Đam mê sáng tạo xóa nhòa khoảng cách

GD&TĐ - Nhiều dự án, sản phẩm đến từ các trường ở khu vực miền núi, nông thôn đoạt giải cao trong Cuộc thi KHKT cấp quốc gia HS trung học năm học 2023 - 2024.

Đoàn Lâm Đồng chụp hình lưu niệm với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng tại Lễ trao giải Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023 – 2024. Ảnh: Website Sở GD&ĐT Lâm Đồng
Đoàn Lâm Đồng chụp hình lưu niệm với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng tại Lễ trao giải Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023 – 2024. Ảnh: Website Sở GD&ĐT Lâm Đồng

Trong đó, có dự án tập trung vào lĩnh vực môi trường, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho các hoạt động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày.

Học sinh trường huyện tỏa sáng

Lâm Đồng có 2 dự án tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023 - 2024. Trong đó, dự án Ứng dụng AI, IoT và ChatGPT vào mô hình nuôi tằm của bà con nông dân của nhóm tác giả Lê Hoàng Trường Giang và Lê Hà Thanh Phong (Trường THPT Phan Đình Phùng) là một trong 10 dự án đoạt giải Nhất. Dự án này nằm trong lĩnh vực hệ thống nhúng.

Trường THPT Phan Đình Phùng thuộc huyện Đam Rông (Lâm Đồng), cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 100 km; được xem là huyện vùng xa của tỉnh. Nhiều năm gần đây, trồng dâu nuôi tằm trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần nâng cao đời sống của nhiều gia đình nơi đây. Đề tài của nhóm 2 học sinh được đánh giá cao vì tính mới, tiếp cận theo hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI vào thực tiễn đời sống sản xuất.

Trường THPT Phan Đình Phùng bắt đầu có học sinh tham dự Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh từ năm học 2018 - 2019. Dù thời điểm ấy, trường chưa có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức cho học sinh tham gia nghiên cứu khoa học nhưng thầy và trò vẫn động viên nhau cố gắng thử sức ở sân chơi đầy sáng tạo và thiên về nghiên cứu này.

Vượt qua khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đề tài “Hệ thống lọc nước tự động bằng năng lượng mặt trời” lần đầu tiên tham gia ở cuộc thi cấp tỉnh đã đoạt giải Tư. Đây là “bàn đạp” để những năm sau đó, học sinh nhà trường, dưới sự hướng dẫn của thầy, cô giáo, không ngừng tìm tòi đề tài sáng tạo, có sự đầu tư nghiên cứu công phu để tạo ra sản phẩm giá trị ứng dụng trong thực tiễn.

Dự án Nghiên cứu hoạt tính kháng nấm bệnh và phân hủy chất hữu cơ của nấm Trichoderma phân lập từ bã thải trồng nấm bào ngư của học sinh Trường THPT Trần Quốc Tuấn (Quảng Ngãi) đoạt giải Triển vọng. Nhận thấy trên các bã thải trồng nấm bào ngư xuất hiện chủng Trichoderma có hoạt tính sinh học tốt, nhóm học sinh Trần Tuấn Thịnh và Nguyễn Tuấn Minh - học sinh lớp 12C1 đã nghiên cứu hướng ứng dụng. Theo đó, nguồn bã thải từ trồng nấm được tận dụng để sản xuất phân vi sinh, giúp bà con nông dân có thêm thu nhập.

Trong quá trình thực hiện dự án, nhóm học sinh nhận được sự hỗ trợ lớn từ Trường ĐH Phạm Văn Đồng để sử dụng phòng thí nghiệm và sự hướng dẫn chuyên môn của TS Nguyễn Minh Cần - giảng viên nhà trường.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, thầy cô chúc mừng nhóm 2 học sinh Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng đoạt giải Ba tại cuộc thi. Ảnh: Quốc Ngữ

Lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, thầy cô chúc mừng nhóm 2 học sinh Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng đoạt giải Ba tại cuộc thi. Ảnh: Quốc Ngữ

Những nhà khoa học tập sự

Tham dự Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2023 - 2024, học sinh Hà Nội đã giành 2 giải Nhất, 1 giải Ba.

Đề tài đoạt giải Nhất “Nghiên cứu công nghệ sản xuất N-Acetyl-DL-Leucin quy mô Pilot làm nguyên liệu bào chế thuốc” của Hoàng Nam Khánh (THPT Việt Đức), Đinh Phan Anh (THPT chuyên Nguyễn Huệ), do cô Bùi Thanh Huyền - giáo viên Trường THPT Việt Đức hướng dẫn.

Cùng đó là đề tài “Tác động của nền tảng video ngắn đối với việc học tập, tương tác xã hội và sự hài lòng trong đời sống của học sinh THPT tại Hà Nội” của học sinh Lê Đức Minh, Nguyễn Vũ Gia Nguyên (Trường THPT Chu Văn An) do cô Phan Hồng Hạnh - Trường THPT Chu Văn An hướng dẫn.

Bày tỏ niềm vui sau khi đề tài được trao giải cao nhất, Hoàng Nam Khánh cho biết: Aleucin chứa Acetylleucine (N-Acetyl-DL-Leucin) - một axit amin biến đổi sử dụng trong điều trị chóng mặt và chứng mất điều hòa tiểu não.

Thuốc có tác dụng trong việc giảm các triệu chứng chóng mặt và mất thăng bằng. Hiện nay, các nghiên cứu về tác dụng dược lý của thuốc cho thấy hoạt chất này có thể khôi phục điện thế màng tế bào của tế bào thần kinh, từ đó giúp quá trình khử cực các tế bào thần kinh diễn ra nhanh chóng.

Thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất N-Acetyl-DL-Leucin quy mô Pilot làm nguyên liệu bào chế thuốc”, chúng em mong muốn có thể nghiên cứu đưa ra được công nghệ và sản xuất những nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên để hỗ trợ phòng chống, điều trị một số bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, thoái hóa khớp.

Lê Đức Minh, Nguyễn Vũ Gia Nguyên, học sinh Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) nhận giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023 - 2024. Ảnh Lê Cường

Lê Đức Minh, Nguyễn Vũ Gia Nguyên, học sinh Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) nhận giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023 - 2024. Ảnh Lê Cường

Giải pháp nâng chất lượng học tập

Tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023 – 2024, đội học sinh Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (TP Cần Thơ) đã nỗ lực và đoạt giải Ba. Đó là dự án “Phần mềm hỗ trợ học sinh THPT thực hiện tốt hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp” của học sinh Nguyễn Nhật Quang Vinh (lớp 11A2) và Huỳnh Nguyễn Anh Phương (lớp 10A1B).

Chia sẻ niềm vui khi dự án đoạt giải, em Nguyễn Nhật Quang Vinh cho biết: Trong Chương trình GDPT 2018, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc, đóng vai trò quan trọng nhằm hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của học sinh. Tuy nhiên, hoạt động này đang gặp nhiều khó khăn khi triển khai, ví như việc các trường phải bố trí thời lượng phù hợp, nguồn tài liệu tham khảo và nguồn lực kinh tế còn hạn chế…

Trong các giải pháp kỹ thuật có khả năng giải quyết khó khăn trên, phần mềm học tập là hướng đi tiềm năng với cơ sở lý luận phù hợp. Mục tiêu của dự án nhằm giúp học sinh vừa hứng thú, vừa am hiểu khi khám phá thông tin; nội dung có tính mới mẻ, ý nghĩa và đáp ứng được chuẩn kiến thức, kỹ năng theo định hướng phát triển năng lực của Chương trình GDPT 2018...

Nhóm tác giả cũng đưa kết quả khảo sát đã minh chứng rõ nét hiệu quả phần mềm. Do đó, đề tài hoàn toàn có khả năng triển khai tại các trường THPT hiện nay, giúp học sinh thêm hứng thú với hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Ngoài ra, sản phẩm mang lại hiệu quả tích cực về kinh tế và xã hội…

Học sinh THPT chuyên Lê Quý Đôn (Lai Châu) tại Lễ trao giải Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023 – 2024. Ảnh: Hà Thuận

Học sinh THPT chuyên Lê Quý Đôn (Lai Châu) tại Lễ trao giải Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023 – 2024. Ảnh: Hà Thuận

Trong khi đó, Lê Đức Minh - học sinh Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) bày tỏ niềm vui khi đề tài của nhóm mình nghiên cứu được trao giải Nhất trong cuộc thi năm nay và cho biết: Nền tảng video ngắn trở thành một phần quan trọng của cuộc sống. Các video trên ứng dụng như TikTok, Instagram Reels, YouTube Shorts, Triller, Snapchat... lan truyền rất nhanh.

So với các nền tảng truyền thông xã hội khác, nền tảng video ngắn thu hút người dùng bằng nội dung ngắn gọn, giải trí và dễ tiếp cận. Nó trở thành vấn đề xã hội nổi bật, lan rộng khắp các trường học trên thế giới. Tỷ lệ xem các video ngày càng tăng dẫn đến việc học sinh nghiện video ngắn ảnh hưởng đến kết quả học tập cũng như tác động tiêu cực với xã hội...

Nền tảng video ngắn cũng được học sinh THPT ưa chuộng. Nền tảng này có thể giúp giới trẻ thư giãn, giải trí, song với xu hướng liên hoàn có thể ảnh hưởng đến khả năng học tập, tư duy phản biện, cản trở quá trình hình thành giá trị đúng đắn, cũng như làm phân tán sự chú ý, hạn chế nhận thức của học sinh.

“Chúng em nhận thấy những nghiên cứu về tác động của nền tảng video ngắn đến học tập và mối quan hệ tương tác xã hội đến học sinh THPT, đặc biệt tại Hà Nội vẫn còn khoảng trống. Do đó, khảo sát về tác động có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết để hiểu rõ hơn về mặt trái của công nghệ đối với học sinh hiện nay”, Đức Minh chia sẻ.

Dự án “Nâng cao kỹ năng làm chủ bản thân tránh tác động tiêu cực từ mạng xã hội” của Nguyễn Phương Anh và Đỗ Nguyễn Bảo Ngọc - học sinh lớp 10 chuyên Toán, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Lai Châu) được trao giải Triển vọng.

Chia sẻ về ý tưởng lựa chọn dự án, em Nguyễn Phương Anh cho biết: “Bên cạnh nhiều lợi ích, mạng xã hội cũng gây ra ảnh hưởng không lành mạnh đến con người, đặc biệt với thanh, thiếu niên. Rèn luyện kỹ năng làm chủ bản thân là bước quan trọng trong hành trình trưởng thành. Kỹ năng này càng cấp thiết hơn trong bối cảnh học sinh có nguy cơ chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ mạng xã hội”.

Theo Nguyễn Phương Anh, quá trình học tập, rèn luyện của học sinh nữ ít nhiều gặp khó khăn. Đó có thể là những định kiến giới, hoặc bản thân học sinh nữ về tâm lý, cảm xúc, cách ứng xử... có nhiều vấn đề hơn học sinh nam. Do đó, rèn luyện kỹ năng làm chủ bản thân ở nữ sinh càng quan trọng hơn bao giờ hết.

Ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết: “Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023 – 2024 góp phần thúc đẩy tinh thần nghiên cứu khoa học, sáng tạo trong học sinh. Đây cũng là nền tảng để nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp khi các em lên cấp học cao hơn. Nhiều dự án có ý tưởng và đề xuất giải pháp chất lượng, góp phần cải thiện cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Tin vui cho sĩ tử

GD&TĐ - Nhiều công việc quan trọng chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (Kỳ thi) đã được triển khai.