Cao tốc chạy qua, đất Sơn La... hóa vàng

GD&TĐ - Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu vừa khởi động, từ những vạt đồi vốn 'cho không ai lấy' giờ đã lên giá bạc tỷ.

Đất đai tại huyện Vân Hồ (Sơn La) đang được giao dịch mua bán, chuyển nhượng sôi động.
Đất đai tại huyện Vân Hồ (Sơn La) đang được giao dịch mua bán, chuyển nhượng sôi động.

Cơn sốt đất lại xuất hiện khiến cho không ít người bất chấp rủi ro lao vào “canh bạc” bán - mua...

Sỏi đá... thành “cơm”!

“Cơn sốt” đất đang diễn ra chóng mặt tại 3 xã: Chiềng Khoa, Chiềng Yên, Mường Men thuộc huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Nhiều nhà môi giới đất, chủ đầu tư đến từ Hà Nội và các tỉnh đến săn tìm mua đất đồi với giá cao ngất ngưởng… sau khi đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La) vừa được khởi công xây dựng ngày 26/2. Có khoảng 30 km qua địa bàn 3 xã nói trên của huyện Vân Hồ.

Người dân địa phương cho biết, trước đây chưa có chủ trương làm đường cao tốc, đất đai ở đây khá rẻ. Bà con chủ yếu trồng chè, ngô, sắn. Thậm chí có những khu đất không dùng đến, chủ đất cho hàng xóm, anh em họ hàng mượn làm nương là chuyện bình thường.

Tuy nhiên, hiện nay đường cao tốc đang được triển khai thì giá đất tăng “chóng mặt”. Có hộ bán đất nương cũng thu về 2 - 3 tỉ đồng, tùy diện tích lớn hay nhỏ.

Tại các khu đất mà đường cao tốc chạy qua có vị trí đẹp, mức giá bán lên đến hơn chục tỉ đồng. Không chỉ các khu đất gần đường cao tốc tăng giá mà tại các khu đất đồi trồng chè, ngô, sắn của người dân trước đây bán không ai mua, cho không ai “ngó” tới hoặc bỏ hoang, nay cũng có giá vài tỉ đồng.

Tuỳ theo diện tích, các khu đất đồi sẽ được chủ hộ thỏa thuận bán cho đối tác từ các tỉnh dưới xuôi như: Hà Nội, Ninh Bình, Thái Nguyên, Hà Nam... lên mua.

Bên cạnh đó, khu đất đồi sở hữu “view” đẹp thì được giới đầu tư hoặc người môi giới định giá lên đến 6 - 7 tỉ đồng. Thời điểm này giao dịch mua bán, chuyển nhượng ở huyện Vân Hồ vẫn diễn ra đều đặn. Hàng tuần, hàng tháng đều có đoàn người đi xe sang đến tìm hiểu mua đất đồi.

Đang ngắm nhìn khu đất đồi của 1 hộ dân ở xã Chiềng Khoa chào bán, ông Nguyễn Văn Dũng đến từ Hà Nội cho biết: “Tôi vừa mới nghỉ chế độ, từ lâu thấy huyện Mộc Châu, Vân Hồ được nhiều người nói có khí hậu mát mẻ, cảnh quan đẹp.

Hôm nay, tôi lên tìm hiểu xem có khu đất nào phù hợp để mua làm trang trại nông nghiệp. Khi cao tốc hoàn thiện thì đường đi sẽ được rút ngắn, việc đi lại giữa Hà Nội - Vân Hồ - Mộc Châu sẽ rất thuận tiện”.

Trong vai người mua đất đồi làm trang trại nông nghiệp, phóng viên được người dân và “cò đất” dẫn đi xem một số khu đất tại xã Chiềng Khoa, Chiềng Yên. Họ cho rằng những thửa đất này có vị trí đẹp, bám mặt đường lớn, gần nút giao cao tốc và đất đồi có “view” đẹp, được rao bán với giá khá cao.

Đa số các diện tích đất này đều là đất trồng cây hàng năm và đất sản xuất, nhưng được định giá rất cao vì sắp có đường cao tốc chạy qua. Tại xã Chiềng Yên, có đường cao tốc đi qua 3 bản như: Suối Mực, Piềng Chà, Pà Puộc.

Khu đất đồi gần 3 ha ở bản Piềng Chà, xã Chiềng Yên được ông Bàn Văn Quân định giá bán gần 7 tỉ đồng, vì có “view” đẹp, rất phù hợp cho việc làm homestay hoặc làm du lịch.

Ông Hà Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã Chiềng Yên, cho biết, đường cao tốc đi qua cách trung tâm xã khoảng 2 km. Tuy nhiên, nhà đầu tư tìm mua đất chủ yếu tập trung ở các bản: Phụ Mẫu, Nà Bai, Tuyết, khu suối nước nóng, thác Tà Nàng.

Tại các khu vực này có cảnh đẹp, rất thích hợp cho đầu tư phát triển du lịch. Đa số họ tự thỏa thuận, việc mua bán chủ yếu là giấy viết tay để giao dịch với nhau. Vài năm gần đây, du lịch homestay và tham quan trải nghiệm thác Tà Nàng, suối nước nóng được nhiều du khách biết đến.

Khu đất đồi ở bản Chiềng Lè, xã Chiềng Khoa được chủ hộ bán với giá gần 2 tỉ đồng.

Khu đất đồi ở bản Chiềng Lè, xã Chiềng Khoa được chủ hộ bán với giá gần 2 tỉ đồng.

Mua bán “chui” bằng giấy viết tay

Chúng tôi tiếp tục tìm hiểu tại xã Chiềng Khoa. Ở đây có mảnh đất với diện tích hơn 1 ha tại bản Chiềng Lè, đang trồng chè. Thửa đất này của ông Vì Văn Bình. Ông Bình nhận định là phù hợp cho làm trang trại nông nghiệp nên có thể bán với giá gần 2 tỉ đồng.

“Vừa rồi, có người đến hỏi mua, nhưng tôi quyết không bán. Tôi chờ xem một thời gian nữa, giá đất tăng hay giảm rồi bán vẫn chưa muộn”, ông Bình nói.

Ông Vì Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Chiềng Khoa, cho biết: “Trên địa bàn xã có đường cao tốc đi qua 4 bản: Páng, Chiềng Lè, Nà Chá, Mường Khoa. Về tình trạng mua đất đồi của người dân trên địa bàn xã là có.

Người mua chủ yếu là ở Hà Nội lên, tuy nhiên, họ tự thống nhất với các hộ muốn bán đất nương. Chúng tôi chưa nhận được hồ sơ một trường hợp nào giao dịch đất cả.

Khu đất đồi ở bản Chiềng Lè, xã Chiềng Khoa được chủ hộ bán với giá gần 2 tỷ đồng.
Khu đất đồi ở bản Chiềng Lè, xã Chiềng Khoa được chủ hộ bán với giá gần 2 tỷ đồng.

Chúng tôi nghe phong thanh có hộ dân bán đất nương từ hơn 1 - 3 tỉ đồng, tuỳ theo diện tích đất. Đa số các nhà đầu tư lên mua, chủ yếu là đất đồi chưa có đường sá đi qua. Tình trạng sốt đất nhất là từ năm 2021 - 2022”.

“Để tránh tình trạng khiếu kiện, khiếu nại về sau, chúng tôi đã tuyên truyền đến bà con không nên tự ý bán đất. Nếu bán thì cần lên cơ quan chức năng công chứng cụ thể giữa người bán và người mua.

Với lại, nếu bán đi là mất đất và sau này con cháu sẽ không có đất sản xuất. Người dân chủ yếu làm bằng nông nghiệp, không có thu nhập ổn định, tiền có rồi sẽ tiêu hết, lúc đó lại phải đi làm thuê”, ông Huy cho hay.

Theo số liệu báo cáo từ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Vân Hồ, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện đã thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên 50 trường hợp.

Trong đó, nhiều nhất là đất trồng cây lâu năm và trồng cây hàng năm khác. Người nhận chuyển nhượng, ngoài người dân tại Vân Hồ, Mộc Châu còn có nhiều người đến từ Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình…

Ông Nguyễn Hợp Cường, Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ, xác nhận có tình trạng các bên giao dịch bằng giấy tờ viết tay để mua đất với nhau, nhưng chủ yếu là đất đồi.

“Tại các cuộc họp, chúng tôi đã chỉ đạo các xã, ban, ngành liên quan hạn chế ký các thủ tục chuyển nhượng đất. Đồng thời, chúng tôi tổ chức tuyên truyền đến người dân không được tự ý bán đất. Bởi, không cẩn thận, sau này bà con bán đất xong lại đi làm thuê trên chính mảnh đất của mình”, ông Cường thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ