Vụ hàng chục hộ dân 'kêu cứu' vì công trình gần 500 tỷ đồng ở Sơn La:

Dân than đền bù không thỏa đáng

GD&TĐ - Nhiều hộ dân ở Sơn La từng 'kêu cứu' đã nhận tiền đền bù sau khi các vết nứt ở tường nhà liên tục xuất hiện do thi công tuyến đường tránh thành phố.

Toàn cảnh khu vực 19 hộ dân ở bản Sàng sinh sống gần nút giao Km302 + 500 thuộc gói thầu RAP/CP21.
Toàn cảnh khu vực 19 hộ dân ở bản Sàng sinh sống gần nút giao Km302 + 500 thuộc gói thầu RAP/CP21.

Hàng chục hộ dân ở Sơn La từng “kêu cứu” đã nhận tiền đền bù sau khi các vết nứt ở tường nhà liên tục xuất hiện do thi công tuyến đường tránh thành phố. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, mức bồi thường mà họ nhận là quá “bèo bọt”.

Ký nhận... cho xong!

Ngày 3/8, Báo GD&TĐ đăng tải bài viết: “Hàng chục hộ dân “kêu cứu” vì công trình gần 500 tỷ đồng ở Sơn La”. Ngày 8/8, nhà thầu thi công liên danh Nam Invest - 656 và phía bảo hiểm công trình đã làm việc với 19 hộ dân bị nứt tường nhà để giải quyết đền bù.

Tuy nhiên, theo người dân phán ánh, tiền đền bù chưa thoả đáng. Lý do là nhà ở bị nứt nẻ nhiều, chi phí sửa chữa sẽ đội lên cao. Trong khi số tiền đền bù của công ty ít nên bà con sẽ phải bỏ tiền túi ra sửa.

Là một trong 19 hộ dân bị nứt nhà, anh Quàng Văn Xuân, bản Sàng, xã Hua La nói: “Tới dự cuộc làm việc với chúng tôi có đại diện Ban QLDA 3, bên Công ty Nam Invest có bà Hoàng Thị Hương Giang. Còn bên bảo hiểm công trình có một người. Sau khi làm việc với các đơn vị, chúng tôi đã ký lấy tiền rồi. Gia đình tôi được đền bù 14 triệu đồng. Trong số 19 hộ bị ảnh hưởng, hộ được nhiều nhất là 17 triệu đồng, hộ ít nhất là 2 triệu đồng. Dù tôi thấy đền bù không thoả đáng, nhưng có còn hơn không”.

Còn anh Hà Văn Pản, bản Sàng chia sẻ: “Nhà tôi bị nứt 1 phòng ngủ, 1 phòng khách, chỗ tường gần cầu thang lên tầng 2 cũng bị nứt. Tum ở trên tầng 2 bị nứt, tách hẳn ra, trời mưa thì nước dột vào, phải hứng chậu, rất khổ. Bà Giang, bên phía Công ty Nam Invest và bảo hiểm xuống kiểm tra rồi. Bà Giang còn bảo tôi yên tâm, việc này Nhà nước sẽ có trách nhiệm, bảo hiểm cũng sẽ có trách nhiệm”.

“Vừa rồi, gia đình tôi được đền bù 5 triệu đồng, dù chưa được như mong muốn, nhưng còn hơn là không được đồng nào. Với lại sợ bên nhà thầu thi công không lên nữa nên các hộ dân ai cũng đã ký xác nhận lấy tiền đền bù rồi. Giờ, muốn sửa nhà thì chấp nhận bỏ tiền túi ra thôi”, anh Pản nói.

Ông Quàng Văn Biu, Chủ tịch UBND xã Hua La cho biết: Sau khi đại diện nhà thầu, Ban Quản lý dự án 3 và đơn vị bảo hiểm lên làm việc với người dân thì đã phát sinh thêm 1 hộ nữa. Do đó, tổng số hộ bị ảnh hưởng nứt nhà được xác định là 20 hộ. Hiện, 20 hộ này đã ký nhận đền bù với tổng số tiền là hơn 137 triệu đồng”.

Ngôi nhà của anh Hà Văn Pản, bản Sàng bị nứt tường thành 1 vệt dài.

Ngôi nhà của anh Hà Văn Pản, bản Sàng bị nứt tường thành 1 vệt dài.

Nhà của ông Lò Văn Ban, bản Sàng bị nứt 3 phòng ngủ và phòng khách.

Nhà của ông Lò Văn Ban, bản Sàng bị nứt 3 phòng ngủ và phòng khách.

Đã thanh toán hết

Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND TP Sơn La cho rằng: Để xảy ra tình trạng 20 hộ dân bị nứt nhà, chậm nhận được tiền đền bù như cam kết, trách nhiệm thuộc về nhà thầu thi công và chủ đầu tư.

Ông Phương thông tin: Thành phố đã phối hợp với các đơn vị và chủ đầu tư, xem xét đánh giá thiệt hại để hỗ trợ, bảo đảm quyền lợi cho người dân. Chúng tôi đã chỉ đạo xã báo cáo toàn bộ vụ việc và cá nhân tôi cũng đã gửi văn bản xuống Bộ GTVT, Cục Đường bộ đề nghị nhà thầu lên phối hợp giải quyết cho người dân.

Theo ông Phương, trong quá trình thi công dự án, các nhà thầu còn vận chuyển vật liệu xây dựng gây hư hỏng một số đoạn đường liên xã. Dù họ đã sửa và hoàn trả rồi song không đúng theo yêu cầu của thành phố. Thành phố mong muốn rải nhựa asphalt lại hết, để người dân đi lại thuận lợi hơn, nhưng Cục Đường bộ không chấp thuận.

Bà Hoàng Thị Hương Giang - đại diện gói thầu RAP/CP21 (do liên danh Nam Invest - 656 thi công) cho biết: “Chúng tôi đã thống nhất với các hộ dân. Bà con đã đồng ý nhận tiền đền bù. Chúng tôi cũng đã chi trả số tiền cho người dân”.

Theo bà Giang, các ngôi nhà của người dân bị ảnh hưởng có những vết nứt tường đã xuất hiện từ trước và có vết nứt mới do thi công công trình.

Biên bản hiện trường và danh sách 19 hộ dân ở bản Sàng, xã Hua La bị ảnh hưởng được đền bù.

Biên bản hiện trường và danh sách 19 hộ dân ở bản Sàng, xã Hua La bị ảnh hưởng được đền bù.

Ngày 8/8, các hộ dân được đơn vị nhà thầu, bảo hiểm và đại diện Ban Quản lý dự án 3 mời lên làm việc về tiền đền bù.

Ngày 8/8, các hộ dân được đơn vị nhà thầu, bảo hiểm và đại diện Ban Quản lý dự án 3 mời lên làm việc về tiền đền bù.

Theo anh Pản, trước đây đại diện bên phía nhà thầu cho rằng cứ lu mạnh để các vết nứt càng to càng tốt. Còn trách nhiệm sẽ để cho bên phía công ty bảo hiểm lo. “Họ hô hào quân tăng tốc độ lu đường, làm nhà tôi rung mạnh. Bà Giang còn nói là lu mạnh để nứt càng to càng tốt. Về sau bảo hiểm sẽ có trách nhiệm đền bù”, anh Pản nói.

Còn bà Hoàng Thị Hương Giang - đại diện gói thầu RAP/CP21 (do liên danh Nam Invest - 656 thi công) thì cho rằng: Không bao giờ nói với người dân cứ để nứt càng to càng tốt. Việc thanh toán tiền đền bù thì cả nhà thầu và phía bảo hiểm chịu trách nhiệm. Hiện, cũng đã thanh toán hết.

“Tuyến đường tránh TP Sơn La có chiều dài 19,5 km, được Cục Đường bộ Việt Nam đầu tư với tổng mức gần 500 tỷ đồng. Tuyến đường đã được thông xe từ 6/1. Tại gói thầu RAP/CP21 thuộc Dự án đường Quốc lộ 6 (đoạn tránh thành phố) do liên danh Nam Invest - 656 thi công đã làm nứt nẻ nhà ở của hàng chục hộ dân. Các hộ dân này đã “kêu cứu” những mong nhận được tiền đền bù thỏa đáng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.