Tuy nhiên, do cộng hưởng nhiều tác động, mực nước năm nay rút xuống sâu hơn đã khiến nhiều người dân lo lắng.
Tác động cộng hưởng
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh ghi lại cảnh lòng hồ thủy điện Sơn La (đoạn qua thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên), bị cạn trơ đáy. Sau khi đăng tải, hàng loạt chia sẻ đã bày tỏ sự xót xa khi đem so sánh với hình ảnh một lòng hồ đầy thơ mộng vẫn thường thấy trước đó.
Nhiều người bày tỏ sự lo lắng trước thực trạng cạn kiệt nguồn nước một cách bất thường. Tuy nhiên, theo ông Vũ Hồng Sơn, Giám đốc Sở Công Thương Điện Biên thì đây không phải là hiện tượng bất thường mà diễn ra thường niên, kể từ khi thủy điện đi vào hoạt động.
“Tại thị xã Mường Lay, hàng năm đều ghi nhận tình trạng này. Do tác động từ quá trình điều tiết thủy điện. Tuy nhiên, năm nay cộng hưởng nhiều nguyên nhân khác nhau khiến cho mực nước xuống sâu hơn. Đặc biệt là ảnh hưởng của hiện tượng El Nino”, ông Sơn cho hay.
Theo phân tích, để thực hiện Dự án Tái định cư thủy điện Sơn La, thị xã Mường Lay đã di chuyển dân đến nơi ở mới, nhường nơi cũ cho vùng lòng hồ. Từ đó đến nay, địa phương này được phân thành 2 mùa rõ rệt, tương ứng với quá trình điều tiết nước cho thủy điện.
“Từ tháng 3 - 8 hàng năm, hồ thủy điện bắt đầu quá trình xả nước để phục vụ việc sản xuất điện và tưới tiêu nên Mường Lay bước vào mùa nước cạn. Đến khoảng tháng 9, hồ sẽ tích nước trở lại và mùa nước nổi kéo dài đến tháng 2 năm sau”, ông Sơn cho biết thêm.
Thừa nhận thực trạng này đã diễn ra nhiều năm, ông Hoàng Văn Quyền, Chủ tịch UBND thị xã Mường Lay cho rằng đây chính là nguyên nhân khiến địa phương gặp khó trong giải quyết “bài toán” sinh kế cho người dân suốt thời gian dài.
Ông Quyền cho biết: Khoảng 2 - 3 năm đầu sau khi thủy điện đi vào hoạt động, bà con đầu tư nuôi cá lồng; sắm thuyền, bè để hoạt động đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên, do nước hồ liên tục điều tiết phục vụ thủy điện, hướng phát triển kinh tế này không khả thi nên địa phương đã tìm hướng chuyển đổi ngành, nghề cho bà con.
Đa phần người dân Mường Lay hiện nay đi lao động ngoại tỉnh; sản xuất các ngành nghề thủ công (đan lát, làm bánh khẩu xén…), kinh doanh dịch vụ, du lịch… Ngoài ra, vào mùa cạn, bà con tranh thủ diện tích bán ngập để canh tác lúa nước, trồng ngô và các loại cây ngắn ngày.
“Hình ảnh lòng hồ cạn trơ đáy, rọ tôm cá vứt ngổn ngang chỉ ghi nhận ở một khu vực nhỏ và ảnh hưởng đến đời sống của số ít bộ phận dân cư. Do hiện nay, số dân sống phụ thuộc vào sông nước còn rất ít và đây cũng không còn là nghề chính. Bà con chủ yếu hoạt động theo mùa vụ và tranh thủ lúc nhàn rỗi. Tuy nhiên, mực nước sụt giảm xuống thấp hơn so với năm ngoái cũng không tránh khỏi việc người dân hoang mang, lo lắng”, ông Quyền chia sẻ.
Người dân thị xã Mường Lay phát triển kinh tế bằng nghề làm bánh khẩu xén. Ảnh: Hải Yến |
Ứng phó nguy cơ thiếu điện
Theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Điện Biên, thực trạng sụt giảm mực nước ở lòng hồ khu vực thị xã Mường Lay không phải cá biệt. Mà đây là hiện tượng diễn ra ở hầu hết các hồ thủy điện, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino.
“Thực trạng này cảnh báo nguy cơ thiếu hụt nguồn nước và tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất của các nhà máy thủy điện. Vì thế, vừa qua chúng tôi cũng đã tiến hành khảo sát đồng loạt các hồ thủy điện trên địa bàn để có đánh giá cụ thể. Từ những ghi nhận thực tế sẽ có tham mưu với địa phương giải pháp ứng phó. Mà trước mắt là điều tiết sử dụng điện trên địa bàn”, ông Sơn cho hay.
Liên quan đến thực trạng này, vừa qua Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên. Theo ông Đỗ Văn Năm, thành viên hội đồng thành viên tổng công ty này chia sẻ thì 12/12 hồ thủy điện lớn trong khu vực đều có lưu lượng nước về rất kém. Thậm chí, tần suất nước về nhiều hồ ghi nhận kém nhất trong 100 năm qua.
“Nguyên nhân chính được xác định là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino dẫn đến tình trạng nắng nóng, hạn hán kéo dài. Thực trạng này gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện. Theo cảnh báo, tình trạng này sẽ tiếp diễn đến cuối mùa cạn năm 2023 và nguy cơ thiếu nước trong thời gian còn lại của mùa cạn vẫn diễn ra nghiêm trọng”, ông Năm thông tin.
Mùa nước cạn, một phần diện tích lòng hồ trơ đáy. Ảnh: Nguyễn Hải |
Trong khi đó, thống kê từ ngành chủ quản thì nhu cầu sử dụng điện đang có xu hướng tăng cao. Đặc biệt vào mùa nắng nóng, các tháng 5, 6, 7. Căn cứ thực tế và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề liên quan, Tập đoàn Điện lực đã có kiến nghị với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm hơn tới công tác sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Riêng đối với Điện Biên, trước chỉ đạo của Chính phủ và kiến nghị của ngành điện lực, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo chung cho các địa phương, cơ quan, đơn vị và người dân.
Phương án đưa ra là điều tiết điện theo giờ đối với khu sản xuất công nghiệp (Nhà máy Xi măng Điện Biên). Giảm 10% nhu cầu sử dụng điện tại các cơ quan, công sở; tùy vào nhu cầu thực tế để giảm từ 50 - 70% thời gian sử dụng điện tại khu vực chiếu sáng đô thị…
“Điện Biên sẽ chung tay cùng ngành điện triển khai tiết kiệm điện có hiệu quả. Đặc biệt tập trung trong khối cơ quan đơn vị hành chính, hệ thống chiếu sáng công cộng, đèn biển quảng cáo… Tận dụng tối đa nguồn sáng tự nhiên. Tuy nhiên, quan điểm là ưu tiên mọi điều kiện để phục vụ sản xuất cho nhân dân”, ông Phạm Đức Toàn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Điện Biên cho hay.