Đảm bảo cơ hội được chuẩn hóa trước khi dừng tuyển mới GV có trình độ Trung cấp và Cao đẳng

GD&TĐ - Dự thảo của Bộ GD&ĐT về việc sẽ dừng tuyển mới giáo viên (GV) có trình độ Trung cấp và Cao đẳng trong 5 năm tới, khiến những sinh viên hay cựu sinh viên tốt nghiệp các trình độ này hiện chưa tìm được việc làm nhiều tâm tư, lo ngại.

Mọi giáo viên, sinh viên sẽ có đủ thời gian và cơ hội cho chuẩn hóa trình độ trước khi áp dụng chính sách tuyển dụng mới (Ảnh: Zing.vn)
Mọi giáo viên, sinh viên sẽ có đủ thời gian và cơ hội cho chuẩn hóa trình độ trước khi áp dụng chính sách tuyển dụng mới (Ảnh: Zing.vn)

Tâm tư sinh viên sư phạm

Em Nguyễn Thị Lê - cựu sinh viên khoa Giáo Dục Tiểu học, trường Cao đẳng sư phạm Thái Bình cho biết: Khi nhận thông tin dự thảo của Bộ GD&ĐT, chắc chắn những ai đang nuôi giấc mơ làm giáo viên đã và đang theo học hệ Trung cấp, CĐ đều sẽ khó tránh khỏi băn khoăn, lo lắng về tương lai công việc của mình. Tuy nhiên, khi được biết, Bộ GD&ĐT đã xây dựng lộ trình 5 năm cho giáo viên bồi dưỡng nâng chuẩn thì phần đông chúng em đều rất phấn khởi vì đây là cơ hội tốt để nâng cao trình độ nghiệp vụ, phục vụ tốt hơn yêu cầu của công việc".

"Khoá của em, vừa ra trường gần 1 năm nay, cũng đã có rất nhiều bạn tìm được việc làm đúng nghề nhưng chủ yếu vẫn là hợp đồng. Bản thân em đang tìm cơ hội học lên Đại học để nâng cao trình độ và đón đầu những đổi mới tích cực của ngành Giáo dục" - em Đinh Thị Hoa (sinh viên trường CĐSP Hưng Yên) tâm sự.

Cùng tâm tư trên, em Nguyễn Thị Quỳnh Trang - khoa Giáo Dục Tiểu học, trường Cao đẳng sư phạm Thái Bình nêu suy nghĩ: Nếu dự thảo của Bộ GD&ĐT được chấp thuận và lộ trình bồi dưỡng giáo viên, sinh viên chưa đạt trình độ ĐH được thực hiện sẽ là tin vui cho một bộ phận không nhỏ thầy cô. Bởi học hỏi là quá trình không ngừng, giáo viên càng không thể ngại học chỉ vì chuẩn hóa để phụng sự cho một nền giáo dục phát triển hơn.

Nhiều sinh viên hệ cao đẳng sư phạm chia sẻ rằng: Để trở thành 1 giáo viên giỏi, bằng cấp là yêu cầu thiết yếu song bên cạnh đó còn cần kỹ năng, nghiệp vụ trau dồi trong quá trình đào tạo và học tập. Hơn thế nữa, còn phải có lòng yêu trẻ và đam mê với nghề.

Thay đổi nào, cải cách nào cũng sẽ đòi hỏi nỗ lực của nhiều lực lượng. Tuy không tránh khỏi những lo âu, nhưng các giáo viên, sinh viên hệ trung cấp, cao đẳng sư phạm rất hi vọng sẽ có một tương lai tươi đẹp hơn, phát triển nghề nghiệp vững vàng hơn cùng với chính sách mới của Bộ GD&ĐT.

Lộ trình chặt chẽ của Bộ GD&ĐT

Theo ông Nguyễn Đức Hữu, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT, Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đã nêu: "Tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực sư phạm".

Thực tế vẫn tồn tại một số giáo viên hiện nay không theo kịp yêu cầu về trình độ nên việc nâng chuẩn trình độ giáo viên là tất yếu. Điều này cho thấy, về lâu dài, sinh viên trung cấp, cao đẳng sư phạm tiểu học muốn được tuyển dụng bắt buộc phải nâng cao trình độ, học liên thông lên bậc đại học. Yêu cầu nâng chuẩn cũng sẽ được triển khai với giáo viên tiểu học đã được tuyển dụng.

Bộ GD&ĐT cho biết, khi đưa ra dự thảo nâng chuẩn giáo viên tiểu học, Bộ đã tham khảo Chuẩn trình độ đào tạo giáo viên tiểu học của các nước tiên tiến, họ đều có bằng đại học hoặc sau đại học như: Phần Lan, Đan Mạch, Thuy Điển, Hà Lan, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia...

Về tâm tư của các sinh viên hệ trung cấp, cao đẳng sư phạm, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ chỉ đạo các địa phương xây dựng lộ trình, kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo lại để nâng chuẩn trình độ giáo viên lên đại học sư phạm trong thời gian khoảng 5 năm trước khi thực hiện chủ trương không tuyển mới giáo viên dạy tiểu học có trình độ trung cấp hoặc CĐ sư phạm.

Sớm quy hoạch lại hệ thống các trường sư phạm

Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội đánh giá đây là yêu cầu cấp bách cần khẩn trương thực hiện. Cơ sở đào tạo sư phạm trên cả nước hiện nay chủ yếu thuộc hệ thống công lập. Hệ thống 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng, 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên khá cồng kềnh. Việc đầu tư dàn trải đã không tạo ra được sự bứt phá trong phát triển các cơ sở đào tạo sư phạm.

“Hằng năm, nhu cầu tuyển mới không quá cấp bách. Với yêu cầu đó, chúng ta có thể xây dựng khu vực phía Bắc 3 cơ sở; miền Trung 2 cơ sở, miền Nam 2 cơ sở; Tây Nguyên 1 cơ sở. Nguồn lực của các cơ sở này có thể đào tạo mỗi năm 15.000 đến 20.000 người, đáp ứng yêu cầu cho nguồn nhân lực giáo dục. Các cơ sở khác, trường CĐ sư phạm sẽ thành các phân hiệu, cơ sở thực hành, bồi dưỡng... Đây sẽ là những nhân tố tác động tích cực và trực tiếp để phát triển giáo dục địa phương” - ông Minh cho hay.

Hiện nay cả nước có 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng, 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên. Chủ trương của Bộ GD&ĐT đang gây ra lo lắng về tương lai hàng nghìn sinh viên đang theo học sư phạm bậc trung cấp, CĐ về cơ hội việc làm.

Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, hiện nay cả nước có 59,63% GV tiểu học đạt trình độ đào tạo từ ĐH sư phạm trở lên và còn 40,36% (159.934 GV) cần được bồi dưỡng, đào tạo nâng chuẩn.

Cụ thể, tổng số GV tiểu học cả nước là 396.203, trong đó, trình độ dưới TC sư phạm là 178 GV, trình độ TC sư phạm là 36.530 GV, trình độ CĐ sư phạm là 123.226 GV, trình độ ĐH là 236.269 GV.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia

Xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia

GD&TĐ -Ngày 18/11, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia đã tổ chức Hội thảo tham vấn “Đề án xây dựng Bộ chỉ số văn hóa quốc gia vì sự phát triển bền vững”.