“Đàn bà thật phức tạp” và câu chuyện sâu cay về sự hi sinh của người vợ

Sự hi sinh – điều tưởng chừng như đã quá quen thuộc đối với phụ nữ Việt bỗng trút bỏ cảm giác sáo rỗng và trở nên gần gũi hơn bao giờ hết khi bạn đọc xong bài viết này!

“Đàn bà thật phức tạp” và câu chuyện sâu cay về sự hi sinh của người vợ

Sau nhiều bài viết sâu sắc về phụ nữ, Tuệ Nhi - cô gái 9X hiện đang sống và làm việc tại Hải Phòng, tác giả của hàng chục bức tâm thư gây sốt cộng đồng mạng, lại tiếp tục cho ra đời một câu chuyện mới. Vẫn là những mảnh ghép muôn màu trong đời sống, tâm lý của phụ nữ nhưng lần này là ở một góc nhìn hoàn toàn mới mẻ.

Sự hi sinh không còn là điều quá xa xôi hay một cụm từ sáo rỗng được nhắc đến trong một bài diễn thuyết, mà trở nên gần gũi, dung dị hơn rất nhiều, đặc biệt là thông qua sự cảm nhận của một người thuộc phái mạnh.

hi sinh của vợ

Cô gái trẻ - tác giả của nhiều bài viết chân thực về tâm lý phụ nữ.

Nguyên văn bài viết “Đàn bà thật phức tạp” của Tuệ Nhi:

"Đàn bà thật phức tạp, có chuyện đi mua cái váy thôi, mà nhất quyết phải đòi chồng đi cùng. Bảo cho thêm tiền rồi tự đi cũng không chịu... đến mệt.

Về nhà ngồi chưa kịp ấm mông vợ đã xách guốc, lôi xe bắt ra đường, đi ngắm váy cho vợ. Ôi giời ơi, đường quang quán tạnh không đi. Cứ chỗ nào treo biển xả hàng to uỳnh, người bu như kiến cỏ thì đòi xông vào như đánh trận. Bảo đầy shop thấy sale kìa, nhìn cũng bắt mắt sang trọng sao không qua, vợ lại tru tréo lên:

"Anh chả biết gì, mấy chỗ đó sale rồi vẫn đắt lắm, một cái váy bằng mấy hộp sữa của con, thôi anh chịu khó đi". Nghe thế mình chả ý kiến gì nữa, đành vắt chân ngồi trông xe cho vợ ngắm đồ. 

10 phút sau, vợ lướt thướt chạy ra cửa gọi vào: vợ ưng cái dáng này, nhưng chưa biết chọn màu nào cho đẹp. Em nhân viên hớn hở: "Chị mặc cái váy xuông này đẹp lắm, năm nay màu hồng nude lại đang lên ngôi, nhã nhặn trẻ trung chị ạ".

Mình liếc nhìn vợ, đây mà là váy xuông hả, xuông kiểu gì đếm đủ ba ngấn ngực mông bụng thế kia... chắc nhân viên nhầm. Mình lắc đầu, mặt vợ ỉu xìu đi thay cái khác. 

Vợ bảo: "Cái này cũng được anh ạ, nhưng hết size L rồi, thôi để em cố". Và thế cả em nhân viên cố theo, kéo mãi cái khoá nó vẫn không chịu nhích đến eo. Vợ ngừng thở hóp bụng mấy hồi... đành bất lực.

Vợ cười cười chữa ngượng: "Chị trước mặc size S thôi đấy, đẻ hai đứa liền nhau quá thành ra không giảm nổi". Ơn giời, sau gần nửa tiếng tìm kiếm thử ra thay vào, vợ mình cũng chọn được một cái váy đạt tiêu chuẩn "che khuyết điểm và hơi quá tuổi".

Vợ bước ra khỏi cửa hàng, gương mặt khác hẳn lúc bước vào. Lên xe vẫn còn thủ thỉ: "Mấy hôm trước ở đấy nhiều váy đẹp, em thử rồi vừa lắm, nhưng mình đến muộn quá, chắc người ta bán hết rồi". Vợ thở dài cái thượt, kiểu tiếc nuối trong vô vọng. Rồi kêu: "Thôi đi qua bên kia mua áo cho chồng".

Vợ chỉ tay vào mấy dãy toàn đồ hiệu, mình kêu đắt mua đồ Made in Việt Nam là được rồi, vợ lại tru tréo lên: "Anh đúng là, đắt sắt ra miếng, đồ đắt nhưng mặc cái là vừa in, đi làm người ta nhìn mình cũng khác, ăn bao nhiêu chả hết mặc cái áo xịn tí cho lên đời". Rồi lại vợ lại hì hì cười như chưa bao giờ có nỗi buồn ban nãy. Còn mình cứ thấy nghèn nghẹn trong lòng. 

Sự mâu thuẫn của vợ và những chuyện thiếu công bằng như thế, hình như vợ vẫn âm thầm làm trong những ngày tháng qua. Váy body vợ thích, màu hồng vợ thích, phấn son guốc dép vợ thích... lâu rồi cứ đổi thành bỉm sữa ,tiết kiệm thành cái nọ cái kia cho gia đình.

Nhưng vợ ơi....con rồi sẽ lớn và khóc vì người nó yêu thương 

Chồng rồi sẽ quen những hy sinh như là chuyện thường nhật 

Ngày mai, ai biết đâu của để dành của vợ lại thành của người khác 

Tuổi xuân thì trôi qua chóng vánh …

Nên dù thế nào, công khai hay giấu diếm cũng được, vợ hãy biết yêu thương nuông chiều mình hơn một chút... Vợ ơi!"

hi sinh của vợ

"Mua cho mình thì tiếc tiền lắm nhưng cứ sắm cho chồng con thì cứ vung tay hết tầm". (ảnh minh họa)

PV đã có cuộc trò chuyện ngắn với nữ tác giả Tuệ Nhi để hiểu hơn về thông điệp của bài viết sâu cay này!

Chào Tuệ Nhi! Bài viết này được bạn thực hiện trong hoàn cảnh nào?

- Một người "làm dâu trăm họ” như mình, từng làm nhân viên gội đầu, trang điểm, bán quần áo.... toàn những nghề gắn liền với phụ nữ. Tuy thời gian tiếp xúc với khách hàng không nhiều.

Dù chỉ 10, 20 phút thôi, nhưng cũng đủ để lắng nghe và trải nghiệm những câu chuyện khiến mình động lòng trăn trở. Khách mua hàng hầu như đều mặc cả, nhiều khách còn chần chừ hồi lâu.

Nhưng khách khi đã thân quen đều không ngần ngại chia sẻ "đấy mua cho mình thì tiếc tiền lắm, nhưng sắm cho chồng, cho con thì cứ vung tay hết tầm, thế mới lạ".

Bạn muốn gửi gắm thông điệp gì tới tất cả mọi người thông qua bài viết này chăng?

- Mình biết, 10 người chồng thì 8 người không nhìn thấy những chuyện được cho là nhỏ nhặt như vậy. Vợ mua thì mình dùng, đâu mấy ai để ý vợ toàn sắm cho mình đồ tốt nhất, còn vợ cứ săn hàng rẻ, hàng thanh lý cuối mùa đâu.

Mình muốn những người chồng nhìn thấy những điều họ vô tình đi qua, những hi sinh lặng thầm của người vợ. Phải biết để yêu thương, trân trọng và quan tâm đến người phụ nữ của mình nhiều hơn nữa. 

Sự hi sinh - có lẽ là điều mà ai cũng có thể nhận ra khi nói về nhân vật người vợ trong bài. Theo bạn thì hi sinh đến mức quên cả lo cho bản thân mình thì liệu có trở thành dại dột?

Hi sinh là một trong những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt. Dù xã hội đã hiện đại, phụ nữ đã vùng lên nhưng đức hạnh đó gần như không hề mai một. 

- Mình nghĩ hi sinh không có gì là không tốt, hay là dại dột cả nếu sự hi sinh đó mang lại hơi ấm yêu thương cho gia đình mình. Bao giờ cũng thế, người cho đi sẽ là người cảm thấy hạnh phúc hơn cả.

Người chồng ra ngoài xã hội cũng phải bon chen mệt mỏi vì cơm cháo gạo tiền. Nếu người vợ không săn sóc hi sinh cho họ thì ai sẽ làm đây, họ kết hôn là vì vậy, cốt lõi của gia đình là như vậy. 

Nhưng chỉ mong những người chồng hãy nhìn nhận những hi sinh đó một cách thấu đáo hơn. Hi sinh là tự nguyện không phải là trách nhiệm. Nó cần có sự đồng lòng, san sẻ, trân trọng giữa cả chồng lẫn vợ.

Xin cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện!

Theo Trí thức trẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...