Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Xoè Thái trong xã hội đương đại

GD&TĐ - Trong 2 ngày 4-5/10, tại Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội), Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Sở VHTTDL các tỉnh Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu và Sơn La, tổ chức hội thảo quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Xòe Thái trong xã hội đương đại”.

Vòng Xòe khổng lồ tại Lễ hội Mường Lò 2019.
Vòng Xòe khổng lồ tại Lễ hội Mường Lò 2019.

Hội thảo là cơ hội để hơn 150  chuyên gia Việt Nam và quốc tế, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý địa phương, các nghệ nhân am hiểu nghệ thuật Xoè Thái trình bày, thảo luận các khía cạnh lý luận và thực tiễn nhằm đúc kết các vấn đề về quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể, trong đó có nghệ thuật Xoè Thái trong xã hội đương đại.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định, do tầm quan trọng của nghiên cứu, bảo vệ và phát huy di sản múa dân gian và nghệ thuật Xoè Thái, Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo học giả và khách tham dự trong nước và quốc tế.

Xoè là một loại hình vũ điệu dân gian của người Thái ở Tây Bắc. Các điệu Xoè xuất phát từ nghi lễ Then và dần dần, Xoè được trình diễn trong các sự kiện văn hoá, xã hội như các lễ hội cộng đồng, cuộc vui gia đình, bản mường.  

Các động tác múa tay đơn giản nhưng mang ý nghĩa biểu tượng cho một cuộc sống tốt đẹp và sự đoàn kết của tất cả mọi thành viên trong cộng đồng.

Sự uyển chuyển của động tác khi hoà với âm nhạc, bài hát, trang phục trong không gian của nghi lễ Then thể hiện một hệ thống tín ngưỡng của người Thái, hay trong các cuộc vui có Xoè vòng thể hiện tính cởi mở, hoà đồng của một loại hình nghệ thuật cộng đồng.

Quang cảnh hội thảo quốc tế về nghệ thuật múa Xòe.
 Quang cảnh hội thảo quốc tế về  nghệ thuật múa Xòe.

Xoè mang tính biểu đạt văn hóa giàu tính cộng cồng, Xòe cũng là biểu tượng thể hiện nhân sinh quan, vũ trụ quan, tâm tư, tình cảm của người Thái, có nhiều ý nghĩa, chức năng đối với cuộc sống tinh thần của người Thái hiện nay.

Nghệ thuật Xoè Thái tượng trưng cho cái đẹp, chứa đựng những giá trị nghệ thuật vũ đạo, âm nhạc, ca hát, trang phục, ẩm thực và ứng xử ăn hoá của cộng đồng người Thái.

Ngày nay, nghệ thuật Xoè đã trở thành biểu tượng của lòng cởi mở, hiếu khách, là dấu ấn văn hoá tộc người và bản sắc văn hoá của người Thái vùng Tây Bắc Việt Nam.

Điệu Xòe trong lễ hội với sức biểu đạt lôi cuốn của những chiếc khăn.
Điệu Xòe  trong lễ hội với sức biểu đạt lôi cuốn của những chiếc khăn.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhấn mạnh: “Xòe Thái thuộc loại hình diễn xướng dân gian, mang tính biểu tượng cao. Nghệ thuật Xoè Thái đã được Bộ VHTTDL công nhận trong danh mục di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

Việc ghi danh di sản văn hoá phi vật thể của UNESCO cũng như trong danh mục quốc gia nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ di sản nói chung và di sản múa dân gian và nghệ thuật Xoè Thái nói riêng”.

Tại hội thảo, nhiều chiều cạnh của di sản Xòe Thái đã được phân tích sâu tại hội thảo, các chuyên gia, các học giả, các nhà nghiên cứu văn hóa, các nghệ nhân đã đưa ra nhận diện dưới góc độ so sánh, nhận diện Xòe Thái trong dòng chảy văn hóa của vũ đạo người Thái ở Việt Nam và Trung Quốc...

Các tham luận đã chỉ ra giá trị, chức năng của Xòe Thái trong cuộc sống của cộng đồng ngày nay, các biện pháp bảo vệ chính như tư liệu hóa, truyền dạy, bảo tồn vũ điệu Xòe trong tổng thể các biểu hiện của văn hóa Thái.

"Thông qua những tham luận và những ý kiến thảo luận, chúng ta có thêm những đóng góp quý báu cho việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật Xòe Thái. Chúng ta có thêm sự hiểu biết về giá trị nghệ thuật và chức năng xã hội của di sản này,

Từ đây, đặt ra những phương hướng, nhiệm vụ cho việc bảo vệ di sản có hiệu quả để đảm bảo sự bền vững của di sản cũng như phát huy di sản trong cuộc sống và phát triển kinh tế tại địa phương.

Những thành quả nghiên cứu nhận được từ hội thảo này sẽ đóng góp thiết thực trong khoa học nghiên cứu liên ngành và trong thực tiễn bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam”, TS Bùi Hoài Sơn khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.