Việc dán nhãn phân biệt độ tuổi là một nỗ lực mới trong việc chấn chỉnh tình trạng lộn xộn trong nội dung các xuất bản phẩm dành cho trẻ em thời gian qua, đồng thời mang lại lợi ích thiết thực cho người làm sách.
Dán nhãn là cần thiết
Theo Thông tư 09, khi sử dụng hình ảnh trẻ em để minh hoạ trên xuất bản phẩm, nhà xuất bản phải tuân thủ quy định: Đối với trẻ em dưới 7 tuổi, phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người giám hộ theo quy định và đối với trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên, phải có sự đồng ý của trẻ em và của cha, mẹ, người giám hộ theo quy định hiện hành.
Đối với các loại xuất bản phẩm dành cho trẻ em có nội dung về giáo dục giới tính, chống bạo lực, xâm hại thân thể trẻ em phải ghi dòng chữ “Cha mẹ, người lớn cần hướng dẫn trẻ em đọc” tại trang tên sách hoặc tại bìa 4.
Trên thực tế, việc dán nhãn trên các xuất bản phẩm thiếu nhi đã được một số đơn vị xuất bản thực hiện từ cách nay gần 10 năm. Đi đầu là NXB Trẻ, đơn vị đầu tiên trong cả nước áp dụng hình thức dán nhãn phân biệt độ tuổi cho sách thiếu nhi, thiếu niên. Sách của NXB Trẻ luôn ghi chú trên trang bìa: “Sách cho lứa tuổi thiếu nhi”, “Sách cho lứa tuổi thiếu niên” và “Sách cho lứa tuổi trưởng thành”… Tiếp đến là NXB Kim Đồng đều có những chuẩn khác nhau về độ tuổi phù hợp với nội dung.
Cô giáo Lê Thị Tuyết, GV Văn Trường THPT Hoài Đức (Hà Nội) chia sẻ, việc dán nhãn sách để khoanh vùng bạn đọc là cần thiết, giúp nhà xuất bản định hướng bạn đọc, giúp công ty phát hành phục vụ đúng đối tượng, giúp người đọc đỡ mất thời gian lựa chọn. Phim ảnh từ lâu cũng đã có nhãn, sách cũng nên có. việc dán nhãn sách để những ấn phẩm dành cho người lớn không bị “gọt đầu gọt đuôi”.
Cần quy định rõ ràng và thống nhất
Theo một khảo sát được thực hiện bởi Nhóm các NXB sách dành cho trẻ em (Children"s Book Group of the Publishers" Association), kết quả cho thấy 86% người mua muốn có một hướng dẫn về việc “tuổi nào thì phù hợp với đọc sách nào”. Lợi ích của việc dán nhãn vì thế không thể phủ nhận.
Cô giáo Trần Thị Yến, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho biết, việc phân chia độ tuổi bạn đọc thiếu nhi là một biện pháp hay, giúp các em tìm đọc sách phù hợp với mình, tránh các loại sách có chi tiết “người lớn” gây tác hại không tốt đến tâm lý non nớt của lứa tuổi thiếu nhi.
Ở thiếu nhi, sự nhận thức của các em còn non nớt, sự phân biệt điều tốt - xấu còn ở mức độ thấp. Vào độ tuổi này, sách với các em như con dao hai lưỡi, nó có thể xây dựng tư tưởng, đạo đức, giáo dục những phẩm chất tốt, mà cũng có thể làm các em có những nhận thức, những đánh giá sai lệch về nhiều vấn đề.
Cô giáo Lê Thị Tuyết cũng cho rằng, thời gian gần đây truyện cho thiếu nhi nhưng lại đầy rẫy những hình ảnh, từ ngữ bạo lực, nhảm nhí, phản giáo dục. Quy định cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ trong các xuất bản phẩm sẽ siết chặt hơn tình trạng sách ẩu tràn lan trên thị trường, đồng thời, giúp học sinh từng lứa tuổi có thể chọn sách, đọc sách hiệu quả.
Tuy nhiên, một vấn đề được nêu ra là việc phân chia độ tuổi bạn đọc cho đến nay vẫn chưa có quy chuẩn rõ ràng. Nếu để các đơn vị tự dán nhãn theo chuẩn riêng thì sẽ có nguy cơ dẫn đến việc định dạng sai lứa tuổi bạn đọc, hay thậm chí là để sách dễ bán hơn.
Thiết nghĩ, để thông tư được triển khai hiệu quả, trước hết cần quy định rõ ràng và thống nhất hơn về phương thức cảnh báo. Bên cạnh đó, nên có chiến dịch truyền thông để người dân làm quen, hiểu rõ về việc cảnh báo này, cũng như tầm quan trọng của việc bảo vệ trẻ em khỏi những nội dung không phù hợp.