Đắng cay sau 'cơn sốt' đất: Thanh lọc 'cò đất'

GD&TĐ - Việc thị trường địa ốc lắng xuống vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để thanh lọc đội ngũ môi giới.

Hàng loạt sàn giao dịch bất động sản đóng cửa do thị trường trầm lắng.
Hàng loạt sàn giao dịch bất động sản đóng cửa do thị trường trầm lắng.

Khó khăn sẽ loại bỏ những người “ăn theo” và để lại những người có năng lực thực sự.

Nghề môi giới “kẻ cười, người khóc”

Trong những tháng đầu năm 2023, nhiều sàn môi giới bất động sản rơi vào tình cảnh không có giao dịch. Họ phải chịu cảnh thua lỗ khi mà chi phí quảng cáo vẫn đổ ra, nhưng không bán được hàng hoặc lượng hàng chốt được không đáng kể.

Anh Hà Văn Quang, Giám đốc sàn giao dịch bất động sản tại quận Thanh Xuân, Hà Nội (chuyên bán đất nền các dự án tại Vĩnh Phúc) cho biết, nhiều người làm môi giới đã bỏ nghề; một số đội, nhóm của sàn tan rã do không trụ được sau nhiều tháng không phát sinh giao dịch.

Việc tuyển quân mới cũng đang gặp khó, dù sàn giao dịch đã tăng lương cứng, tăng hỗ trợ chi phí marketing so với trước.

Giám đốc sàn giao dịch này chia sẻ, phần lớn các nhân sự ngành môi giới nghỉ việc ở thời điểm khó khăn này thường là những nhân sự trẻ, mới, chưa gắn bó lâu với nghề hoặc là những nhân sự không giỏi nghề.

“Chính tại thời điểm thị trường đang gặp nhiều biến cố, họ không có tích lũy cả về tài chính và kinh nghiệm nên tự nghỉ hoặc bị đào thải. Những nhân sự bán hàng giỏi, là best seller vẫn đang gắn bó với nghề, kể cả trong giai đoạn khó khăn”, anh Quang nhấn mạnh.

Anh Hoàng Văn Hữu, nhân viên kinh doanh bất động sản cho biết, trong 3 tháng gần đây, nhóm anh Hữu vẫn có giao dịch nhưng số lượng ít, chỉ bằng một phần rất nhỏ so với giai đoạn thị trường tốt.

Đáng nói, lợi nhuận từ các giao dịch, sau khi trừ các chi phí đã bỏ ra, là không đáng kể. Do đó, anh Hữu và một thành viên khác trong nhóm đang bán thêm hàng gia dụng online để tăng thu nhập.

Cũng theo anh Hữu, nhiều nhân viên kinh doanh trong sàn đã nghỉ việc, chuyển sang làm các nghề khác do nhiều tháng liền không có giao dịch. “Có bạn thì xác định nghỉ hẳn, bạn thì xác định nghỉ tạm thời, chờ thị trường khởi sắc sẽ quay trở lại bán bất động sản”, anh Hữu nói.

Trong khi đó, anh Nhữ Hoàng Linh không bỏ nghề, nhưng bỏ sàn cũ tìm sàn mới để tiếp tục bán bất động sản. Anh Linh cho biết, lý do rời sàn cũ là do sàn anh chuyên bán các dòng sản phẩm thấp tầng cao cấp có giá trị hàng chục tỷ đồng.

Dòng sản phẩm “triệu đô” này thanh khoản đang rất yếu nên anh Linh chuyển sang làm cho một sàn có nguồn hàng mới là một dự án chung cư của Ecopark.

“Tôi nghĩ trong bối cảnh này thì bất động sản hướng tới nhu cầu ở thực là chung cư sẽ luôn có khách hàng nên quyết định chuyển hướng”, anh Linh chia sẻ và khoe đã bán được 2 căn hộ trong 2 tháng gần đây.

Chị Nguyễn Kim Mai quê Bắc Giang từng làm môi giới bất động sản lại không được may mắn. Sau khi sinh con, chị Mai xin đi làm trở lại bằng nghề tư vấn bất động sản tại dự án chung cư ở Hoài Đức.

Thời gian đầu, công việc khá vất vả do không có nhiều quan hệ. Làm được một thời gian, chị Mai bắt đầu chán nản vì mức lương khá thấp, nguồn thu nhập chính là hoa hồng bán hàng. “Nhìn ở ngoài thấy hào nhoáng, nhưng thực chất môi giới nhịn đói đi làm đấy”, Mai nói.

Áp lực cơm áo gạo tiền, chị Mai quyết định xin nghỉ việc, về nhà làm đồ ăn nướng bán vỉa hè. Chị Mai cho hay, tuy công việc bán đồ ăn vất vả, nhưng bù lại có thu nhập ổn định. Mỗi ngày chị cũng có tiền triệu để lo cho gia đình, con nhỏ.

Thời điểm “vàng” để thanh lọc

Nhiều công ty bất động sản biến thành quán trà đá.

Nhiều công ty bất động sản biến thành quán trà đá.

Nhìn nhận về thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường trầm lắng là giai đoạn thanh lọc nhân sự nghề môi giới bất động sản.

Thời kỳ thị trường sôi động, đặc biệt là nóng sốt, đã chứng kiến sự bùng nổ nhân sự của nghề này. Mức hoa hồng khủng của mỗi giao dịch thành công khiến nghề môi giới bất động sản có sức hút riêng. Đặc biệt, khi thị trường nóng sốt, việc kiếm tiền có phần dễ dàng nên nhân sự của rất nhiều ngành nghề khác cũng tham gia làm môi giới.

Theo số liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 300.000 môi giới bất động sản đang hoạt động. Tuy nhiên, số lượng môi giới được cấp chứng chỉ hành nghề rất khiêm tốn, đạt khoảng 35.000 người.

Đại bộ phận các nhà môi giới hiện chỉ được đào tạo ngắn hạn về chính sách bán hàng của dự án bất động sản, thiếu chuyên nghiệp và chưa mang tính dài lâu.

Do đó, ông Đính cho rằng không khó hiểu khi thị trường trầm lắng, khó khăn, nhân sự của ngành có biến động lớn là nghỉ việc, bỏ nghề. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội để ngành môi giới bất động sản thanh lọc nhân sự, các đơn vị tuyển dụng có những kế hoạch dài hơi, bài bản hơn trong công tác tuyển dụng, đào tạo người.

Ghi nhận của phóng viên ở nhiều địa điểm tại TP Hà Nội thấy rõ sự đìu hiu của các văn phòng môi giới bất động sản. Không còn cảnh tấp nập, nhộn nhịp mời chào mua nhà, đất nền như thời điểm trước. Các văn phòng giao dịch nhà đất tự phát rủ nhau đóng cửa...

Một số quận, huyện ngoại thành Hà Nội như: Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, huyện Hoài Đức… từng nhan nhản sàn giao dịch tự phát, nhưng đến nay đã đóng kín cửa.

Chỉ riêng trong Khu đô thị Vân Canh hay như Khu đô thị Nam An Khánh (huyện Hoài Đức) từ hàng chục điểm tư vấn nhà đất, giờ chỉ còn một sàn giao dịch hoạt động èo uột.

Chị Nguyễn Hương Nhi, một nhà đầu tư bất động sản lâu năm, dành lời khuyên cho môi giới trong giai đoạn này, đó là: Hãy ngồi với nhóm và lãnh đạo của mình, để dự đoán các kịch bản xảy ra và tận dụng khoảng thời gian này tích luỹ kiến thức và kết nối khách hàng tốt hơn.

Cũng theo vị này, nếu môi giới quá thụ động, chỉ chờ thị trường sôi động mà không có hành động nào cụ thể thì sẽ bị rơi nhịp. Thị trường bất động sản dự báo vẫn còn khó khăn kéo dài, do đó môi giới phải chuẩn bị một kế hoạch dài hơi hơn, ít nhất là 12 tháng thì mới có thể trụ lại với nghề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...