ,

Như cái gương tròn của mỹ nữ

buồng khuê.

Dội bao phong cảnh của giời đất

vào một khoé,

Lại xung quanh bờ, khách tình nhân

gắn bó nhời thề.

Có khi đôi lứa trầm luân, vì nỗi tơ duyên

trắc trở,

Lại có kẻ trải đời gánh vác,

trông đã nặng nề.

Đem thân đi gửi Từ bi để ngài che chở,

Cầu lấy hạnh phúc thoả kiếp muôn đời.

Đêm ngày bái lễ ở chùa Trấn Võ,

Lại có kẻ nghiên bút theo đòi.

Ấy học trò trường Bảo Hộ,

Nay buồn ra bờ trông,

Hỏi hồ có nhớ,

Tới lịch sử.

Anh hùng,

Không?

Xin giới thiệu thêm những tìm tòi hình thức thơ ca có ý nghĩa mở đường của Lê Khánh Đồng. Chẳng hạn bài Ong đút (Châm):

- Vù vù!

Bên tai cái gì bu?

- Vơ ong đút!

Rờ ót,

U!

Bài Trách vợ:

Vác ống đi thi,

Tưởng đậu đến chi chi!

Ai ngờ xắn cái địch!

- Tại mẹ mi!

Bài Đám mây:

Đám mây vừa bay qua,

Đi đâu mà?...

Cũng giống ta!

Bài Đậu Còm - măng - te:

Dây thép mở ra,

- Ui chà!

Chạy vô nhà thờ,

Tìm dùi ngu ngơ.

Tụng! Tụng! Tụng!

- Chi đó anh tê?

- Đậu Còm - măng - te.

- Sướng hè!

Hình ảnh những nhà thơ có đóng góp lớn trong phong trào thơ mới. Ảnh minh họa.

Hình ảnh những nhà thơ có đóng góp lớn trong phong trào thơ mới. Ảnh minh họa.

Khác với nhiều người đi từ “bài” đến “tập”, Lê Khánh Đồng lại từ “tập” tỏa ra “bài”, có một số bài thơ (cả sáng tác và dịch), trong tập Thơ buông đã được tác giả chỉnh sửa và cho in lại trên báo. Vào cuối năm 1928, sinh viên Lê Khánh Đồng đã cho in lại bài thơ Hồn vợ nói với chồng khá độc đáo, có chỉnh sửa nhiều câu chữ, gồm 52 câu lục bát (Phụ nữ tân văn, 1932).

Nội dung chính của bài thơ là lời tâm sự của người vợ về nỗi nhớ thương chồng con, thương thân tiếc phận, tiếc nhớ cõi người, cõi đời. Bài thơ mở đầu với không gian liêu trai hư ảo, diễn tả hồn người vợ độc thoại nỗi đau thương vì mất mát, cách chia, âm dương cách trở và nỗi nhớ thương chồng con khôn khuây. Cho đến sáu câu kết trở lại không gian giả tưởng, mơ tưởng, mộng tưởng, thương cảm, sâu nặng nghĩa tình:

Vì ai, chồng quá con côi!

Đau lòng em lắm chàng ơi hỡi chàng!

- Gió đêm đập lá cau tàn,

Phải rằng cái tiếng của nàng ta không?

- Đêm khuya thương nhớ vô cùng,

Nên em về đó cho lòng anh khuây.

Nhưng rồi trong suốt thời Thơ mới, hầu như không thấy Lê Khánh Đồng sáng tác gì thêm. Ông giữ vai trò người khai quang, tạo đà, khởi động, kiến tạo, lát nền Thơ mới nhưng không tiến tới, đồng hành, phát triển.

Lại nữa, bài Đêm thu mé biển với 36 câu thơ song thất lục bát cũng được tuyển in lại trên Phụ nữ tân văn (1930) vào hai năm trước khi phong trào Thơ mới ra đời với bốn câu kết diễn tả thảm cảnh nghề đánh cá và con thuyền gặp bão:

Thương ôi! Mấy kẻ lạnh lùng,

Chìm trong đáy bể, não nùng ai ghi!

Chỉ còn từng mảnh ván bè,

Gió đưa sóng gợn le te vào bờ…

Trên đây là những bài thơ, câu thơ không giống với bất cứ thể thơ truyền thống nào trước đây. Lời thơ, ý thơ đậm đặc chất đời thường, có cốt truyện, có hài hước, có tự trào, có tự sự, có trữ tình, có tính kịch, có đối thoại, có từ địa phương và lối diễn đạt đậm chất quê Hà Tĩnh.

Ấn tượng về câu chữ những bài thơ khác lạ, cho đến khi tổng kết “Một thời đại trong thi ca”, Hoài Thanh - Hoài Chân còn nhắc nhớ, xác định vai trò và ý nghĩa văn học sử của trường hợp Lê Khánh Đồng: “Thực ra, từ trước, trên sách vở báo chương thỉnh thoảng thất ngôn luật cũng đã phải nhường chỗ cho lục bát, song thất lục bát, cổ phong, từ khúc, vân vân... Lác đác người ta còn thấy xuất hiện những bài không niêm, không luật, không hạn chữ, hạn câu (…).

Ấy là những bài gọi là Thơ buông (Chân Phương, Hà Nội, 1928) của một sinh viên trường Cao đẳng, Ô. Lê Khánh Đồng, đã làm một trò cười cho chúng ta hồi nhỏ. Những bài như thế mà dám mạo danh là thơ, cứ thời bấy giờ thực đáng khép vào tội phạm thượng. Một sự biến cố dường ấy mà xẩy ra được, dầu không được công nhận, cũng đủ chứng rằng cái thời vận luật Đường đã cực kỳ suy vi” (Thi nhân Việt Nam, 1942)...

Ở đây cần chú ý cách nói của Hoài Thanh - Hoài Chân khi cho rằng lối thơ buông “đã làm một trò cười cho chúng ta hồi nhỏ” không phải vì chất lượng thơ kém mà trước hết bởi lối thơ khởi nguồn này quá mới lạ, hình thức quá khác biệt, xa lạ, tân kỳ, lệch pha so với các thể thơ quen thuộc. Sự “cười” trước những khác biệt, tân kỳ sau này sẽ trở nên quen mắt quen tai hơn và trở thành dòng chủ lưu với đại chúng độc giả phong trào Thơ mới.

*

So với nhiều tác giả Thơ mới, Lê Khánh Đồng đã giữ vai trò người đi tiền trạm, thử nghiệm vào giai đoạn đêm trước phong trào Thơ mới (1932-1945). Nếu như hoạt động dịch thuật của Lê Khánh Đồng góp phần đưa đến nguồn xúc cảm mới, chủ đề chủ điểm mới thì phần sáng tác là những thử nghiệm thực sự mới mẻ về hình thức, được người đương thời ghi nhận, chào đón.

Trên phương diện văn học sử, sáng tác và dịch thuật thơ ca của nhà tiền trạm Lê Khánh Đồng ghi dấu sự gắn kết, chuyển hóa nền thơ cổ và kim, dân tộc và hiện đại, phương Đông và phương Tây, giữ vai trò mầm triệu, gây dựng, khơi dòng, xây nền đắp móng phong trào Thơ mới giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ