Dân chơi "khóc" vì sẽ vắng... bóng cười?

GD&TĐ - Việc sử dụng khí gây cười sai mục đích tại các tụ điểm giải trí gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như làm mất trật tự xã hội.

Bóng cười sẽ không còn được xuất hiện trong những cuộc vui của dân chơi? Ảnh minh họa
Bóng cười sẽ không còn được xuất hiện trong những cuộc vui của dân chơi? Ảnh minh họa

Đề nghị cấm sử dụng cho mục đích vui chơi giải trí

Bộ Công Thương vừa có báo cáo về tăng cường quản lý, kiểm soát khí Dinitơ Monoxit (N20), còn được biết đến với tên gọi "khí cười" có trong "bóng cười".

Đây là loại khí thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, do Bộ Công Thương cấp phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế trong lĩnh vực công nghiệp cho một doanh nghiệp sản xuất với quy mô 600 tấn/năm, 14 doanh nghiệp kinh doanh khí N20 với tổng khối lượng cấp phép kinh doanh tối đa 2.377 tấn/năm.

Tuy nhiên, hiện nay việc sử dụng khí N20 sai mục đích tại các tụ điểm vui chơi giải trí gây ảnh hưởng sức khỏe người dùng, mất an ninh trật tự xã hội (khí cười).

Theo số liệu thống kê từ đầu năm 2020 đến ngày 15/12/2020, có 17 doanh nghiệp nhập khẩu N20 với tổng khối lượng khoảng 2.400 tấn. Trong đó 11 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh, 5 doanh nghiệp khai báo nhập khẩu mục đích sử dụng trong sản xuất, 1 doanh nghiệp nhập khẩu không có giấy phép.

Năm 2020, Bộ Công Thương kiểm tra 1 đơn vị kinh doanh N20, đã xử phạt 52 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép của doanh nghiệp 2 tháng. Bộ Công Thương cũng đã kiểm tra 9 doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng khí N20  và xử phạt 4 doanh nghiệp với tổng số tiền 318 triệu đồng.

Do đặc tính nguy hiểm và dễ bị lạm dụng cho các mục đích vui chơi giải trí bất hợp pháp, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ đưa N20 vào Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp tại Nghị định 113/2017.

Theo Bộ Tài chính, thời gian qua Tổng cục Hải quan đã phát hiện một số doanh nghiệp trà trộn khí N20 vào các mặt hàng khác và khai báo không đúng mặt hàng nhập khẩu; nhập khẩu để kinh doanh không có giấy phép; nhập khẩu vượt khối lượng cho phép.

Do đó, Bộ Công Thương cho rằng cần thiết phải có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn đối với việc nhập khẩu khí N20 và ngăn ngừa hành vi sử dụng N20 cho mục đích vui chơi, giải trí.

Trong văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương đề xuất các bộ ngành, địa phương tăng cường thanh kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng khí N20  trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội; xử phạt nghiêm, đủ sức răn đe đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật.

Thần kinh, tàn phế vì... hít bóng cười

Xuất hiện tại Việt Nam trong một vài năm trở lại đây nhưng ngay lập tức trở thành một trào lưu “hot” trong giới trẻ thành thị. Tại nhiều quán bar, nhà hàng…, bóng cười được bày bán công khai với giá chỉ vài chục nghìn/quả và gần như trở thành một phần không thể thiếu trong nhiều cuộc vui của giới trẻ.

Tuy nhiên, có nhiều trường hợp phải “ôm trái đắng” vì phớt lờ những khuyến cáo của cơ quan chuyên môn về tác hại của bóng cười.

Có thể điểm qua một số trường hợp: Ngày 3/10/2018, thông tin từ Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết nơi đây vừa cấp cứu cho một nam thanh niên 21 tuổi nghiện hít bóng cười.

Bệnh nhân bị ngộ độc bóng cười do sáu tháng liên tục hít bóng với "liều lượng" khoảng 30 quả bóng/ngày. Bệnh nhân cũng chia sẻ trước đây hầu như ngày nào cũng hít hàng chục quả bóng cười để tìm cảm giác mới lạ, khi hít bóng cảm thấy rất "phê".

Không chỉ hít bóng cười, bệnh nhân cho biết còn mua cả một bình bơm bóng loại 5 kg giá hơn 1 triệu đồng để bơm bóng cười hít tại nhà. Mỗi chiếc bình như thế bơm được khoảng 200 quả bóng cười.

Thời gian gần đây, do thấy có biểu hiện mất thăng bằng, yếu tay chân và tê bì từ ngón chân lên đến vùng thắt lưng, tê bì hai bàn tay, đôi lúc có cảm giác tê bì lan đến ngực nên mới đi khám bệnh.

Một trường hợp khác là nam thanh niên 20 tuổi, tới khám tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) trong tình trạng tê bì toàn bộ chân tay, yếu tứ chi.

Người này cho hay, gần đây, anh bị tê 2 chân, sau đó tê cả 2 cánh tay, không thể đi lại và sinh hoạt bình thường.

Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, các bác sĩ phát hiện nam thanh niên bị tổn thương tuỷ sống, yếu tứ chi. Không chỉ vậy, qua chụp cộng hưởng từ, bác sĩ phát hiện bệnh nhân còn bị tổn thương tuỷ ở vùng cổ.

Khai thác kỹ tiền sử, người này chia sẻ, thời gian gần đây, bệnh nhân thường xuyên dùng bóng cười, mỗi ngày hít tới 3 quả.

Chia sẻ với báo chí, Tiến sĩ La Đức Cương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương (Hà Nội) cho biết, khí N2O gây cảm xúc bất thường, tác động đến hệ thần kinh trung ương người dùng. Do đó không thể biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu người chơi bóng cười đi ra đường trong trạng thái hứng thần sau khi hít.

Ngoài ra N2O không duy trì sự sống, có thể gây ngạt. Về lâu dài, dùng nhiều và lạm dụng sẽ dẫn tới rối loạn thần kinh, trong đó có chứng mất trí nhớ.

Một số nước trên thế giới quy định cấm bán N2O cho người dưới 18 tuổi hoặc coi việc kinh doanh khí cười là bất hợp pháp. Các chuyên gia y tế của Anh đưa ra nhiều khuyến cáo về những tác hại đến hệ thần kinh, tim mạch khi sử dụng khí cười cho mục đích giải trí.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ