Đến để viết thuê kịch bản phóng sự chân dung các vip họa sỹ. Đúng là lạc vào những thế giới “dị biệt”, mỗi ông một kiểu: Ông trần trùng trục vẽ như đánh vật với những toàn tranh khủng; ông trang phục kín mít, tạp dề buộc chặt như đang vào… bếp; ông thì người ngợm như… ma-nơ-canh vì màu dính bết khắp người.
Thế là yêu hội họa từ những lần xâm nhập đó. Và từ đó thêm yêu cả những đồng nghiệp báo chí đã chọn thêm cách chơi tay trái là… vẽ. Và họ thường được mọi người “giễu nhại” là “Bôi sỹ”.
Có lần, họa sỹ Lê Thiết Cương nói rằng: Những người vẽ “bản năng” là những người có lợi thế là không cần phải vẽ cảnh thực. Họ cứ thế vẽ cái cảnh ở trong họ. Họ nghĩ gì, cảm gì thì vẽ nấy. Đó cũng chính là lời khuyên của vị họa sỹ gắn mác “tối giản” này dành cho những “họa sỹ amateur”.
Nói vậy chứ nhà báo, rất nhiều trong số họ làm thơ, viết văn, sáng tác nhạc và cả… vẽ. Mà vẽ đẹp đến giới họa sỹ phải nể phục. Nhiều người cũng xách cọ, toan đi “tầm sư học đạo” học hành đàng hoàng chứ chẳng đùa được.
Có người tung ra triển lãm bán vèo vèo, họa sỹ xịn còn phát ghen. Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn là một trường hợp như vậy. Triển lãm “Người thổi sáo” vào đầu tháng 1/2021 là một trong những sự kiện đình đám của giới văn nghệ trong năm…
Hình ảnh xuyên suốt trong nhiều tác phẩm của ông là “Người thổi sáo”. Có lần đi ngang một con phố Hà Đông, ông bị ám ảnh bởi tiếng sáo của một người mù. Từ đó, ông ra hàng loạt series tranh với hình ảnh chủ đạo này.
Tranh ông pha trộn giữa dân gian và hiện đại trong cách phối màu, tạo hình với những thứ gần gũi thôn quê như những cái bình, lá hoa, cây cỏ, chim chóc… Ngoài ra, ông còn vẽ hàng loạt chân dung bạn bè văn nghệ sỹ với góc nhìn riêng.
Bận rộn là vậy ông vẫn vẽ như để gieo từng hạt giống màu lên những cánh đồng mà có khi con chữ chưa chạm tới. Tranh của ông như chứa những câu chuyện cổ, những thông điệp nhân sinh, những ý tứ triết học. Những sắc màu ám ảnh được ông tung lên toan, giấy báo… mang một màu Thiều khó lẫn.
Đến chơi Nhà xuất bản Hội Nhà văn, nơi ông là chủ soái, có những căn phòng treo đầy chật tranh ông. Điều thật lạ là không bức nào giống bức nào, ngự trên tường đóng dấu thương hiệu một cuộc chơi tay ngang. Năm nay năm Hổ nhưng ông lại vẽ rắn. Ông khoe đã có trong đầu rất nhiều phác thảo rắn không con nào giống con nào…
Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Hồng Hải hiện là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình II - Đài Tiếng nói Việt Nam. Trước đây khi công tác ở Đài Truyền hình Việt Nam, anh là một nhà báo năng nổ, đi Nam về Bắc, ngang dọc Á - Âu… Những chuyến tác nghiệp dông dài đó làm chất liệu cho các chương trình truyền hình, các bài thơ và sau này là những họa phẩm.
Anh có loạt series vẽ về các điểm đến, trong đó anh dành cho nước Nga nhiều sắc màu, đường nét. Nguyễn Hồng Hải lớn lên bên bờ sông Lô, vùng bán sơn địa tiếp giáp giữa Phú Thọ và Tuyên Quang, cửa ngõ của ATK (an toàn khu) Việt Bắc những năm tháng kháng chiến. Cảnh sắc nơi này đã đi vào thơ, vào nhạc, họa của biết bao văn nghệ sĩ tài danh.
Anh luôn cho rằng “mình may mắn có một tuổi thơ ngập trong hơi thở của làng quê vùng trung du, đầy ắp kỷ niệm với cỏ cây, sông suối, núi đồi”. Trong tranh anh, hình ảnh thân thương của vùng quê thuở nhỏ lúc bàng bạc, lúc hiện rõ day trở những vùng ký ức.
Anh đã tả trong phần tự truyện của mình: “Nơi này như một ốc đảo với vô vàn gian khó. Khó khăn nhất có lẽ là giao thông, đi lại. Chỉ cách thành phố Việt Trì chừng 50 cây số, cách Hà Nội hơn 120 cây số nhưng để đi đến được những nơi này thật gian nan.
Đường bộ là tuyến đường cụt. Muốn về Hà Nội khi đó phải kết hợp đi đường bộ, đường thủy, đường sắt và nếu may mắn cũng phải mất hơn một ngày đường mới về tới Thủ đô. Lên thị xã hay lên thị trấn cũng vậy, phải đạp xe hàng ngày trời”.
Trong hoàn cảnh khó khăn đó, Hồng Hải vẫn nung nấu mơ ước được học nhạc, học vẽ dù thời điểm đó là những năm 70 của thế kỷ trước, được ra thành phố học đàn, học vẽ là điều không tưởng. Người mẹ già thương con mua cho Hải cả mandolin lẫn guitar để bập bùng tự học. Vẽ cũng vậy, Hải tìm được ở hiệu sách Nhân dân cuốn “Bước đầu học vẽ” của họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ.
Nhờ cuốn sách này mà lần đầu tiên Hải biết tới khái niệm khuôn hình, bố cục, sáng tối, đường chân trời, xa gần... Những năm tháng sau này, khi về Hà Nội học Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Hồng Hải với vốn tự học và niềm đam mê hội họa vào việc trang trí… báo tường, một thời gian dài đảm trách tờ “Sao Khuê” của Khoa.
Thời gian gần đây, nhất là trong đợt dịch dã, Hồng Hải trút nhiều tâm sự vào các sắc màu, từ những bức ký họa bút chì xinh xinh cho đến những bức màu dầu khổ lớn. Những lần như thế, với Hồng Hải, anh như thấy tâm hồn thư thái hơn khi nghĩ về đời, về người.
Chu Hồng Tiến cũng là dân Ngữ văn Đại học Tổng hợp. Ra trường anh đi làm báo và yêu vẽ. Tranh ảnh chớp nhanh vệt ánh sáng cảm xúc. Hồn nhiên, tối giản, anh trọng những nhát màu bất chợt.
Lúc thì vẽ một buổi sáng tinh mơ, góc cánh đồng mùa đông hay bờ đê đẫm gió, nhiều khi chỉ là một chiếc ghế ngoài vườn không bóng người. Gần đây, người ta thấy ngập tràn trên trang cá nhân của anh những bức tranh cảm giác được vẽ rất nhanh nhưng chắc chắn phải đánh đổi cả quãng thời gian dài nghĩ và trải đời.
Làng báo nữ cũng có nhiều “cao thủ” cầm cọ. Như Bình của báo Công an Nhân dân vừa làm báo, viết văn và vẽ. Mới đây, chị có một triển lãm chung với một số đồng nghiệp nữ và ít nhiều gây được tiếng vang.
Tranh Bình giàu nữ tính với những sắc hoa, tĩnh vật… biểu đạt nội tâm của lá hoa, rồi cảnh những đêm trăng huyền ảo miền Trung quê chị. Hoang sơ không bóng người, chị vẽ ra được thứ ánh sáng buồn đó, buồn nhưng vẫn ấm một tấm lòng nhớ quê, sau những ngày xa lắc bụi gió phố thị.
Kể về vài ba đồng nghiệp ngày Xuân vui để thấy rằng đời sống tinh thần thật phong phú. Hẹn Tết sau hầu chuyện quý vị về các họa sỹ làm thơ, cho “môn đăng hộ đối”.