Nỗ lực vì công bằng trong tiếp cận giáo dục

GD&TĐ - Do dịch Covid-19, nhiều địa phương phải chuyển trạng thái dạy học. Ngành giáo dục đã ban hành các Thông tư hướng dẫn cụ thể, huy động nguồn lực nhằm bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục cho tất cả học sinh.

Học qua truyền hình. Ảnh minh hoạ/INT.
Học qua truyền hình. Ảnh minh hoạ/INT.

Cùng với công tác phòng, chống dịch, việc triển khai dạy - học trực tuyến, dạy học qua truyền hình là giải pháp cần thiết, nhằm bảo đảm hiệu quả, công bằng trong tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền.

Đặc biệt, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Qua đó, tạo hành lang pháp lý với mục đích hỗ trợ hoặc thay thế dạy học trực tiếp, giúp các cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng dạy học và hoàn thành chương trình giáo dục.

Việc pháp điển hóa hình thức dạy học trực tuyến còn nhằm phát triển năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy - học, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Giáo dục. Đồng thời, mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh, tạo điều kiện để các em được học tập ở mọi nơi, mọi lúc và hướng đến bảo đảm hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền.

Bộ đã chỉ đạo các địa phương rà soát, thống kê số lượng học sinh chưa có thiết bị học trực tuyến, đồ dùng học tập để có kế hoạch hỗ trợ giúp đỡ học sinh kịp thời. Đến nay, Bộ đã nhận được đề xuất nhu cầu hỗ trợ máy tính của 56/63 tỉnh, thành phố; số học sinh thuộc đối tượng có hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ là hơn 2 triệu em. Tại các tỉnh, thành phố đang triển khai dạy học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số học sinh cần được hỗ trợ là trên 1,8 triệu.

Để hỗ trợ học sinh học trực tuyến và học qua truyền hình, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Tính đến ngày 30/10, các tập đoàn viễn thông đã xây dựng thêm 283 điểm phát sóng tại các địa phương bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các tổ chức, đơn vị đã cam kết ủng hộ hơn 1,1 triệu máy tính.

Ngoài ra, tính đến ngày 25/10, ngành Giáo dục đã huy động được 142,43 tỷ đồng, hơn 28 nghìn máy tính bảng, trên 28,5 nghìn điện thoại thông minh và trên 79,4 nghìn thiết bị hỗ trợ học trực tuyến khác. Ngành Giáo dục vẫn đang tiếp tục huy động thiết bị học trực tuyến để hỗ trợ cho các địa phương.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đã tổ chức xây dựng, lựa chọn hệ thống bài giảng bảo đảm chất lượng để tổ chức dạy học trực tuyến và phát sóng trên truyền hình theo môn học, cấp học để các cơ sở giáo dục tổ chức cho học sinh học tập phù hợp với kế hoạch dạy học của địa phương.

Phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình Nhân dân để tổ chức sản xuất bài giảng và phát sóng trên truyền hình, trong đó ưu tiên cho lớp 1, lớp 2 là những đối tượng khó thực hiện việc học trực tuyến, với 3 môn: Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh.

Đối với lớp 6, bước đầu đã hoàn thành xây dựng và phát sóng 15 video bài giảng của các môn học. Các kênh truyền hình tỉnh, thành phố thực hiện tiếp sóng hoặc phát lại các chương trình này trong các khung giờ phù hợp trên sóng truyền hình địa phương.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đã xây dựng chuyên mục Hỗ trợ dạy học trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để liên kết đến các nguồn học liệu số, bài giảng điện tử, thông tin hướng dẫn lựa chọn phần mềm dạy học trực tuyến; lịch phát sóng dạy học trên truyền hình của tất cả các đài trên cả nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ