Địa phương sẽ quan tâm hơn cho giáo dục
Ông Nguyễn Minh Tường dẫn nội dung trong dự thảo: UBND các cấp chịu trách nhiệm chất lượng giáo dục địa phương: tại khoản 4 Điều 100 : “Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo phân cấp của Chính phủ, trong đó có việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục;
Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục của các cơ sở giáo dục trên địa bàn; có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các trường công lập thuộc phạm vi quản lý; phát triển các loại hình trường, thực hiện xã hội hóa giáo dục; bảo đảm đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục tại địa phương; chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục của địa phương.”
Từ đó cho rằng: Đây là một sự phân cấp rõ ràng nhất về chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục, và phù hợp với thực tiễn, tránh việc đùn đẩy trách nhiệm cho ngành,
Vì theo Luật GD 2005 và sửa đổi năm 2009 chỉ quy định ngắn gọn: “Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục theo sự phân cấp của Chính phủ và có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các trường công lập thuộc phạm vi quản lý, đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục tại địa phương”.
Có sự phân cấp rõ ràng này thì sẽ có sự ganh đua về chất lượng giữa các địa phương, để từ đó UBND các cấp ở các địa phương quan tâm đầu tư lớn hơn nữa cho sự phát triển giáo dục.
Tạo động lực mạnh mẽ cho đội ngũ nhà giáo
Thực tế hiện nay lương của nhà giáo còn thấp so với các ngành khác cùng đặc thù, đặc biệt là nhà giáo ở bậc giáo dục mầm non, phổ thông. Vì vậy, cần phải có cơ chế, chính sách tháo gỡ vấn đề này và cần thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW vào Luật giáo dục (“Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”).
Điều 81 Dự thảo nêu rõ: "Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ”.
Đây cũng là việc cụ thể hóa quan điểm của Đảng coi giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu và trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện thì một trong những giải pháp đủ mạnh là phải có chế độ đãi ngộ phù hợp mới tạo động lực. „Chúng tôi cho rằng đây là thay đổi quan trọng nhất so với hiện nay là chế độ tiền lương giáo viên“ – ông Nguyễn Minh Tường khẳng định.
Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ phân tích thêm: Như chúng ta đã biết, lương của giáo viên hiện nay nhìn chung còn thấp, nhất là ở bậc học mầm non, phổ thông, trong khi trên thực tế, gánh nặng đặt lên vai nhà giáo rất lớn. Rất nhiều công việc trực tiếp và gián tiếp hàng ngày giáo viên phải thực hiện mà không có thêm nguồn thu nhập tăng thêm nào khác.
Bên cạnh đó, còn phải kể đến những khó khăn, thiếu thốn về điều kiện để thực hiện nhiệm vụ của mình như cơ sở vật chất, đặc biệt là những vùng vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, hải đảo.
Kể cả ở đô thị cũng có những khó khăn như trường lớp đông, nhiều kỳ vọng, nhiều yêu cầu, hơn thế nữa, đứng trước yêu cầu đổi mới hiện nay, nhà giáo còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ liên quan đến công tác chuẩn bị cho việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa phổ thông.
Do đó, việc đề xuất chính sách cải cách tiền lương và đã được đưa vào dự thảo tạo động lực mạnh mẽ cho đội ngũ nhà giáo, tâm lý yên tâm công tác và cống hiến, đồng thời đây cũng là yếu tố quan trọng để thu hút những học sinh giỏi, xuất sắc, những học sinh có thành tích cao trong học tập hướng đến trường sư phạm, lựa chọn nghề giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Ngành. Từ đó, nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng mục tiêu và yêu cầu đổi mới giáo dục đào tạo hiện nay.
Nâng chuẩn giáo viên: 100% giáo viên tiểu học Phú Thọ có trình độ trên chuẩn
Vấn đề chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo cũng xem là một nội dung cần đề cập sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Giáo dục để nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW (“…tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở…phải có trình độ từ đại học trở lên...”).
Theo đó, căn cứ vào thực tiễn đội ngũ nhà giáo, dự thảo Luật đề xuất nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng.
Ông Nguyễn Minh Tường khẳng định, điều này là hoàn toàn phù hợp và cho biết, thực tế đối với trình độ đào tạo đội ngũ giáo viên dạy cấp tiểu học của tỉnh Phú Thọ thì 100% có trình độ trên chuẩn (từ cao đẳng trở lên).
Chính sách phổ cập liên quan đến học học phí
Dự thảo Luật lần này có những sửa đổi liên quan trực tiếp đến chính sách đối với người học đó là bổ sung đối tượng miễn học phí đến hết bậc học trung học cơ sở nhằm đẩy mạnh phổ cập giáo dục THCS và phân luồng.
Cụ thể là việc sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 105: "Học phí là khoản tiền của gia đình người học hoặc người học phải nộp để góp phần bảo đảm chi phí cho các hoạt động giáo dục. Học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường công lập không phải nộp học phí".
Ông Nguyễn Minh Tường khẳng định: Đây là nội dung mang đầy ý nghĩa nhân văn, tạo tâm lý tốt cho phụ huynh cũng như người học, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Vì thực tế thu học phí bậc THCS cả nước mỗi năm thu hơn 2.000 tỷ đồng chia cho 63 tỉnh, thành thì không nhiều.
- Sửa đổi, bổ sung hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo;
- Sửa đổi, bổ sung quy định về giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên để đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở, định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông; xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời;
- Bổ sung một số quy định thể chế các chính sách của Đảng và phù hợp với các quy định hiện hành và giao thẩm quyền ban hành các quy chế, quy định liên quan đến hoạt động nhà trường cho phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015;
- Sửa đổi các quy định, điều về kỹ thuật;
Những nội dung trên là hết sức phù hợp và cần thiết để thực hiện đổi mới cản bản, toàn diện GD&ĐT" - ông Nguyễn Minh Tường.