Dân số vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển

Dân số vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát  triển

Năm 1987, tại diễn đàn dân số thế giới, các đại biểu đã quyết định lấy ngày  11 tháng 7 hàng năm là "Ngày dân số Thế giới", nhằm nâng cao nhận thức của toàn thế giới về các vấn đề dân số toàn cầu. Nó được lấy cảm hứng từ Ngày thế giới 5 tỉ người vào 11/7/1987. Cậu bé người Nam Tư Matej Gašpar sinh ra tại thành phố Zagreb là công dân thứ 5 tỷ của Thế giới.

Theo thống kê của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA): Tốc độ gia tăng dân số thế giới rất cao, bình quân 1 phút có 272 trẻ em được sinh ra; 1 giờ đồng hồ có trên 16.300 trẻ em ra đời, mỗi ngày có thêm 393.000 trẻ em được sinh, mỗi năm thế giới tăng thêm 87 triệu người.

Ngày dân số thế giới: Đẩy lùi dịch Covid-19

UNFPA đã quyết địn lấy chủ đề Ngày Dân số Thế giới 11/7/2020 là: "Đẩy lùi COVID-19: Cách thức bảo vệ quyền và sức khỏe của phụ nữ, trẻ em gái trong bối cảnh hiện tại". Bởi năm nay đại dịch COVID-19 đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới tất cả các quốc gia trên thế giới.

Nghiên cứu mới đây của UNFPA nhấn mạnh rằng, nếu các quốc gia tiếp tục áp dụng lệnh cách ly xã hội, các dịch vụ y tế vẫn bị gián đoạn thì 47 triệu phụ nữ ở các quốc gia thu nhập thấp - trung bình sẽ không thể tiếp cận với các phương pháp phòng tránh thai hiện đại. Hệ quả là sẽ có khoảng 7 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn và dự kiến có thêm khoảng 31 triệu vụ bạo lực trên cơ sở giới.

Sự gián đoạn trong việc triển khai các chương trình của UNFPA tại cấp cơ sở có thể dẫn tới 2 triệu trường hợp cắt bỏ bộ phân sinh dục nữ và 13 triệu trường hợp tảo hôn trong giai đoạn 2020 – 2030 mà đáng ra đã có thể ngăn chặn được.

Hưởng ứng ngày Dân số thế giới, tại Việt Nam, các tỉnh thành trong cả nước đã có nhiều hoạt động theo chủ đề bảo vệ quyền và sức khỏe của phụ nữ, trẻ em gái trong bối cảnh hiện tại.

Theo đó, Chi cục DS-KHHGĐ nhiều địa phương đề nghị các đơn vị tổ chức các sự kiện truyền thông trọng điểm trên kênh truyền thông đại chúng các cấp và truyền thông trực tiếp tại cơ sở; tổ chức các hội nghị, hội thảo, mít tinh, cổ động, diễu hành, diễn đàn, đối thoại, giao lưu, tọa đàm cấp tỉnh, cấp huyện về thực trạng, thách thức và giải pháp từng bước giải quyết vấn đề dân số và phát triển trong những thời gian tới.

Đặc biệt, chú trọng tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình; tăng cường truyền thông về bình đẳng giới, nêu cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội.

Dân số với sự phát triển kinh tế - xã hội

Theo số liệu thống kê, dân số Việt Nam tính đến ngày 26/06/2020 là 97.281.949 người. Thống kê mới nhất từ Liên Hợp Quốc cho biết, dân số Việt Nam hiện chiếm 1,25% dân số thế giới.

Đên thời điểm hiện tại, công tác dân số không chỉ tập trung vào mục tiêu chủ động duy trì mức sinh thay thế; giảm chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh; quản lý chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số, mà đã nâng cao chất lượng dân số đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

Theo Tổng cục Dân số, việc kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, đã đẩy nhanh tiến độ hoàn thành kế hoạch triển khai giai đoạn I (2016-2020) thực hiện Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 23/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tại các tỉnh, thành phố, tập trung vào các tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh trên 110 trẻ trai/100 trẻ gái.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã sớm quan tâm đến vấn đề dân số và coi trọng việc hoạch định chính sách dân số. Từ năm 1961, khi dân số khoảng 31 triệu người, nước ta đã ban hành các chính sách liên quan đến dân số.

Cụ thể, từ năm 2011, chúng ta bắt đầu chuyển hướng chính sách từ kiểm soát quy mô dân số sang nâng cao chất lượng dân số với ba mục tiêu cơ bản: Có quy mô hợp lý, cân bằng giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng... Nội dung chính sách về quy mô dân số chuyển từ "chủ động kiểm soát" sang "chủ động điều chỉnh"; tốc độ tăng dân số từ "cản trở" thành "động lực" cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Chính sách dân số bao gồm cả "cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em, phát huy lợi thế của cơ cấu "dân số vàng" và "kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh".

Vì vậy, có thể nói "dân số vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát  triển" và sự thay đổi của các yếu tố dân số đòi hỏi sự phát triển phải đáp ứng tăng nhu cầu và nâng cao chất lượng cuộc sống tương ứng với sự thay đổi của dân số. Nếu sự phát triển không tương ứng hoặc chỉ đáp ứng tăng nhu cầu cho dân số hiện tại, nhưng làm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của dân số tương lai thì sự phát triển đó không bền vững.

Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, việc lồng ghép các biến động dân số vào các chính sách phát triển kinh tế – xã hội là rất cần thiết, trước hết là các kế hoạch về y tế, giáo dục, việc làm và an sinh xã hội. Do đó công tác dân số trở thành một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, là một trong những vấn đề kinh tế - xã hội hàng đầu, là một yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và của toàn xã hội. Vì vậy chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng không thể không tách rời với các yếu tố dân số và trở thành động lực của sự phát triển bền vững của đất nước trong tương lại phát triển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ