Thụy Điển đã ngừng điều tra vụ việc vào ngày 7/2. Hiện chỉ có Đức và Nga tiếp tục điều tra vụ nổ.
Quyết định của Đan Mạch
Ngày 26/2, Đan Mạch công bố quyết định dừng điều tra thêm về vụ Nord Stream.
Theo cảnh sát Đan Mạch, cuộc điều tra "đã khiến nhà chức trách kết luận rằng đã có hành vi cố ý phá hoại đường ống dẫn khí đốt", nhưng "đánh giá là không đủ căn cứ để theo đuổi vụ án hình sự ở Đan Mạch".
Tháng 12/2023, Nga nhận được lời từ chối hỗ trợ pháp lý từ phía Đan Mạch trong việc điều tra các vụ tấn công ở Nord Stream.
Bình luận về quyết định này, đại diện chính thức của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, quyết định này không gây bất ngờ mà chỉ khẳng định việc Đan Mạch che giấu sự thật về kẻ chủ mưu thực sự của các vụ tấn công khủng bố.
Phản ứng của Moscow
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, tình huống Đan Mạch chấm dứt cuộc điều tra là "vô lý".
Nga sẽ tiếp tục theo dõi các cuộc điều tra về vụ phá hoại Nord Stream và làm tất cả những gì có thể để có được dữ liệu về chúng, ông Peskov lưu ý.
Tiếp tục điều tra
Trong cuộc họp báo sau khi thông tin cuộc điều tra bị cảnh sát Đan Mạch tạm dừng, người phát ngôn chính phủ Đức Christiane Hoffmann cho biết Berlin tiếp tục quan tâm đến việc điều tra các hành vi phá hoại tại đường ống dẫn khí Nord Stream và Nord Stream 2.
Ngày 7/2, văn phòng công tố Thụy Điển tuyên bố chấm dứt cuộc điều tra vụ phá hoại ở Nord Stream. Stockholm tuyên bố rằng quyền tài phán của Thụy Điển không mở rộng đến vụ việc và đã chuyển dữ liệu có sẵn cho Berlin, nơi tiếp tục nghiên cứu các tình huống của vụ tấn công vào đường ống.
Trước đó, văn phòng công tố Thụy Điển tuyên bố chấm dứt cuộc điều tra vụ phá hoại ở Nord Stream. Cần lưu ý rằng mục tiêu chính của cuộc điều tra sơ bộ là tìm hiểu xem liệu công dân Thụy Điển có liên quan đến vụ nổ hay không và liệu vương quốc này có thể được sử dụng làm cơ sở để phá hoại đường ống hay không.
Cuộc điều tra không tiết lộ bất cứ điều gì cho thấy mối liên hệ giữa Thụy Điển và vụ việc ở Biển Baltic, do đó Stockholm kết luận rằng quyền tài phán của Thụy Điển không mở rộng đến tình huống này.
Chính quyền Thụy Điển đã chuyển dữ liệu có sẵn đến Berlin, nơi tiếp tục nghiên cứu hoàn cảnh vụ tấn công vào đường ống. Tuy nhiên, Đức cũng không chia sẻ chi tiết cuộc điều tra với Moscow.
Cuộc tấn công vào Nord Stream
Ngày 27/9/2022, nhà điều hành Nord Stream AG đã báo cáo thiệt hại chưa từng có xảy ra một ngày trước đó trên 3 đường ống dẫn khí đốt ngoài khơi Nord Stream 1 và Nord Stream 2.
Ngày 26/9/2022, các nhà địa chấn học Thụy Điển ghi nhận 2 vụ nổ trên các tuyến đường ống. Văn phòng Tổng công tố Nga đã mở một vụ án hình sự dựa trên cáo buộc khủng bố quốc tế.
Đức, Đan Mạch và Thụy Điển đã công bố các cuộc điều tra cấp quốc gia của họ về vụ nổ đường ống dẫn khí đốt, nhưng từ chối cho Nga tham gia vào các cuộc điều tra này.
Vụ phá hoại đã được cơ quan tình báo Thụy Điển xác nhận ngày 18/11/2022. Dấu vết của chất nổ được tìm thấy tại địa điểm xảy ra vụ nổ.
Ngày 8/2/2023, nhà báo điều tra Mỹ Seymour Hersh đã trích dẫn các nguồn ẩn danh và công bố một bài báo cho rằng các thợ lặn của Hải quân Mỹ đã cài đặt các thiết bị nổ dưới đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và 2 dưới vỏ bọc của cuộc tập trận BALTOPS vào tháng 6/2022.
Ông cũng cho rằng người Na Uy đã kích hoạt quả bom 3 tháng sau đó. Theo nhà báo, quyết định tiến hành chiến dịch này được đích thân Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra, sau 9 tháng thảo luận với các cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng.
Ngày 7/3/2023, tờ New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ đưa tin rằng một "nhóm thân Ukraine" nào đó có thể đã thực hiện hành vi phá hoại đường ống dẫn khí đốt.
Ấn phẩm Zeit của Đức đã đăng một bài báo nói rằng các nhà điều tra Đức đã xác định con tàu được những kẻ phá hoại sử dụng. Công ty thuê nó được cho là thuộc về công dân Ukraine và được đăng ký tại Ba Lan.
Ngày 9/2, trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Mỹ Tucker Carlson, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết vụ phá hoại đường ống Nord Stream và Nord Stream 2 là do cơ quan tình báo Mỹ thực hiện.