Để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các tuyến đê và sự phát triển bền vững cho cộng đồng dân cư sống dọc theo các triền sông, cần có những giải pháp đồng bộ, mang tính thực tiễn.
Thực trạng công tác quản lý đê điều
Hệ thống đê điều có tầm quan trọng đặc biệt trong công tác phòng, chống thiên tai của nhiều địa phương. Ngoài tác dụng chính là ngăn lũ bảo vệ cho các vùng dân sinh, kinh tế, hệ thống đê điều còn góp phần không nhỏ vào việc kết nối giao thông giữa các vùng trong tỉnh, liên tỉnh; tạo ra một vùng đất bãi sông trù phú thuận lợi cho phát triển nông nghiệp cũng như phát triển các loại hình kinh tế khác, phát triển đời sống của nhân dân.
Việt Nam có khoảng 9.220km đê (6.458km đê sông, 1.171km đê cửa sông và 1.320km đê biển; 271km đê bao). Trong đó có 2.731km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt (với 1.035km kè bảo vệ, 1.563 cống dưới đê), đây là các tuyến đê bảo vệ các khu vực có dân số tập trung đông (khoảng 25 triệu người) và nhiều công trình hạ tầng quan trọng của đất nước. Ngoài ra, có khoảng 44.545km đê bao, bờ bao ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Qua đánh giá hiện trạng, các tuyến đê từ cấp III trở lên hiện còn 399km đê thiếu cao trình; 683km đê mặt cắt còn nhỏ; 160km đê thường bị đùn sủi, thẩm lậu; 459 cống cũ, hư hỏng; 158km kè sạt lở, hư hỏng; 230 trọng điểm xung yếu, cần đặc biệt chú ý trong mùa lũ, bão.
Thiên tai tại Việt Nam những năm gần đây có phần cực đoan lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi phía Bắc, “bão chồng bão” “lũ chồng lũ” ở các tỉnh miền Trung và hạn hán xâm nhập mặn ở nhiều tỉnh khu vực đồng bằng Sông Cửu Long . Điều này đề ra yêu cầu cấp thiết trong tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đặc biệt là đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều và các công trình phòng chống thiên tai mỗi mùa mưa, lũ, bão.
Có một thực tế là hiện tình hình vi phạm pháp luật về đê điều vẫn diễn biến phức tạp ở một số địa phương nhưng việc ngăn chặn, xử lý vẫn còn hạn chế. Việc gia tăng sức ép của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đối với hệ thống công trình thủy lợi được xây dựng từ lâu đã xuống cấp, năng lực phục vụ thấp, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư nâng cấp, sửa chữa còn hạn chế cũng là thách thức đặt ra.
Chủ động giải pháp
Trước thách thức nói trên, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm, củng cố các vị trí xung yếu và chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện, nhân lực để chủ động ứng phó khi có tình huống xảy ra, giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Bên cạnh đó, ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý đê điều, phòng chống thiên tai. Đến nay, đã triển khai xây dựng, tích hợp bộ cơ sở dữ liệu của trên 2.700km đê; 200 trọng điểm đê điều xung yếu; hệ thống camera giám sát, phần mềm theo dõi mực nước theo thời gian thực… vào hệ thống webgis cơ sở dữ liệu đê điều, phần mềm giám sát thiên tai để phục vụ công tác quản lý, kịp thời tham mưu cho Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ đưa ra những quyết định nhanh nhất, phù hợp nhất với diễn biến thiên tai.
Để chủ động ứng phó với mưa, lũ bất thường, trái mùa khi các hồ chứa đã vào thời kỳ tích đầy nước hoặc không còn dung tích trữ lũ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý đê điều, chuẩn bị sẵn sàng hộ đê rà soát các phương án ứng phó với lũ lớn, phù hợp với bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, tránh tư tưởng chủ quan, bị động khi có sự cố.
Một mô hình cũng đang được nhiều địa phương áp dụng là xây dựng nhiều “Hạt Quản lý đê điển hình” và nhiều “tuyến đê kiểu mẫu”. Phong trào này đã được diễn ra từ năm 2016 – 2020. Mục đích của phong trào là nâng cao nhận thức và trách nhiệm, thu hút mọi tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ đê điều, giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều, đảm bảo an toàn, phát huy hiệu quả của hệ thống đê điều phục vụ phát triển kinh tế xã hội
Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, đến nay đã có 61 tuyến đê, tổng chiều dài 283,5km đã đạt tiêu chí “Tuyến đê kiểu mẫu”. Những tuyến đê kiểu mẫu được xây dựng không chỉ bảo đảm an toàn chống lũ mà còn là những công trình văn hóa xanh, sạch, đẹp, góp phần xây dựng nông thôn mới. Một số địa phương tích cực thực hiện, đạt được nhiều kết quả trên thực tế như: Hải Dương, Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Hưng Yên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình. Trên cơ sở kết quả thực hiện giai đoạn 2016 - 2020, xây dựng phương án, kế hoạch tiếp tục thực hiện Phong trào giai đoạn tiếp theo 2021 - 2025.
Thực tế cũng cho thấy, để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ đê điều nếu chỉ có sự vào cuộc của các ngành chức năng là chưa đủ mà rất cần tới ý thức chấp hành Luật Đê điều từ chính những người dân. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ công trình phòng chống thiên tai. Nếu phát hiện vi phạm công trình đê, kè, thủy lợi..., cần báo ngay cho cấp có thẩm quyền để kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm ngay từ khi mới phát sinh. Và chỉ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của người dân thì công tác bảo vệ và quản lý đê điều, các công trình thuỷ lợi mới có được kết quả tốt nhất.
----
Đây là bài viết truyền thông về phòng, chống thiên tai – Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021.