Bên cạnh những tác độc không tích cực về thẩm mỹ còn biểu hiện của sự xuống cấp văn hóa đọc, người đọc.
Người đọc được “cưng chiều”
Khi nói về sách hay và sách bán chạy chúng ta không thể không bàn về công chúng, người đọc, nghĩa là bàn về mối quan hệ giữa nhà văn và bạn đọc. Thực tế đời sống văn chương hiện nay đã có hiện tượng thỏa hiệp giữa nhà văn và thị hiếu người đọc. Bởi nhà văn bây giờ đã thấm nhuần câu nói cửa miệng viết cái công chúng cần chứ không phải cái chúng ta muốn. Thỏa hiệp trong trường hợp này không hàm nghĩa xấu, có thể chỉ là phương châm “lùi một bước tiến ba bước” và từ đây đã có không ít những sách bán chạy trở thành sách hay.
Thời gian qua làng sách văn họa đã xuất hiện một số hiện tượng xuất bản có thể gọi là xưa nay hiếm của một số tác giả trẻ. 200.000 bản in ra thị trường cho bốn đầu sách: Ngày trôi về phía cũ (45.000 bản), Đường hai ngả người thương thành lạ (55.000 bản), Buồn làm sao buông (70.000 bản), Đi đâu cũng nhớ Sài Gòn và em; Cây bút Dương Thùy, Gào… cũng là những cây bút trẻ có số lượng sách bán chạy và được nhiều bạn đọc yêu thích.
Từ dòng văn học thị trường có thể thấy một thực tế, nhiều nhà văn hiện nay không chỉ sáng tác hay mà còn biết PR cho tác phẩm của mình. Nhà văn trẻ DL đã viết hẳn một cuốn sách đọc rất hấp dẫn và bổ ích “Tôi PR cho PR”… Là người biết cách PR cho tác phẩm của mình, nên mới xuất hiện trên văn đàn chưa lâu nhưng nhà văn trẻ này đã có số lượng độc giả đáng nể. Sách của chị bán chạy vì là sách hay. Đồng thời, chị biết cách tổ chức những buổi ra mắt sách gọn nhẹ, hiệu quả… Không những thế chị còn biết cách tổ chức dịch thuật sang tiếng Anh để xuất khẩu sách ra nước ngoài.
Có thể thấy, cùng với sự phát triển kinh tế, văn học cũng tuân theo sự điều tiết của thị trường. Tác phẩm văn học vừa là sản phẩm tinh thần, vừa là hàng hóa, vận hành theo quan hệ giá trị cung - cầu.
Theo giới chuyên môn nhận xét, ở Việt Nam khái niệm văn học thị trường đến nay vẫn được hiểu theo nhiều cách, đó là văn học đại chúng, văn học bình dân; có khi lại được hiểu là thứ văn học mua vui giải trí. Tuy nhiên, một khi đã tồn tại trong điều kiện kinh tế thị trường, văn học buộc phải vận hành theo quy luật thị trường và tương thích với những yêu cầu cũng như sự điều tiết của nó. Theo đó, ngày nay tác phẩm văn học vừa là sản phẩm tinh thần, vừa là hàng hóa vận hành theo quan hệ giá trị cung - cầu.
Và như vậy, mối quan hệ giữa văn học và thị trường luôn tác động qua lại với nhau, thể hiện ở các khía cạnh: Văn học trở thành hàng hóa, thị trường là môi trường tiếp xúc bình đẳng, cung và cầu là quy luật điều tiết của thị trường.
Không thể thờ ơ
Thị trường sách báo văn học thường đi theo các phong trào văn hóa, tư tưởng xã hội. Nó chịu ảnh hưởng của các phong trào ấy và tác động tích cực trở lại, giúp các phong trào ấy ngày một phát triển. Các nhà sách, các nhà xuất bản cũng luôn đồng hành cùng các phong trào văn hóa xã hội và đã tạo ra nhu cầu sách báo trong một phạm vi nào đó. Bởi nếu đi ngược lại các phong trào tư tưởng văn hóa xã hội thì sách sẽ bán cho ai? Mặt khác, nhà văn khi đã có tên tuổi sẽ được các nhà xuất bản săn đón, mua tác phẩm để phát hành ra thị trường. Như vậy, văn học và thị trường là mối quan hệ hai chiều. Nhà văn cần thị trường đưa tác phẩm của mình đến với bạn đọc và thị trường sách cũng phải dựa vào tên tuổi các nhà văn để kinh doanh. Do đó, nền kinh tế thị trường đã cải tạo thị trường sách và làm cho văn học Việt Nam phát triển đa dạng. Điều này giúp người đọc có cơ hội tiếp xúc, tự do lựa chọn tác phẩm phù hợp với thị hiếu, sở thích của bản thân, tạo điều kiện cho văn học phát triển một cách tự nhiên.
Đứng trước dòng văn học thị trường nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: Chúng ta không thể thờ ơ với văn học thị trường. Khi tham gia kinh tế, văn học cũng phải theo quy luật cung cầu… Không nên đánh giá thấp văn học thị trường… khi nhà văn viết tác phẩm thì nhu cầu lớn nhất là đối thoại với độc giả, muốn bán sách. Được công chúng đón nhận thì thành công, không đón nhận thì thất bại… Tại sao phải can thiệp vào thị trường, nếu là tác phẩm có giá trị thì hôm nay người ta cần, mai người ta quên. Đó là nhu cầu của độc giả, không phải là chuyện của các nhà quản lý.
Không ít nhà văn cũng bày tỏ: Có rất nhiều người lo ngại về dòng văn học thị trường với mỗi cuốn bán vài chục vạn bản… Nội dung của các tác phẩm dòng này sáo mòn, đơn giản, đề tài tình yêu, xa rời thực tế, đó là kết quả của việc nhập khẩu văn học ngôn tình ồ ạt vào Việt Nam. Mặt khác, nhiều nhà văn cũng khẳng định một thực tế là sách hay thường không bán chạy, trái lại sách bán chạy thường không phải là sách hay. Nhưng thực tế cho thấy không loại trừ hiện tượng sách hay là sách bán chạy cũng như sách bán chạy là sách hay. Nhưng những trường hợp như thế hiếm hoi trên văn đàn và thị trường sách hiện nay.
Như vậy, yếu tố thị trường đã hiện diện trong đời sống văn học. Thì văn học dù là hoạt động sáng tạo tinh thần vẫn phải vận hành theo quy luật thị trường. Vì thế, để xây dựng một thị trường văn học lành mạnh phụ thuộc rất lớn vào tài năng của người cầm bút cũng như thị hiếu của người đọc. Các nhà phê bình, các giải thưởng văn học và đặc biệt là truyền thông đóng vai trò rất quan trọng trong vấn đề quảng bá tác phẩm cũng như định hướng thị hiếu, gu thẩm mỹ của người đọc trong việc tiếp nhận các tác phẩm nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng.