Cùng với điều chỉnh học phí, nhiều cơ sở đào tạo tuyên bố có chính sách hỗ trợ sinh viên. Đây cũng là mong muốn của người học.
Đồng hành cùng người học
Là người dân tộc Mông, Giàng A Lử (quê Sơn La) vừa được nhận học bổng toàn phần của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Hiện, A Lử là sinh viên năm thứ nhất Khoa Kế toán và Quản trị Kinh doanh của Học viện.
“Em là người dân tộc thiểu số, sinh sống tại vùng kinh tế, xã hội khó khăn. Gia đình diện hộ nghèo nên học bổng toàn phần giúp em hiện thực hóa ước mơ đại học. Em mong có thêm nhiều chương trình hỗ trợ sinh viên thuộc diện hộ nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, yếu thế; nhất là những bạn học giỏi, có nghị lực, biết vượt lên hoàn cảnh đạt thành tích tốt trong học tập, rèn luyện”, A Lử bày tỏ tâm nguyện.
TS Vũ Ngọc Huyên - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho hay, lần đầu tiên Học viện dành 920 suất học bổng cho học sinh THPT thuộc 8 tỉnh miền núi phía Bắc, gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Tuyên Quang, Yên Bái, Lai Châu và Điện Biên. Chương trình được áp dụng ngay trong năm học 2023 - 2024 nhằm hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại các tỉnh này (mỗi tỉnh tối đa 115 suất).
Mới đây, Học viện đã trao học bổng cho hơn 220 sinh viên thuộc 13 khoa trực thuộc. “Năm học 2023 - 2024 có sự tăng vượt bậc khi đơn vị ký cam kết với các doanh nghiệp nên số tiền học bổng tăng lên trên 3 tỷ đồng”, TS Vũ Ngọc Huyên chia sẻ và cho biết, hằng năm, Học viện dành trên 30 tỷ đồng để trao học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên.
Theo Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, số lượng học bổng doanh nghiệp ngày càng tăng, đồng nghĩa nhiều sinh viên được tạo điều kiện, hỗ trợ học tập, nghiên cứu tốt hơn trong môi trường giáo dục. Qua đó, góp phần đảm bảo công bằng, tạo cơ hội cho người yếu thế có điều kiện tiếp cận với giáo dục đại học.
Ngoài ra, Học viện ký kết hơn 140 biên bản ghi nhớ, hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế ở khắp châu lục. Từ đây mở ra trên 800 cơ hội giao lưu quốc tế, thực tập nghề nghiệp, việc làm cho sinh viên.
Sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NTCC |
“Đáng đồng tiền bát gạo”
Là cơ sở đào tạo công lập tự chủ một phần, Trường ĐH Tây Nguyên có nhiều chính sách hỗ trợ sinh viên người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn… TS Vũ Minh Chiến - Phó Trưởng phòng Công tác sinh viên khẳng định, mức thu học phí tuân thủ theo quy định của Chính phủ, thậm chí còn thấp hơn một số trường đại học khác. Tuy nhiên, các chính sách miễn, giảm học phí, học bổng khuyến khích học tập... được nhà trường đặc biệt quan tâm.
Bên cạnh đó, Trường ĐH Tây Nguyên có những hỗ trợ đặc thù cho người học như: Cho phép sinh viên hoàn cảnh đặc biệt nộp học phí chậm hơn. Nhà trường có chương trình học bổng tiếp sức đến trường, đồng hành cùng tân sinh viên; tìm kiếm học bổng của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.
“Ngoài ra, với sinh viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo người dân tộc thiểu số sẽ được miễn giảm học phí. Các chế độ, chính sách dành cho sinh viên dân tộc rất ít người, hỗ trợ chi phí học tập với sinh viên người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được nhà trường thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo quy định của Nhà nước”, TS Vũ Minh Chiến khẳng định.
Các trường thuộc khối giáo dục nghề nghiệp cũng có nhiều chính sách đồng hành, hỗ trợ người học. Theo thông báo của Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, có ba mức học phí: 1,2 triệu - 1,3 triệu - 1,8 triệu đồng/tháng/sinh viên (tùy theo nhóm ngành học). Trường cũng cam kết giảm 50% học phí cho học sinh, sinh viên là con cán bộ, công nhân viên chức có cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên.
Giảm 70% học phí với học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số, học các ngành/nghề: Hàn, cắt, gọt kim loại, lắp đặt thiết bị cơ khí. Miễn học phí đối với con liệt sĩ, thương binh; học sinh, sinh viên bị tàn tật, mồ côi cả cha lẫn mẹ; học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số; học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp.
Tuy nhiên, Nguyễn Mạnh Hùng - sinh viên Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải Trung ương I (Hà Nội) mong muốn, nhà trường có thêm nhiều chính sách cho sinh viên, chẳng hạn như: Mở rộng đối tượng thụ hưởng học bổng, có chính sách hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy – học, nhất là thiết bị, máy móc thực hành theo hướng hiện đại.
“Làm sao để học phí người học bỏ ra “đáng đồng tiền bát gạo”. Qua đó, giúp chúng em có thêm động lực phấn đấu trong học tập, rèn luyện. Đây cũng là giải pháp giúp các bạn có hoàn cảnh khó khăn rộng cơ hội đến trường, theo đuổi đam mê”, Mạnh Hùng bày tỏ.
Sinh viên Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội thực hành tại xưởng. Ảnh: Website nhà trường |
Không để ai ở lại phía sau
Vấn đề học phí năm học 2023 - 2024 đã ngã ngũ khi các cơ sở đào tạo được phép tăng nhưng thấp hơn so với lộ trình quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ (Nghị định 81).
Tuy nhiên, theo TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT), các cơ sở đào tạo đều có chính sách hỗ trợ người học. Tăng học phí theo lộ trình của Chính phủ đưa ra là việc hiển nhiên, song kèm theo đó chất lượng đào tạo thực tế của cơ sở đào tạo có làm giá trị của sinh viên gia tăng tương ứng.
Theo đó, tăng học phí cần đi kèm các chính sách khác nhằm nâng cao chất lượng đào tạo như mua sắm thiết bị, sách, ứng dụng công nghệ dạy học mới, cải thiện cơ hội việc làm, tăng vốn vay cho sinh viên theo học, tăng học bổng cho sinh viên nghèo học giỏi. Muốn vậy, nhà trường cần cơ cấu lại việc đầu tư, tích lũy và minh bạch tài chính, nhất là thu - chi từ nguồn học phí.
Cho rằng, học phí đặt trên vai người học, PGS.TS Phạm Thị Huyền - Trưởng bộ môn Khoa Marketing, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) chia sẻ, chi phí cho học tập được chi trả chủ yếu bởi gia đình người học, đặc biệt người học ở trình độ đại học và những gia đình cho con em học ở các trường tư thục.
Qua khảo sát, nghiên cứu, PGS.TS Phạm Thị Huyền nhận thấy, gia đình người học phải chi trả đến 84,6% tổng chi phí học tập sau phổ thông của mỗi người học. Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, hiện phần chi của gia đình cho giáo dục là 35,1% cho học phí. Điều đó có nghĩa, học phí được xem là phần chi tiêu chiếm 1/3 tổng chi cho giáo dục.
Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhận học bổng “Thắp sáng ước mơ”. Ảnh: NTCC |
Để có nguồn thu khác nhằm duy trì hoạt động, nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2025, tăng thu học phí là cách duy nhất mà cơ sở giáo dục từ mầm non, phổ thông đến đại học đang làm.
Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Thị Huyền cho rằng, điều này vô hình trung tạo áp lực lên người học và gia đình. Nếu không thực thi tốt chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho những đối tượng có liên quan thì cơ hội học tập của người yếu thế sẽ giảm đi, đi ngược chủ trương “không để ai ở lại phía sau”.
Chính vì vậy, để đảm bảo công bằng trong giáo dục và tiếp cận cơ hội học tập, PGS.TS Phạm Thị Huyền nhấn mạnh, rất cần chính sách hỗ trợ chi phí học tập, tạo điều kiện cho người yếu thế được tiếp cận với dịch vụ giáo dục, đào tạo. Song nên cân nhắc việc chuyển từ hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục sang hỗ trợ trực tiếp đối tượng chính sách - có thể chuyển trực tiếp vào tài khoản đóng học phí của người học.
Với việc đào tạo nghề và giáo dục đại học, PGS.TS Phạm Thị Huyền đề xuất, các địa phương nên áp dụng cơ chế “đặt hàng” với cơ sở đào tạo để trả kinh phí đào tạo. Điều này vừa tạo động lực để các trường đào tạo theo yêu cầu, vừa đảm bảo công ăn việc làm cho người học sau tốt nghiệp. Quan trọng hơn, làm sao tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia và hỗ trợ công tác giáo dục, đào tạo.
“Là người sử dụng lao động, chất lượng giáo dục - đào tạo sẽ tác động đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nên cần thể hiện trách nhiệm trong quá trình đào tạo. Ngoài ra, cần cân nhắc việc bổ sung nguồn đầu tư cho giáo dục từ Quỹ Phát triển Khoa học công nghệ của doanh nghiệp, tạo thành Quỹ Học bổng cho người học ở các cơ sở giáo dục.
Việc doanh nghiệp tham gia tạo nguồn Quỹ Học bổng cho sinh viên chính là một trong những cách làm được áp dụng nhưng chưa mang tính hệ thống”, PGS.TS Phạm Thị Huyền trao đổi.
Về chiến lược lâu dài hỗ trợ cho người học, nhất là người hoàn cảnh khó khăn nhưng có năng lực học tốt, ông Hoàng Văn Cường (đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội) cho rằng, các trường cần có nhiều phương pháp hỗ trợ, giúp các em tiếp cận với điều kiện học tập tốt nhất, kể cả chương trình chất lượng cao.
Trên phương diện Nhà nước, khi không cấp ngân sách đào tạo cho cơ sở đào tạo thì phần kinh phí đó phải để thành lập các quỹ hỗ trợ cho người học, chẳng hạn quỹ học bổng để đặt hàng cho những trường sẽ đào tạo sinh viên, học viên thuộc diện chính sách xã hội, có năng lực tốt. Như vậy sẽ ưu tiên đúng đối tượng, không để tràn lan.
Ngoài ra, theo ông Hoàng Văn Cường, các cơ sở đào tạo phải có chính sách đối với người học, dành quỹ học bổng cho các em. Làm tốt các giải pháp trên sẽ không quan ngại những học sinh giỏi, có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện học tập.
Theo PGS.TS Phạm Thị Huyền, Chính phủ và các địa phương có thể cân nhắc dùng các nguồn đầu tư trong và nước ngoài, ngân sách Nhà nước để cấp trực tiếp cho các trường nhằm bù đắp các khoản học phí của người học có điều kiện khó khăn, yếu thế hoặc trong những tình huống đặc thù, giúp người học giảm gánh nặng học phí.