“Khăm khăn mơi lảu”…
Người Thái quan niệm “Không xòe không tốt lúa, không xòe thóc cạn bồ”. Múa xòe là biểu tượng tình yêu của dân tộc Thái, từ yêu cuộc sống lao động cần cù đến tình yêu đôi lứa. Người Thái thường tổ chức múa xòe trong hội xuân, hội mùa và hội cưới.
Nghệ nhân Mào Văn Ết cho biết: Điệu xòe của dân tộc Thái có từ lâu đời, xuất phát từ đời sống sinh hoạt lao động, tập tục, tín ngưỡng. “Xòe” trong tiếng Thái là “xe” tức là điệu nhảy. Xòe vòng xuất hiện sớm nhất, đầu tiên chỉ là cầm tay nhau đứng thành vòng tròn, hò hét, với mục đích chính là đuổi thú dữ, xua tan sợ hãi, thể hiện tình đoàn kết trong cộng đồng, dần dần mới hình thành nên điệu xòe vòng.
Do nhiều yếu tố tác động mà xoè Thái bị mai một dần. Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, một số thể loại múa xòe đã và đang được các cấp, các ngành tỉnh Điện Biên quan tâm đầu tư phục dựng.
Tại tỉnh Điện Biên, qua nghiên cứu và khảo sát, thì loại hình nghệ thuật múa xòe được chọn lọc gồm 6 điệu múa phổ biến gồm: Điệu xòe Khăm khen (Nắm tay nhau); Đổn hôn (Bước tiến lùi); Phá xí (Bước bốn); Nhôm khăn (Tung khăn), Khắm khăn mơi lảu (Nâng khăn mời rượu); Ỏm mọm tốp mư (Vỗ tay đi vòng tròn).
Điệu xòe “Khắm khen” (Nắm tay nhau) là điệu xòe cơ bản trong nghệ thuật dân vũ của dân tộc Thái, được hình thành trong quá trình lao động từ thuở sơ khai. Điệu xòe này có ý nghĩa là biểu hiện sự gắn kết cộng đồng, mỗi khi có niềm vui thì cùng nhau nhảy múa và khi gặp khó khăn hoạn nạn cũng vẫn nắm chặt tay nhau cùng chung sức vượt qua.
Điệu xòe “Đốn hôn” (Bước tiến lùi), tức là lúc người này tiến thì nguời kia lùi, nhưng vẫn nhịp nhàng, uyển chuyển cùng trong một vòng tròn. Động tác này như muốn khẳng định, dù trời đất có thay đổi, cuộc sống có lúc gặp khó khăn trở ngại nhưng ý chí và tình người thì vẫn luôn sắt son bền chặt.
Điệu xòe “Phú xí” (Bước bốn), thể hiện sự đoàn kết của cộng đồng người Thái. Cho dù là ai, dù có phải chia xa 4 phương trời, 10 phương đất thì cũng luôn nghĩ về nhau, cùng nhau hướng về cội nguồn.
Nhịp phách của điệu xòe này có thể theo nhịp 4/4 hoặc nhịp 2/4, tùy theo bước chân nhanh hoặc chậm, vừa đi vừa vào vòng tròn luôn hoặc có thể chia ra vào 4 nhịp, ra 4 nhịp để cho tất cả mọi người cùng dễ làm theo và dễ bắt chước, thì sẽ đạt hiệu quả cao hơn vẫn mang đầy đủ tính chất nghệ thuật của múa xòe. Đạo cụ của điệu múa xòe này có thể dùng quạt, nón, khăn.
Điệu xòe “Nhôm khăn” (Tung khăn), thể hiện sự nhịp nhàng, đều đặn như một của một cộng đồng người Thái. Khăn luôn phải bằng nhau, không cao, không thấp, đưa lên bằng vai xong hạ xuống. Tượng trưng cho sự đồng thuận giữa người với người, giữa các dân tộc với nhau.
Cùng với chiếc khăn Piêu, khăn thổ cẩm choàng trên cổ, những cô gái Thái đã thể hiện được niềm vui bờ bến mỗi khi làng bản có chuyện mừng vui như có đám cưới, đám mừng nhà mới hay mừng mùa bội thu.
Điệu xòe “Khăm khăn mơi lảu” (Nâng khăn mời rượu), là điệu xòe thể hiện nét văn hóa trong giao tiếp ứng xử của đồng bào dân tộc Thái. Điệu xòe “Ỏm lọm tốp mư” (Vỗ tay đi vòng tròn), là điệu xòe kết thúc mỗi cuộc vui, thể hiện niềm hân hoan và sự bịn rịn lúc chia tay nhau.
Xòe phản ánh bước đường chinh chiến của cha ông
Người Thái quan niệm rằng, múa xòe thì phải vui. Càng đông thì càng vui, càng vui thì cây cối càng đơm hoa kết trái, mùa màng bội thu. Sau những ngày lao động vất vả trên ruộng nương, không khí rộn ràng của múa xòe làm người ta quên đi những mệt nhọc thường ngày. Họ cùng nhau cười vui để bớt sầu lo, để cùng nhau hòa mình trong những điệu xòe hoa.
Âm nhạc trong múa xòe góp phần làm nên hội xòe và cũng để phân biệt xòe với các hình thức múa dân gian khác. Có thể nói, âm nhạc là phần tất yếu của múa xòe, giúp xòe có những dấu hiệu khác biệt trong sự phong phú của đời sống ca múa Thái. Thông thường, dàn nhạc gồm 1 trống cái, 1 cồng và 1 chiêng.
Trong đó, chiếc chiêng đóng vai trò giữ nhịp. Những lúc cao trào, chính các nhạc công cùng nhún nhảy với những động tác tinh nghịch, dí dỏm và tùy hứng. Với loại vòng xòe trình diễn, có lúc đang rất sôi động bằng nhịp nhảy chậm dần, chậm dần, rồi một giọng lĩnh xướng cất lên, mọi người đồng thanh ca theo. Trong trường hợp này, múa xòe kết hợp với hát gọi (khắp chiêu) và hát tha (khắp xu).
Theo nghệ nhân Lò Văn Biến, trong kho tàng dân ca dân vũ của dân tộc Thái, xòe chiếm một lượng lớn và có một vị trí rất quan trọng. Người Thái múa xòe vừa thể hiện đời sống sinh hoạt, gắn bó cộng đồng, gắn bó với thiên nhiên, với tâm linh theo quan niệm âm dương ngũ hành xuất phát từ văn minh lúa nước, vừa thể hiện giá trị nhân văn, giá trị văn hóa sâu sắc.
Xòe là biểu tượng văn hóa Thái góp phần gắn kết con người với con người, con người với trời đất một cách sinh động, đầy tính lãng mạn nhưng cũng đậm tính xã hội.
Nói về giá trị của nghệ thuật xòe Thái, nghệ nhân Lò Văn Biến cho rằng, trong quá trình sinh cơ lập nghiệp, các tộc người Thái luôn phải chống lại kẻ thù, trong đó có kẻ thù 4 chân (thú dữ). Xòe phản ánh bước đường chinh chiến của cha ông đoàn kết chống kẻ thù, tạo nên sức mạnh trị thủy, khai phá đất đai, mong ước một cuộc sống sinh sôi nảy nở.
Với những cuộc vui kéo dài và mang đậm yếu tố trữ tình, dàn nhạc xòe thường có sự góp mặt của cây tính tẩu. Với sự đặc sắc, uyển chuyển, sinh động của nghệ thuật xòe Thái, các biên đạo múa, nhạc sĩ chuyên nghiệp đã đưa xòe Thái lên nhiều sân khấu biểu diễn.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 1954), xòe được nâng tầm lên thành nghệ thuật biểu diễn. Bên cạnh đó, các nhạc sĩ cũng nhanh chóng vào cuộc, góp phần đưa vòng xòe vượt ra ngoài sân chơi làng bản để đến với nhiều sân khấu hiện đại.
Nghệ thuật múa xòe truyền thống dân tộc Thái là kết quả sáng tạo nghệ thuật xuất phát từ lao động của cộng đồng người Thái nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa trước hết của chính họ.
Đặt chân đến vùng đất Điện Biên lịch sử, du khách được ngắm cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, trữ tình của non ngàn Tây Bắc. Được thăm lại chiến trường xưa để sống lại một thời “hoa lửa” của thế hệ ông cha. Mọi người còn được hòa mình trải nghiệm bản sắc văn hóa dân tộc Thái với những món ăn hấp dẫn, những vòng xòe ấm áp, mê hoặc như lời chào, lời mời gọi, níu bước chân du khách gần xa.