Tiếp thu ý kiến đại biểu, các quy định về giáo dục phổ thông (GDPT) trong Dự thảo Luật đã được rà soát, sắp xếp, mạch lạc giữa các bộ phận của cấp học, bảo đảm đây vừa là cấp học trang bị các kiến thức, kỹ năng, năng lực cơ bản, nền tảng, vừa định hướng nghề nghiệp, tạo điều kiện cho công tác phân luồng và chuẩn bị nguồn lao động tương lai.
Đối với cơ cấu GDPT và độ tuổi bắt đầu các cấp học, UBTVQH đề nghị giữ như quy định hiện hành để bảo đảm tính ổn định, phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của người học. Luật hiện hành cũng như Dự thảo Luật đã có quy định về việc học trước tuổi, học ở tuổi cao hơn tuổi quy định, học vượt lớp, học lưu ban và giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể.
Đối với chương trình, sách giáo khoa GDPT, Dự thảo Luật đã sắp xếp, bổ sung các nội dung theo hướng quy định cụ thể các yêu cầu cơ bản của chương trình, sách giáo khoa; việc xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình, phát hành sách giáo khoa; các nội dung chi tiết và trình tự, thủ tục sẽ được quy định ở văn bản dưới luật để bảo đảm tính cân đối trong bố cục và phù hợp với thực tiễn.
Liên quan đến hệ thống giáo dục quốc dân, nhiều đại biểu đề nghị quy định hệ thống giáo dục quốc dân một cách mạch lạc, quan tâm đến tên gọi và mô tả các thành tố; làm rõ tính chất mở, liên thông, phân luồng và bổ sung chính sách, cơ chế để thực hiện phân luồng, liên thông.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật đã làm rõ hơn các thành tố của hệ thống giáo dục quốc dân trên cơ sở xác định lại vị trí, vai trò và cách thức tổ chức của các thành tố; bảo đảm hệ thống giáo dục quốc dân là một hệ thống mở, liên thông và phân luồng.
Tính chất mở, liên thông và phân luồng của hệ thống cũng được thể hiện rõ hơn trong Dự thảo Luật thông qua hệ thống khái niệm, nguyên tắc và cơ chế cơ bản, tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện trong thực tiễn.
Đối với tên gọi của các cấp học và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân, UBTVQH đề nghị giữ như quy định hiện hành, vì đã tương đối ổn định, cơ bản phù hợp với hệ thống phân loại giáo dục quốc tế, tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác quốc tế, nhất là trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.