Đảm bảo tiếp cận cơ hội học tập cho người yếu thế

GD&TĐ - Đảm bảo công bằng trong giáo dục và tiếp cận cơ hội học tập, rất cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho những người yếu thế.

Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Đó là chia sẻ của PGS.TS Phạm Thị Huyền - Trưởng Bộ môn Khoa Marketing, Trường ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội).

Tăng cơ hội học tập cho người yếu thế

Theo vị chuyên gia này, gánh nặng học phí hiện đang đặt nặng trên vai người học. Chi phí cho việc học tập cũng được chi trả chủ yếu bởi gia đình người học; đặc biệt là người học ở trình độ đại học và những gia đình cho con em học ở các trường tư thục.

Năm 2016, PGS.TS Phạm Thị Huyền thực hiện một nghiên cứu và nhận thấy, gia đình người học phải chi trả đến 84,6% tổng chi phí học tập sau phổ thông của mỗi người học.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, hiện phần chi của gia đình cho giáo dục là 35,1% dành cho học phí. Điều đó có nghĩa là, học phí đang được xem là phần chi tiêu chiếm 1/3 tổng chi cho giáo dục.

PGS.TS Phạm Thị Huyền phát biểu tại Diễn đàn Người Lao động năm 2023 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn”.

PGS.TS Phạm Thị Huyền phát biểu tại Diễn đàn Người Lao động năm 2023 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn”.

Ở giáo dục phổ thông, khi các cơ sở giáo dục ngoài phần ngân sách nhà nước, các trường sẽ hoạt động chính nhờ phần học phí. Để có nguồn thu khác nhằm duy trì hoạt động, nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025, tăng thu học phí là cách duy nhất mà các cơ sở giáo dục từ mầm non, phổ thông đến đại học đang làm.

Điều này, vô hình trung lại tạo áp lực lên người học và gia đình của họ. Nếu không thực thi tốt chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho những đối tượng có liên quan thì cơ hội học tập của những người yếu thế sẽ giảm đi, đi ngược lại chủ trương “không để ai ở lại phía sau”.

Cần doanh nghiệp đồng hành

Chính vì vậy, PGS.TS Phạm Thị Huyền cho rằng, để đảm bảo công bằng trong giáo dục và tiếp cận cơ hội học tập, rất cần có chính sách hỗ trợ chi phí học tập, tạo điều kiện cho những người yếu thế được tiếp cận với dịch vụ giáo dục, đào tạo, song nên cân nhắc việc chuyển từ hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục sang hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách – nếu người học đi học thì có thể hỗ trợ trực tiếp vào tài khoản đóng học phí của người học.

Giảng đường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Giảng đường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Theo PGS.TS Phạm Thị Huyền, với việc đào tạo nghề và giáo dục đại học, các địa phương nên áp dụng cơ chế đặt hàng với các trường đại học để trả kinh phí đào tạo cho những người mà địa phương tuyển dụng được.

Điều này vừa tạo động lực để các trường đào tạo theo yêu cầu địa phương, vừa đảm bảo công ăn việc làm cho người học sau tốt nghiệp. Bên cạnh đó, việc quan trọng hơn chính là làm sao tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia và hỗ trợ công tác giáo dục và đào tạo.

Chính các doanh nghiệp là người sử dụng lao động nên chất lượng giáo dục và đào tạo sẽ tác động lên hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Cân nhắc việc bổ sung nguồn đầu tư cho giáo dục từ Quỹ Phát triển Khoa học công nghệ của doanh nghiệp, tạo thành Quỹ Học bổng cho người học ở các cơ sở giáo dục.

Việc các doanh nghiệp tham gia tạo nguồn Quỹ Học bổng cho sinh viên chính là một trong những cách làm đang được áp dụng nhưng chưa mang tính hệ thống.

Theo PGS.TS Phạm Thị Huyền, Chính phủ và các địa phương cũng có thể cân nhắc dùng các nguồn đầu tư trong nước và nước ngoài, ngân sách nhà nước để cấp trực tiếp cho các trường để bù đắp các khoản học phí của người học có điều kiện khó khăn, yếu thế hoặc trong những tình huống đặc thù để giúp người học giảm gánh nặng học phí.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ