Đắng cay sau 'cơn sốt' đất: 'Chết chìm' vì nợ ngân hàng

GD&TĐ - Sau cơn 'sốt đất', giấc mộng màu hồng làm giàu từ đất dần biến thành bức tranh với gam màu xám xịt.

Rót tiền vào cơn 'sốt đất', nhiều nhà đầu tư đang 'gồng gánh' những khoản lãi ngân hàng lớn.
Rót tiền vào cơn 'sốt đất', nhiều nhà đầu tư đang 'gồng gánh' những khoản lãi ngân hàng lớn.

Không ít nhà đầu tư đang “ba chân bốn cẳng” xoay xở trả nợ ngân hàng. Đất “chìm”, tiền vay “chôn” trong đất, nhiều người cay đắng khi nhận ra hạnh phúc gia đình họ lung lay, có thể tan vỡ... vì đất.

Sập bẫy “ma trận” của môi giới

Sau nhiều năm tích cóp, anh Lê Minh Quang, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) định tìm kiếm mua một miếng đất để đầu tư. Tuy nhiên, với số vốn khoảng vài trăm triệu đồng, mua đất ở thành phố gần như là không thể.

Vì vậy, anh Quang lên mạng tìm thông tin những khu đất ở các huyện vùng ven TP Hà Nội như: Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì, Hoài Đức…

Sau khi để lại số điện thoại trên các trang mua bán nhà đất, anh được một người tên Hà xưng là nhân viên môi giới của sàn bất động sản và giới thiệu bên họ đang phân phối sản phẩm đất nền phân lô tại huyện Thạch Thất. Với lời mời gọi hấp dẫn, lại cộng thêm tâm lý muốn mua giá rẻ để đầu tư, anh Quang đã đồng ý đi xem đất.

Theo lời kể của anh Quang, lúc lên xe đi xem đất, trên xe đi cùng có nhiều khách hàng bàn tán rôm rả về tương lai của khu đất ở Thạch Thất. Nhân viên môi giới ngồi vây quanh khách hàng tư vấn rất nhiệt tình.

Phía đầu xe thì liên tục công bố ông H, bà T… đã đặt cọc thành công, sau đó là 30 phút “giờ vàng” - giảm giá ngay 40 đến 50 triệu đồng tiền mua đất cho những khách hàng đặt cọc ngay thời điểm đó. Rồi chỉ còn những lô cuối cùng dành cho khách hàng nhanh tay nhất…

Mặc dù là người khá cẩn thận nhưng thấy mọi người trên xe đặt cọc tán loạn, sợ mình chần chừ lại lỡ mất cơ hội nên anh Quang cũng đặt cọc 50 triệu đồng để mua mảnh đất 80m2, với giá 9 triệu đồng/m2.

Sau khi hoàn tất thủ tục công chứng và nộp đủ số tiền, anh Quang mới tá hỏa phát hiện giá của lô đất mình mua chênh lệch quá lớn so với giá gốc của chủ đầu tư.

Giá bán thực tế của lô đất chỉ khoảng 6 triệu đồng/m2, thậm chí có lô đang được bán với giá thấp hơn. Tính ra, lô đất của anh Quang bị kê giá lên gần gấp đôi so với thực tế. Quá bức xúc, anh Quang liên lạc lại với nhân viên tên Hà để hỏi thì người này không nghe máy.

“Tôi đã quá bất cẩn khi hoàn toàn tin tưởng lời của nhân viên tư vấn, không tìm hiểu rõ thông tin công ty, thông tin dự án, giá đất khu vực mà đã đồng ý xuống tiền mua đất. Giờ tiền đã nộp, hợp đồng đã ký nên mình cũng không thể kiện cáo gì họ được. Tôi chỉ ức là họ “móc túi” khách hàng một cách quá đáng”, anh Quang chia sẻ.

“Tán gia bại sản” vì trả nợ ngân hàng

Nghe bạn bè bàn tán về đất nền vùng ven TP Hà Nội tăng giá mạnh, đầu năm 2020, bà Phạm Hương Lan (huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) lặn lội xuống Hà Nội để tìm hiểu thị trường.

Thời điểm đó, thị trường bất động sản Hà Nội đang bước vào giai đoạn sốt nóng cục bộ tại nhiều địa phương ven đô. Giá đất ở các khu vực ngoại thành đã vọt lên 50 - 100% so với đầu năm 2019.

Bà Lan lấy hết tiền tiết kiệm gửi ngân hàng mua một lô đất ở Ba Vì với giá hơn 1 tỷ đồng. Khoảng vài tháng sau có người trả giá 2,3 tỷ nhưng bà Lan không bán mà đợi giá lên tiếp.

Nhận thấy việc đầu tư có vẻ dễ ăn, bà Lan bàn với chồng thế chấp căn nhà 5 tầng đang ở để vay ngân hàng 2 tỷ đồng mua tiếp 1 lô đất tại Quốc Oai. Nhưng sau khi bà Lan mua lô đất thứ hai thì TP Hà Nội bất ngờ đề nghị kiểm tra vấn nạn tung tin sai lệch về các dự án để đầu cơ, đẩy giá khiến thị trường tại các khu vực đang tăng giá chóng mặt dần hạ nhiệt. Các lô đất của bà Lan bị “mắc kẹt”, không thể đẩy hàng.

“Khi tôi vay lãi suất chỉ ở mức 7%/năm, sau đó ngân hàng tăng lãi suất lên mức 9,5%/năm và đến năm nay đã lên đến gần 12%/năm. Chỉ trong gần 2 năm, tiền lãi tôi phải trả đã gần nửa tỷ đồng.

Trong khi đó, 2 lô đất vẫn chưa bán được, thêm vào đó còn phải trả gốc vay theo phương án đã vay ngân hàng, tôi đã bị quá hạn nhiều tháng nay. Căn nhà của tôi đã bị ngân hàng treo án phát mại”, bà Lan cay đắng nói.

Cũng bị cuốn theo giấc mơ làm giàu nhanh từ đất, anh Đức Trung, một nhà đầu tư Hà Nội lại chọn Phú Quốc làm nơi “hạ cánh”. Thời điểm lên “cơn sốt” đất cuối năm 2019, anh bỏ ra 4 tỷ đồng mua 1 công đất (1.000 m2) ở xã Cửa Dương với hi vọng sẽ đẩy được hàng với giá 6 - 8 tỷ trong vòng 1 - 2 tháng.

Tuy nhiên, giấc mộng màu hồng của anh Trung tan nát khi thị trường bất động sản đột ngột hạ nhiệt, cùng với việc dịch bệnh Covid-19 bùng phát nên mọi giao dịch chững lại.

Dù đã đăng thông tin để bán cắt lỗ 20 - 30%, nhưng đến nay thửa đất của anh Trung vẫn chưa có khách hàng tìm đến trong lúc tiền lãi ngân hàng đều đặn phải trả hàng tháng. Từ chỗ tiêu tiền quyển, giờ anh Đức Trung chạy Grab để thêm thắt gánh khoản lãi trả nhà băng hàng tháng.

“Lời không thấy đâu mà tháng nào cũng phải còng lưng trả lãi ngân hàng. Khoản nợ gần 4 tỷ đồng vẫn còn treo lơ lửng trên đầu, không biết khi nào mới có thể trả nổi”, anh Trung chua chát nói.

Câu chuyện của bà Lan và anh Trung chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp bị “vỡ trận” về tài chính khi liều lĩnh vay quá nhiều tiền ngân hàng để đầu tư nhà đất.

Thời điểm sốt đất, nhiều ngân hàng đưa ra hạn mức cho vay rất lớn. Vì việc tiếp cận dòng vốn vay dễ dàng, nhiều người “tay ngang”, đầu tư theo phong trào sẵn sàng mạo hiểm dùng đòn bẩy tài chính này để quyết làm giàu một phen. Giàu thì chưa thấy, nhưng áp lực trả nợ, hạnh phúc gia đình trắc trở thì đang hiện hữu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.